Tin mới nhất

Từ bài viết của Tổng Bí thư, rọi vào thực tiễn Bình Thuận trên con đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Bài 2: Bình Thuận trên con đường đấu tranh và xây dựng dưới cờ Đảng quang vinh

Trong sự nghiệp cách mạng chung của cả nước qua các thời kỳ, Bình Thuận rất đáng tự hào về truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” dưới lá cờ của Đảng quang vinh; càng thêm tự hào là nơi có Khu Di tích Dục Thanh (Phan Thiết) in đậm dấu son lịch sử về Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học vào năm 1911 trên hành trình đi tìm con đường “cách mệnh” giải phóng dân tộc, giải phóng Nhân dân khỏi ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược. Trong những ngày này, Đảng bộ và quân, dân tỉnh Bình Thuận đang cùng với cả nước hướng về kỷ niệm lần thứ 110 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021). Phát huy truyền thống đó, trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua muôn vàn gian khổ, anh dũng hy sinh, chiến đấu ngoan cường, đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang chung cả nước - hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, tiến lên xây dựng CNXH.

Khi giải phóng quê hương (19/4/1975) hệ thống cơ sở hạ tầng Bình Thuận rất yếu kém, hầu như chưa có gì cơ bản, các thế lực thù địch, phản động vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá. Là vùng đất cuối cùng cực Nam Trung Bộ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hạn hán liên tiếp xảy ra, sản xuất khó khăn, làm cho đời sống người dân Bình Thuận gặp nhiều khó khăn. Nhưng một lòng tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn, 46 năm qua, nhất là từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ và quân, dân Bình Thuận tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đoàn kết, nhất trí, vừa ra sức hàn gắn hậu quả chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, tranh thủ những yếu tố thuận lợi, phấn đấu đi lên trên con đường xây dựng và phát triển, đã giành được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, đến nay tỉnh Bình Thuận đã có nhiều đổi thay và đạt những thành tựu quan trọng về nhiều mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá bền vững (bình quân GRDP hằng năm trên 7%). Tỉnh đang phấn đấu vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế phù hợp công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng: nước, điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng sự tập trung nguồn lực của địa phương, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, hiện có 78 công trình đưa vào khai thác với tổng dung tích 339 triệu mét khối, đảm bảo cho 71% diện tích lúa được chủ động về nước tưới(1) (tăng 8,45 lần so với năm 1992). Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.077 MW (04 nhà máy nhiệt điện than, 01 nhà máy diesen, 07 nhà máy thủy điện, 03 nhà máy điện gió và 21 nhà máy điện mặt trời)(2).

Mạng lưới giao thông vận tải đang hiện diện đa dạng các loại hình: đường bộ, đường sắt, cảng biển. Bình Thuận đang nỗ lực trong việc triển khai hàng loạt dự án lớn về giao thông vận tải trên địa bàn như: Sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên mạng lưới giao thông liên kết vùng, là điểm hấp dẫn thu hút nguồn vốn lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về Giáo dục -Y tế, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao, điều kiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn; đến nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 46,17% (phấn đấu đến 2025 đạt 50%)(3);  100% xã, phường, đạt chuẩn quốc gia về y tế, 07 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân (phấn đấu đến 2025 đạt 09 bác sĩ và 31 giường bệnh/1 vạn dân)(4), công tác y tế dự phòng, kiểm soát và xử lý dịch bệnh được thực hiện tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn; đã ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.

Cùng với nền tảng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển là bộ mặt nông thôn được đổi thay căn bản, nhất là từ khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đã cải thiện rõ rệt bộ mặt xã hội và đời sống của đa số nông dân. Đến nay đã có 58/96 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 60,42% tổng số xã trên toàn tỉnh (phấn đấu đến 2025 có 05 huyện, 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu)(5); đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.935 USD, tăng 22,5 lần so với năm 1991(phấn đấu đến 2025 tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với năm 2020)(6), giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,94% (phấn đấu đến 2025 giảm từ 0,7 - 1,0%/năm)(7), tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 9%(8); về môi trường: tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5% (phấn đấu đến 2025, trên 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 75% hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế)(9), tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 93,5%, tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%(10); tỷ lệ che phủ rừng  đạt 55%(11); phúc lợi và an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Những kết quả đạt được trong công cuộc kháng chiến và trong xây dựng quê hương cũng chính là thực hiện mục tiêu của CNXH, vì độc lập, tự do, vì xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng bộ và quân, dân Bình Thuận đã nỗ lực vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên trì và sáng tạo để vươn tới. Qua đó làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường, góp phần tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tình hình các mặt của tỉnh nhà phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong giai đoạn mới để thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế-xã hội của Đại hội XIV Đảng bộ Bình Thuận (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, và hiểu rõ chặng đường đấu tranh, xây dựng, phát triển của quê hương Bình Thuận, Thạc sĩ Dụng Văn Duy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nói lên điều tâm đắc: Bài viết của Tổng Bí thư đã phân tích sâu sắc, với bằng chứng hùng hồn đầy sức thuyết phục về một vấn đề lớn, rất cơ bản, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta, đó là lý luận và thực tiễn về CNXH, về kinh tế thị trường định hướng  XHCN và con đường đi lên CNXH ở nước ta, đã làm sáng tỏ những giá trị đích thực, ưu việt của CNXH là thực sự vì con người, vì sự phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau. Do đó, trong giảng dạy, giảng viên Trường Chính trị Tỉnh cần định hướng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư, kết hợp liên hệ thự tiễn sinh động về thành tựu của Đảng bộ, quân, dân Bình Thuận đã đạt được, qua đó định hướng và xây dựng niềm tin trong học viên, hướng đến khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp./.


Những số liệu từ (1) đến (11): Văn kiện Đại hội XIV Đảng bộ Bình Thuận (nhiệm kỳ 2021-2025)                                                      


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số