Tin mới nhất

Chuyến hải trình đến Pháp trên con tàu La Touche De Tréville mang theo khát vọng của chàng trai “Văn Ba”

Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược. Do thiếu đường lối chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, cuối cùng Việt Nam đã rơi vào tay thực dân Pháp. Hiệp ước ngày 06/6/1884 (Hiệp ước Patơnốt) đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình phong kiến nước ta trước thế lực xâm lăng, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.

Trái ngược với thái độ của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân Việt Nam đã đứng dậy chiến đấu chống Pháp. Cuộc chiến tranh nhân dân bền bỉ, kiên cường, có nhiều phong trào của các văn thân sĩ phu yêu nước nổ ra như phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, phong trào Đông kinh nghĩa thục của Phan Bội Châu...nhưng tất cả đều có chung một điểm kết là: thất bại. Đời sống nhân dân lầm than, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam không chỉ bị bóc lột về kinh tế, mà còn phải chịu nỗi nhục mất nước. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và bọn phản động tay sai ngày càng sâu sắc. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Do đó yêu cầu đặt ra là phải tìm con đường cứu nước mới, tìm một đường lối cách mạng, một giai cấp tiên tiến để lãnh đạo, đấu tranh giải phóng dân tộc là mệnh lệnh cấp thiết.

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại vùng quê Nghệ An, là nơi có truyền thống yêu nước và đấu tranh quật khởi, lại được chứng kiến sự thất bại của một loạt phong trào đấu tranh chống Pháp, từ nhỏ Người được tiếp xúc với các thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý, Trần Thân. Bác được nghe nhiều câu chuyện qua các buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy với các sĩ phu yêu nước. Cùng thời gian đó, Người còn được nghe kể về những hành động của những vị vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân. Người dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc tiền bối trước cảnh nước mất, nhà tan. Vì vậy, từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã có lòng căm thù bọn bán nước và bọn cướp nước, có chí đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng dân tộc.

Do vậy, từ nhỏ, khi được được thân phụ cho đi học Tại Trường Tiểu học Vinh (Nghệ An), Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ tiếng Pháp được sơn vào gỗ gắn phía trên bảng đen: Tự do (Liberté) - Bình đẳng (Égalité) - Bác ái (Fraternité). Tìm hiểu những từ này, Nguyễn Tất Thành biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Đây là điều hoàn toàn mới lạ, nó rất khác với những điều mà Anh được học trong sách vở, khác với cả những cảnh được mắt thấy tai nghe từ những người Pháp đối xử với đồng bào mình. “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế... Trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người ta như con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài[1].

Như vậy, bước đầu được tiếp xúc với văn minh Pháp, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào, giải phóng dân tộc. Rút kinh nghiệm các vị tiền bối đi trước, Người quyết định đi các nước Tây Âu với nhận thức đúng đắn là muốn đánh đổ kẻ thù thì phải biết rõ kẻ thù đó. 

Từ Quy Nhơn, Bác dừng chân ở Phan Thiết. Ở đây, Anh xin vào làm trợ giáo (moniteur), được giao dạy một số môn, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khoá của Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907. Ngoài giờ lên lớp, Nguyễn Tất Thành tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần đầu tiên anh được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rútxô (Rousseau), Vônte (Voltair), Môngtétxkiơ (Montesquieu). Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc anh tìm đường đi ra nước ngoài. Tháng 02/1911, nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã từ Phan Thiết vào Sài Gòn, vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, tìm cơ hội thực hiện ý định cháy bỏng đó. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, một sự lựa chọn lịch sử có ý nghĩa quyết định, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Ở đây, Anh đã làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hoặc học nghề ở trường kỹ nghệ thực hành, làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng chuyên giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp. Trong những ngày đó, anh thường xuyên đến bến cảng Sài Gòn. Hình ảnh những chiếc tàu neo bến làm lòng anh không yên. Và ngày 05/6/1911, trên con tàu La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, vị thuyền trưởng hỏi anh có thể làm được gì trong nhà bếp, Anh chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Tôi có thể làm tất cả những gì ông cần!”. Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định xuất dương tìm đường cứu nước của một con người mà lịch sử đã chứng minh là táo bạo, chính xác, sáng suốt và phi thường.

Mẩu chuyện do Trần Dân Tiên kể lại, liên quan đến việc Nguyễn Tất Thành bàn với một người bạn thân về chuyện ông muốn đi nước ngoài và rủ rê anh này đi theo:

Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm…Anh muốn đi với tôi không?

Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền để đi? Đây, tiền đây…Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.

Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay của mình, một cách tự tin và kiên quyết[2].

Làm việc trên tàu tất bật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, người thanh niên có dáng gầy gò ấy luôn hoàn thành mọi công việc, kể cả những việc hoàn toàn mới mẻ như gọt củ cải, khoai tây, những thứ mà Anh chưa nhìn thấy bao giờ, để phục vụ cho gần 800 hành khách và thủy thủ đoàn.

Thủy thủ và đầu bếp đã bắt đầu nể phục anh, trao đổi ngoại ngữ và nhanh chóng kết thân…, Một kinh nghiệm đầu tiên nhưng quý giá mà Anh nhận ra được: Cũng có cả những người Pháp tốt bụng. Kinh nghiệm này đã bổ sung cho nhận thức của Anh về quan hệ sau này đối với đất nước và con người Pháp.

Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, Người nhận ra rằng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản[3].

Vào tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người đã viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba[4]. Và khi Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam – con đường cách mạng vô sản. “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[5].

Năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiêu biểu là cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa quyết định đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới. Tiếp nối xuyên suốt tư tưởng cách mạng của người, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Đây là một trong những thắng lợi hiển hách nhất của dân tộc Việt Nam, là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và tiếp tục vững bước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cả cuộc đời của Bác Hồ kính yêu là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do. Đã 52 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng trong lòng các thế hệ Việt Nam, Người vẫn còn sống mãi. Tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác luôn soi rọi con đường cách mạng trong mỗi bước đi lên của đất nước. Nhắc lại hành trình cứu nước 110 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với những hi sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Đó là dấu mốc lịch sử quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày nay, đất nước ta bước vào một thời đại mới, một kỷ nguyên mới, đang khoác trên mình diện mạo mới, đổi thay, hội nhập và ngày càng phát triển. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nguyện vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Người!./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 461

[2] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, NXB CTQG, Hà Nội, 2005, trang 14-15.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 1 tr. 287.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12 tr. 562.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15 tr. 588.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số