Tin mới nhất

Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và bài học về bản lĩnh của thanh niên

Ngày 05/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin – học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Người đã xong pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái cẩm nang thần kỳ, đưa sự nghiệp cứu nước của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.

Cuộc hành trình qua ba đại dương, bốn châu lục với gần 30 quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận: Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và Nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Cũng chính từ đó, Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[1].

Có người từng đặt câu hỏi: người thanh niên chỉ 21 tuổi ấy đi với mục đích gì? Để kiếm kế sinh nhai hay là để thỏa mãn ước mơ nào đó của tuổi trẻ?. Và câu hỏi đó được chính Người trả lời rõ ràng rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”[2]. Nguyễn Tất Thành muốn đi ra nước ngoài để xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào sau đó “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta[3]. Khác biệt với những bậc tiền bối trước đó, Người đã bản lĩnh vượt qua được lối mòn của phương thức cứu nước nặng cốt cách phong kiến và lập trường cứu nước dân chủ tư sản để tìm cho mình một con đường mới. Đó không phải ra cải cách “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, cũng không phải là “xin giặc rủ lòng thương”. Con đường mà Nguyễn Tất Thành chọn đó là đi sang phương Tây. Đó là một quyết tâm lớn với một tư duy sáng tạo và một trí tuệ đỉnh cao của Người.

Với ý chí và bản lĩnh kiên cường của tuổi trẻ, với bàn tay lao động và khối óc sáng tạo của mình, Người đã vượt qua những gian truân, vất vả, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để sống và để đi, để tìm hiểu, học hỏi, xem xét, tìm kiếm và phát hiện. Người đã sống cuộc sống của những “Người cùng khổ” để thấu hiểu được nỗi đau của toàn nhân loại; Người đã luôn tự học với một khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ nhân loại. Chính lòng yêu nước, thương dân, bản lĩnh kiên cường, lý tưởng và khát vọng của tuổi trẻ đó, gần 10 năm sau, ở tuổi 30, Nguyễn Tất Thành đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết cách mạng, khoa học, chân chính và tiến bộ của nhân loại. Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ đó chính là con đường cách mạng vô sản. Từ một người tìm đường trở thành người mở đường, dẫn đường cho dân tộc vững bước theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Lòng yêu nước, bản lĩnh kiên cường, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hành trình tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc đã trở thành lẽ sống, niềm tin và là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo, thể hiện trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh của đất nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đồng thời nhân loại đã bước những bước tiến lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có những nguy cơ, thách thức hết sức nghiệt ngã đòi hỏi thanh niên Việt Nam phải phát huy được ý chí, bản lĩnh của các thế hệ cha anh đi trước, ra sức rèn đức luyện tài, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu những thành tựu tiên tiến của nhân loại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Đất nước đã hòa bình, thống nhất, độc lập, tự chủ và phát triển, nhưng khát vọng đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” vẫn luôn là niềm thôi thúc bao lớp thanh niên hôm nay tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Trong hành trình đưa đất nước tiến lên, tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay vững vàng niềm tin trong hành trình lập thân, lập nghiệp, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, trang 563.

[2]. Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tập 1, tr.47.

[3]. Báo Nhân dân, số ra ngày 18/5/1965.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số