Đây là một bài viết hết sức tâm huyết, đầy trách nhiệm của đồng chí TBT trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang trong niềm phấn khởi, tin tưởng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới; đồng thời đang tiến tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2021). Bài viết tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin son sắt cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), chỉ có con đường ấy mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho Nhân dân ta.
Trong khuôn khổ của một bài báo nhưng TBT đã khái quát những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về CNXH và con đường lên CNXH ở Việt Nam, tập trung vào trả lời bốn câu hỏi: “CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường CNXH? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”. Những vấn đề đó tưởng như đã trở thành “đường mòn, lối cũ” đối với cách mạng Việt Nam, nhưng dưới nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén cùng với những bằng chứng sinh động về thực tiễn tình hình thế giới và cách mạng Việt Nam, TBT đã luận giải, cắt nghĩa những vấn đề có tính thời đại một cách thuyết phục, đó là: Chỉ ra thực tế chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước, và đã ra sức tự điều chỉnh, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Mặc dù vậy vẫn không thể khắc phục được những căn bệnh trầm kha, những mâu thuẫn cơ bản vốn có trong xã hội TBCN, dẫn đến khủng hoảng nhiều mặt, điển hình như hiện nay: cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các nước TBCN. Chỉ ra những bằng chứng hiện thực đó để giải thích vì sao Việt Nam không đi theo con đường TBCN, và để tỉnh ngộ những ai còn mơ hồ, sùng bái CNTB, nhận thức lệch lạc về CNXH; đồng thời, vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục khẳng định tính tất yếu của cách mạng Việt Nam là mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đó là là con đường đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn.
TBT đã phân tích rất cụ thể Việt Nam đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, đó là một sự sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tính sáng tạo đó được thể hiện: bỏ qua chế độ TBCN không phải là bỏ qua toàn bộ, mà là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển CNTB. Với tính khái quát cao, tầm nhìn sâu, rộng, kết hợp tổng kết thực tiễn xây dựng ở nước ta, TBT nhắc lại mô hình CNXH Việt Nam đang xây dựng đã được Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và đưa ra những nhận thức mới có tính lý luận về CNXH để nói lên mục tiêu của Đảng và cũng là khát vọng của dân tộc, của Nhân dân Việt Nam đang cần, đó là: một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm; đang cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Những khát vọng tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi. Và để đi đến những giá trị đích thực đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, Nhân dân ta đã phải trải qua chặng đường đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, ác liệt và đổ biết bao xương máu để chống lại thực dân, đế quốc xâm lược, đã làm nên những chiến công hiễn hách: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc kháng chiến chống Pháp, đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.
Không đơn thuần bằng lý luận để chứng minh, bài viết của TBT đã tổng kết thực tiễn về quá trình xây dựng CNXH ở nước ta, nhất là trong 35 năm Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước; mặc dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết, nhưng thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử khá toàn diện. Bài viết đã phản ánh một hệ thống “chuỗi giá trị” những con số chứng minh kết quả to lớn đã đạt được trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…,đáng lưu ý là những con số phản ánh nâng cao giá trị, chất lượng cuộc sống cho con người, vì con người Việt Nam. Đó chính là hiện thực hóa ước nguyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trên cơ sở đó, TBT tiếp tục khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ đó càng cũng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ XHCN mà chúng ta đang ra sức xây dựng: vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, và đó cũng là bằng chứng hùng hồn để bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của những phần tử thoái hóa biến chất và các thế lực thù địch, phản động đang ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta./.