Rõ nét nhất là ở tầm vĩ mô, 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GDP cả nước đạt 5,64%, cao hơn 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II, mặc dù phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,61%; tổng thu ngân sách ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm. Đầu năm 2021, Việt Nam đón nhận tin vui là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng từ ổn định lên "Tích cực". Đồng thời, Việt Nam còn được coi là điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và đối ngoại vững chắc. Đó là sự ghi nhận thành tựu phát triển ấn tượng của nước ta trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp. “Sau mỗi đám mây đều có các tia sáng”, là điều khích lệ của bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khi sang thăm Việt Nam vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua, bà đã đánh giá về sự phát triển kinh tế Việt Nam trước những thách thức nhưng có triển vọng rất tích cực và khả quan.
Nước dâng thì thuyền nổi; trong vận thế đi lên của đất nước, Bình Thuận cũng “mát mái, xuôi chèo” tiến về phía trước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh nhìn chung có bước chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu về kinh tế đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Qua những số liệu của Cục Thống kê Bình Thuận công bố thì bức tranh toàn cảnh KT-XH của tỉnh có những gam màu sáng: Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,53%. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua kết quả điều tra ở các doanh nghiệp ở ngành chế biến, chế tạo trong quý II/2021 có đến 71,01% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh ổn định và có chiều hướng tốt hơn quý I. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đóng góp vào mức tăng trưởng chung, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 8,71%. Sản xuất nông nghiệp: diện tích gieo trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đều có sự phát triển theo chiều hướng tốt. Thương mại, dịch vụ đảm bảo hàng hoá đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Xuất khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, 6 tháng đầu năm tăng 30,48%. Thu ngân sách ước gần 6.900 tỷ đồng, đạt 82,84% dự toán năm và tăng 33,25% so với cùng kỳ năm ngoái; lĩnh vực lao động - xã hội đã giải quyết việc làm cho 10.054 lao động, đạt 50,27% so kế hoạch năm, tăng 7,81% so với cùng kỳ năm 2020, tuyển mới và đào tạo nghề 5.188 người, đạt 51,88% kế hoạch năm. Các mặt hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, văn nghệ vừa đảm bảo phục nhiệm vụ chính trị, vừa phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân. Ngành giáo dục trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng thực hiện nghiêm các biện pháp để đảm bảo chất lượng ở các cấp học được ổn định; ngành y tế có nhiều cố gắng triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp hoạt động phòng, chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đạt được kết quả về các mặt KT-XH trong hoàn cảnh như hiện nay là nguồn động viên, cổ vũ lớn, và là động lực mạnh mẽ tạo đà để thúc đẩy mức tăng trưởng của 6 tháng cuối năm, nhằm hoàn thành các mục tiêu KT-XH của cả năm 2021. Tuy nhiên, trước mắt, bước sang quý III, tình hình KT-XH của cả nước nói chung và Bình Thuận còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, chịu sự tác động đan xen của nhiều mặt, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là diễn biến của đại dịch Covid-19 biến chủng mới rất nguy hiểm, phức tạp, khó lường; từ đó kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động KT-XH. Cụ thể hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, những ngành dịch vụ như: du lich hoạt động đang khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp, sụt giảm mạnh lượng khách quốc tế cũng như trong nước; hoạt động giao thông vận tải bị hạn chế, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và vận tải hành khách…
Mặc dù vậy, chúng ta không bất lực trước những khó khăn, thách thức, mà “trong cái khó, ló cái khôn”. Đồng thời, với tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt: Càng khó khăn, càng phải đoàn kết, nhất trí cao, đồng tâm hợp lực lớn để thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Sáu tháng cuối năm nhưng là thời điểm khởi đầu nhiệm kỳ mới (2021-2026) của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương - đây chính là nguồn động lực mới, có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hành các mặt hoạt động để Bình Thuận cùng cả nước thực hiện hoàn thành các mục tiêu KT-XH năm 2021./.