Tin mới nhất

Vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Bộ Y tế cho biết, tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 18/5/2021, Việt Nam đã có tổng cộng 1.472 ca mắc COVID-19(1). Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua thực tế cho thấy, vai trò của chính quyền cấp xã là rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Tại Điều 6, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN) năm 2007 đã quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước;  Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”. Như vậy, theo quy định, Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ. Theo đó, chính quyền cấp xã (cụ thể là Uỷ ban Nhân dân cấp xã) có vai trò quan trọng trong thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thực tế nhận thấy một số vai trò nổi bật như sau:

Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid -19

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đã xác định rõ các trách nhiệm cụ thể của chính quyền cấp xã, gồm: chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về PCBTN; chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương; tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh PCBTN; tổ chức và thông qua Ban chỉ đạo chống dịch để thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch; tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch; bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

Thứ hai, áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong những trường hợp theo quy định

Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch đã nêu rõ các biện pháp cách ly y tế bao gồm: cách ly y tế tại nhà; cách ly tại cơ sở y tế; cách ly y tế tại cửa khẩu hoặc các cơ sở đã tạo cơ sở giúp chính quyền cấp xã thực hiện vai trò phòng chống dịch Covid – 19 trên địa phương mình quản lý.

Thứ ba, chính quyền cấp xã thực hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ hẩm quyền của chính quyền cơ sở, theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt mức tiền phạt; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả

Những nhóm quy định cụ thể này góp phần cho thấy rõ hơn vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời là căn cứ, cơ sở đánh giá quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền cấp xã trên thực tiễn.

Thời gian vừa qua, sau khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan quan trọng, số người mắc và tử vong do COVID-19 của chúng ta tương đối thấp so với các nước trên thế giới. Trong khi đó dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới liên tục gia tăng nhanh chóng mỗi ngày. Chúng ta đã có quãng thời gian dài nhiều tháng liền không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế. Có thể nói, để đạt được kết quả đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó là do toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, đặc biệt là phát huy vai trò của chính quyền cấp xã trong phòng, chống dịch COVID-19.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tại tỉnh Bình Thuận, mặc dù chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào, nhưng với tình hình bùng phát dịch từ ngày 27/4/2021 tại Việt Nam đến nay, chính quyền các cấp đã nhanh tay vào cuộc, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chính quyền cấp xã đã nhanh chóng triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Điển hình đó là: Công văn số 132-CV/TU ngày 28/4/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống, dịch COVID-19; Công văn số 1414/UBND-KGVXNV ngày 27/4/2021 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới; Công văn số 1504/CV-BCĐ ngày 09/5/2021 của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh về tiếp tục cập nhật danh sách các địa phương có liên quan đến dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.; Công văn số 1671/UBND-KGVXNV ngày 16/5/2021 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19…

Ngoài ra, chính quyền cấp xã còn thực hiện tốt các quy định về phối hợp, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động Nhân dân trong phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định của Chính phủ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chính quyền cấp xã thực sự trở thành “pháo đài” chống dịch. Vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19 còn được thể hiện rất nổi bật qua việc triển khai và thực hiện nghiêm các quy định về khai báo y tế, quản lý sự biến động của người dân trên địa bàn, đặc biệt là những người từ nước ngoài trở về; qua đó bảo đảm nắm bắt thông tin và thực hiện giám sát, báo cáo với các ngành chức năng và cấp có thẩm quyền một cách kịp thời, đóng góp thiết thực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19.

Nhìn chung, chính quyền cấp xã đã phát huy tốt vai trò trong thực hiện các quy định quản lý nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Vai trò của chính quyền cấp xã được phát huy là minh chứng sinh động cho sức mạnh tổng hợp của “ý Đảng, lòng Dân” trong phòng, chống dịch COVID-19. Với việc sát dân, gần dân, chính quyền cấp xã đã thực hiện tốt các quy định về phòng, chống COVID-19, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.


(1) https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=431683


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số