Tin mới nhất

Bạo lực hẹn hò - dưới góc nhìn quản lý nhà nước

Hẹn hò ngày càng trở nên đa dạng và phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, hẹn hò cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ bạo lực, gây nhiều hậu quả đáng tiếc về sức khỏe, tinh thần và có khi trả giá bằng chính mạng sống. Hiện tại, vấn đề này vẫn đang được xem nhẹ, chưa có một nghiên cứu chính thức hoặc chuyên sâu cho vấn đề này tại Việt Nam mặc dù tình trạng bạo lực hẹn hò ngày một gia tăng.

Hiện nay, trong đại từ điển tiếng Việt và các nghiên cứu chưa đưa ra khái niệm chính thức về bạo lực hẹn hò (Dating violence/ Dating abuse). Chỉ có một khái niệm giải nghĩa của Y.Change (một tổ chức hành động vì bình đẳng giới tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women)) về vấn đề này: “Bạo lực hẹn hò là khi một bên thể hiện quyền lực và sự kiểm soát đối với bên kia bằng việc gây ra hoặc đe dọa gây ra hành vi bạo lực trong một cặp đôi đang trong thời gian tìm hiểu và chưa kết hôn”. Hoặc được hiểu là: Teen dating violence is a pattern of controlling behavior exhibited towards one teenager by another in a dating relationship[1] (Bạo lực hẹn hò thiếu niên là một hình thức kiểm soát hành vi đối với một thiếu niên bởi một người khác trong mối quan hệ hẹn hò). Như vậy, có thể khái quát rằng: Bạo lực hẹn hò có nghĩa là việc thực hiện sự đe dọa bằng bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục hoặc kinh tế trong một mối quan hệ hẹn hò, nó cũng bao gồm cả việc lạm dụng bạo lực để duy trì và kiểm soát quyền lực với đối phương[2].

Bạo lực hẹn hò đã được phân loại như các bạo lực giới khác (bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế, bạo lực thể xác và kiểm soát hành vi). Hình thức bạo lực hẹn hò đa dạng, có thể kể đến một số biểu hiện cụ thể theo cách phân loại sau:

- Bạo lực kinh tế: ngăn cản người yêu đi làm, can thiệp vào các khoản chi tiêu và sử dụng tài chính của đối phương mà không được sự đồng ý, yêu cầu đối phương phải có sự cho phép mới được có các khoản chi tiêu cho cá nhân.

- Bạo lực tinh thần: sử dụng lời nói để chửi mắng, gọi đối phương bằng những từ ngữ miệt thị, coi thường, xúc phạm đối phương và gia đình của họ. Hoặc đe dọa, cô lập họ khỏi gia đình, bạn bè, đổ lỗi cho đối phương về những việc ngoài ý muốn. 

- Bạo lực thể xác: đánh đập, đấm đá, tát, ném đồ vật vào người, đe dọa dùng súng, dao hay các loại vũ khí khác làm hại đến thân thể đối phương.

- Bạo lực tình dục: bị ép quan hệ tình dục khi không được đồng thuận, buộc quan hệ tình dục dù người phụ nữ không mong muốn vì sợ nếu từ chối sẽ đánh, phải làm những hành động kích dục mà người phụ nữ cảm thấy bị làm nhục hoặc bị hạ thấp.

Nghiên cứu đa quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sức khỏe phụ nữ và bạo lực gia đình đối với phụ nữ, đã thu thập dữ liệu về bạo lực hẹn hò từ hơn 24.000 phụ nữ ở 10 quốc gia, đa dạng từ văn hóa, địa lý, ở thành thị và nông thôn, chỉ ra rằng, bạo lực hẹn hò phổ biến ở tất cả các quốc gia được nghiên cứu. Trong số những phụ nữ đã từng trong mối quan hệ hẹn hò, có:

+ 13-61% đã từng bị bạo lực thể chất

+ 4-49% đã từng bị bạo lực thể chất nghiêm trọng

+ 6-59% đã từng bị bạo lực tình dục bởi bạn tình

+ 20-75% đã từng trải qua một hoặc nhiều hành vi bạo lực về tình cảm bởi bạn tình

Theo một điều tra của HHS (United States Department of Health and Human Services), 1/3 thanh niên Mỹ là nạn nhân của bạo lực hẹn hò. Cụ thể, có gần 1,5 triệu học sinh trung học bị bạo lực thể chất; con gái từ 16 – 24 tuổi có tỷ lệ bị bạo lực hẹn hò cao nhất; tỷ lệ nữ sinh đại học trải qua bạo lực hẹn hò lên tới 43%, trong đó có 16% bị lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, chỉ có 33% giới trẻ Mỹ bị bạo lực hẹn hò dám chia sẻ chuyện của mình với người khác; 81% phụ huynh cho rằng bạo lực hẹn hò trong giới trẻ không phải vấn đề to tát và họ cũng không hiểu gì về vấn đề này.

Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn 2013 – 2017, trung bình mỗi ngày cảnh sát được thông báo khoảng 28 trường hợp bạo lực hẹn hò; riêng năm 2017 có 10.303 vụ bạo lực hẹn hò đã được thông báo, tăng 23% so với năm 2016.

Hay tại Việt Nam, Y.Change (một nhóm hoạt động về giới tại Hà Nội) đã khảo sát 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18-30, 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay, 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, thậm chí, hơn 6% trong số đó từng muốn tự tử.

Các nghiên cứu đều cho thấy, các loại bạo lực khác nhau thường cùng tồn tại: bạo lực hẹn hò về thể chất thường đi kèm với bạo lực hẹn hò về tình dục, cùng với đó là bạo lực về mặt tình cảm. Ví dụ, trong Nghiên cứu đa quốc gia của WHO, 23-56% phụ nữ được hỏi đã từng bị bạo lực hẹn hò về thể chất hoặc tình dục nói rằng đã từng bị cả hai loại bạo lực. Hay, phân tích so sánh của Dữ liệu Khảo sát Sức khỏe và Dân số (DHS) từ 12 nước Mĩ La-tinh và Vùng Caribe đã chỉ ra rằng, phần lớn phụ nữ (61-93%) từng bị bạo lực hẹn hò về thể chất cũng bị bạo lực về tình cảm.

Những nghiên cứu trên cho thấy rằng ở mức độ khác nhau, hậu quả và tác động mà nạn nhân phải gánh chịu từ bạo lực hẹn hò cũng khác nhau. Tuy nhiên, nữ giới khi bị bạo lực hẹn hò (đặc biệt là người đang trong độ tuổi học sinh, sinh viên) thường gặp ảnh hưởng có tính nặng nề, lâu dài hơn như: sang chấn tâm lý (lo lắng, trầm cảm); sử dụng chất kích thích gây hại sức khỏe (hút thuốc lá, uống rượu, ma túy…); rối loạn ăn uống; chịu rủi ro từ hành vi tình dục (mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục); nguy cơ cao chịu thêm tổn thương từ bạo hành gia đình; tự vẫn. Ngoài ra, phụ nữ ít khi nói về việc mình bị bạo lực hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Sự im lặng, kỳ thị và thái độ của cộng đồng là những rào cản, hạn chế phụ nữ lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực nói chung, bạo lực với nữ giới nói riêng thông qua việc ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp, như: Hiến pháp năm 2013, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Trong đó, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 đã đưa ra các quy định về các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Các cơ quan chức năng đã “hành động tích cực” để ngăn ngừa, điều tra và truy tố các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quy định pháp luật của Việt Nam. Song vấn đề bạo lực hẹn hò cần được cơ quan chức năng, xã hội quan tâm hơn nữa trong thời gian tới bằng những giải pháp cụ thể và kịp thời.

Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW); do đó, Nhà nước bổ sung thêm các quy định, ban hành chính sách, luật pháp về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực hẹn hò phù hợp với các cam kết quốc tế và cải thiện cải thiện thực trạng bạo lực hẹn hò hiện nay. Ngoài ra, hoàn thiện các quy định pháp luật đang có; các cơ quan có nghĩa vụ thực thi quyền có trách nhiệm ban hành các chính sách thúc đẩy phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ và thực hiện các quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, trong đó có cả nạn nhân bị bạo lực hẹn hò.

Thứ hai, cần thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông đại chúng và phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng (ví dụ: các chương trình tuyên truyền – giáo dục pháp luật, các sáng kiến truyền thông tại địa phương) cũng như các hoạt động hướng tới những yếu tố, nguy cơ cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng bạo lực hẹn hò hiện nay.

Thứ ba, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho cả phụ nữ và nam giới, đặc biệt là giới trẻ ý thức hơn về quyền của họ, trong các mối quan hệ cá nhân và các chuẩn mực xã hội về bình đẳng giới nhằm bảo vệ tốt hơn những người trẻ tuổi khỏi bạo lực hẹn hò. Đây là một trong những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn hiệu quả bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực hẹn hò nói riêng.

Cuối cùng, hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án để lồng ghép bình đẳng giới và phòng, ngừa bạo lực trên cơ sở vào sách giáo khoa. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn nữa vấn đề bạo lực hẹn hò vào chương trình giáo dục này để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, cách phòng ngừa và ứng phó khi bị bạo lực hẹn hò. Bên cạnh đó, trường học và cộng đồng cần cung cấp các dịch vụ tư vấn (tư vấn tại chỗ, tư vấn qua điện thoại, tham vấn trực tiếp và trị liệu tâm lý) và can thiệp đối với các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới và các hình thức bạo lực khác bởi các tổ chức (cơ sở y tế, hội phụ nữ, chính quyền địa phương nơi gần nhất, trung tâm công tác xã hội tỉnh), các chuyên viên, chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình giải quyết vấn đề.

Dựa trên những thông tin cụ thể và thực trạng xã hội phản ánh, các cơ quan chức năng đã và đang rất tích cực trong hoạch định chính sách, cải cách pháp luật nhằm đấu tranh chống bạo lực đối với phụ nữ. Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực hẹn hò - một trong những mầm mống gây ra bạo lực gia đình hiện nay nhằm đảm bảo quyền, sự công bằng đối với nữ giới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn./.

 

[1] Teen Dating Violence as a Public Health Issue. 2012. Children’s Safety Network (CSN) - U.S. Department of Health and Human Services (DHHS). (18.pp) 

[2] Kang Yong Gil, Park Jae Poong, Park Won Kyu, Lee Chun Sam (2016)


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số