Tin mới nhất

Ứng dụng mô hình của EICHENBAUM và BARRO trong việc đánh giá tác động của COVID-19 đối với thị trường lao động tại Việt Nam

Khi COVID-19 lan rộng khắp thế giới, chính phủ các nước đang vật lộn với việc phải làm thế nào để chống lại và dập tắt dịch bệnh. Các mô hình dịch tễ học đã được sử dụng rộng rãi để dự đoán diễn biến dịch bệnh, ví dụ như của Ferguson 2020. Các mô hình này rất hữu ích, tuy nhiên, chúng không cho phép tương tác giữa các quyết định kinh tế và tỷ lệ lây nhiễm. Điển hình, Ben Bernanke và Janet Yellen (2020) cho rằng “Trong ngắn hạn, vì mục tiêu sức khoẻ cộng đồng đòi hỏi mọi người phải ở nhà, không mua sắm và làm việc trực tiếp với nhau, đặc biệt khi họ bị ốm hoặc gặp rủi ro lây nhiễm. Vì vậy, sản xuất và chi tiêu chắc chắn phải giảm trong một thời gian”.

1. Mô hình của Eichenbaum và cộng sự[1]

Mô hình của Eichenbaum và cộng sự nghiên cứu mở rộng mô hình SIR[2] được đề xuất bởi Kermack và McKendrick (1927) nghiên cứu sự tương tác cân bằng giữa các quyết định kinh tế và tình trạng dịch bệnh. Mô hình của Eichenbaum là một mô hình hai chiều giữa dịch bệnh và nền kinh tế. Trong đó, mô hình chỉ ra rằng quyết định cắt giảm tiêu thụ và làm việc của người dân làm giảm mức độ nguy cơ nhiễm bệnh, được đo bằng tổng số ca tử vong. Cũng chính các quyết định này làm trầm trọng thêm quy mô các cuộc suy thoái do dịch bệnh gây ra. Trạng thái cân bằng cạnh tranh không được xem là tối ưu về mặt xã hội do người nhiễm bệnh không hoàn toàn hiểu rõ các quyết định kinh tế của họ với sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, trong mô hình chuẩn của Eichenbaum, khả năng chăm sóc sức khoẻ bị hạn chế, vắc xin và phương pháp điều trị không đến được trước khi dịch bệnh kết thúc. Chính các chính sách ngăn chặn tốt và đơn giản đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của suy thoái nhưng lại cứu được hơn nửa triệu sinh mạng ở Hoa Kỳ.

Câu hỏi đặt ra là chính phủ nên theo đuổi những chính sách nào để đối phó với sự xâm nhập từ bên ngoài? Nghiên cứu tập trung vào các chính sách đơn giản nhằm giảm tiêu thụ và thời gian làm việc.

Và tính toán chuỗi tỷ lệ ngăn chặn tối ưu (t), bằng cách tối đa hoá hàm phúc lợi xã hội, sử dụng quy trình Matlab fmincon.m. Eichenbaum đã khám phá độ chắc chắn của các kết quả bằng hộp công cụ tối ưu hoá toàn cầu của Matlabbis, bao gồm fminunc.m, patternsearch.m, ga.m, particleswarm.m, surrogateopt.m, và globalsearch.m và tối ưu vượt trội nhất là dựa trên fmincon.m.

Nghiên cứu đi đến kết luận có một sự đánh đổi không thể tránh khỏi giữa mức độ nghiêm trọng của suy thoái ngắn hạn do dịch bệnh gây ra và hậu quả sức khoẻ của dịch bệnh đó. Đây là một thách thức nghiêm trọng với các nhà hoạch định chính sách. Mô hình nhìn nhận các nhận tố khác nhau có thể ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh tế, gồm: chi phí phá sản, hiệu ứng trễ thất nghiệp, sự phá huỷ các chuỗi cung ứng.

Bảng báo cáo trường hợp quyết định kinh tế chiếm 2/3 tỷ lệ lây nhiễm ban đầu. Trong kịch bản này, mức tiêu thụ giảm càng lớn, tỷ lệ lây nhiễm đỉnh điểm và tỷ lệ tử vong tích luỹ nhỏ hơn. Lý do là mọi người cắt giảm nhiều hơn các hoạt động kinh tế vì chúng có tác động lớn hơn đến tỷ lệ lây nhiễm
(Mô hình SIR cơ bản và mô hình SIR)

2. Mô hình của Barro và công sự[3]

Barro và cộng sự nghiên cứu tỷ lệ tử vong và sự suy giảm kinh tế trong Đại dịch cúm (được gọi là Đại dịch cúm Tây Ban Nha), bắt đầu và đạt đỉnh điểm vào năm 1918 kéo dài đến năm 1920. Dựa trên ước tính của Barro, tỷ lệ tử vong liên quan đến dịch cúm ở 48 quốc gia, đại dịch này đã giết chết khoảng 40 triệu người trên toàn thế giới, tương ứng 2,1% dân số thế giới vào thời điểm đó. Những con số này được xem là đỉnh điểm của tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới trong thời hiện đại, mặc dù tác động của bệnh dịch hạch vào thời kì “cái chết đen” ở thế kỷ 14 lớn hơn nhiều so với tỷ lệ dân số[4].  

Dịch cúm phát sinh trong 3 đợt chính, đợt đầu tiên vào mùa xuân năm 1918, đợt thứ hai và gây tử vong nhiều nhất từ tháng 9 năm 1918 đến tháng 2 năm 1919 và đợt thứ ba trong suốt thời gian còn lại của năm 1919, (đợt thứ tư diễn ra tại một số nước vào năm 1920). Sự lây nhiễm qua đường không khí này dựa trên phân loại virus cúm A H1N1. Sự trùng hợp của hai đợt sóng đầu tiên và năm cuối cùng của Thế chiến thứ nhất (1918) đã khuyến khích sự lây lan của dịch bệnh, do sự đông đúc của quân đội trong quá trình di chuyển quy mô lớn giữa các quốc gia. Một đặc điểm bất thường là tỷ lệ tử vong cao ở những người trẻ tuổi tại các quốc gia có điều kiện y tế kém.

Barro và cộng sự sử dụng dữ liệu xuyên quốc gia để ước tính tác động kinh tế vĩ mô của Đại dịch cúm và tác động này là đáng kể. Nghiên cứu tập trung vào các thảm hoạ kinh tế vĩ mô hiếm gặp (là sự suy giảm tích luỹ trong một hoặc nhiều năm liền từ 10% trở lên trong GDP bình quân đầu người thực tế - dựa trên dữ liệu chi tiêu các nhân thực tế). Mô hình nghiên cứu các yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng GDP và tiêu dùng tư nhân, đặc biệt là để cô lập các tác động từ Đại dịch cúm.

Các hồi quy với thông tin hàng năm về số ca tử vong do cúm năm 1918-1920 và số ca tử vong do chiến tranh trong Thế chiến I ám chỉ sự suy giảm kinh tế do dịch cúm đối với GDP và tiêu dùng quốc gia điển hình lần lượt là 6 và 8%. Cũng có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ tử vong do cúm cao hơn làm giảm lợi nhuận thực tế được thực hiện trên cổ phiếu và đặc biệt là trên các hoá đơn ngắn hạn của chính phủ.

Trên thực tế, các quốc gia theo đuổi chính sách hạ thấp GDP thực tế vì nó liên quan đến du lịch và thương mại như một cách để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Rõ ràng, có một sự đánh đổi khó khăn liên quan giữa tính mạng so với của cải vật chất. Tuy nhiên, rất ít cuộc thảo luận đang diễn ra về cách đánh giá và hành động sự đánh đổi này hiện nay.

3. Đánh giá tác động của COVID-19 đối với thị trường lao động Việt Nam

Atkeson[5] 2020 lưu ý rằng mô hình của sự lây lan COVID19 gợi ý rằng giãn cách xã hội và những đánh đổi kinh tế liên quan có thể kéo dài gần 18 tháng. Bên cạnh đó, McKibbin and Fernando[6] (2020) sử dụng dữ liệu từ Trung Quốc để lập mô hình những ảnh hưởng tiềm ẩn từ sự lây lan COVID19. Họ tìm thấy các ước tính sơ bộ về cú sốc tiêu dùng 1-5%, một cú sốc bù rủi ro vốn chủ sở hữu 1.07-1.33%, cú sốc nguồn cung cấp lao động lên đến 1.4%.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 01 năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thị trường lao động việc làm trong tất cả các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 4 năm 2020 và đợt giãn cách mới vào tháng 5 và 6/2021. Trong bối cảnh này, thị trường lao động tại Việt Nam đã, đang và sẽ chịu những tác động nặng nề từ đại dịch. Chúng mang lại những thách thức chưa từng có trong mấy chục năm qua đối với toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu và thị trường lao động Việt Nam.

Phần này tập trung sự tác động của COVID đến thị trường lao động Việt Nam dựa theo độ tuổi và giới.

Thống kê thực trạng lực lượng lao động từ quý I/2019 - quý I/2021

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý của nhiều lao động sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước.

Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý I năm 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người. Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020 đồng thời khiến nhiều người lao động, đặc biệt phụ nữ trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Lao động có việc làm giảm còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng, mặc dù số người có việc làm giảm nhưng số phụ nữ có việc làm lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể là do tác động của yếu tố giới khi tham gia thị trường lao động dưới tác động của đại dịch Covid-19: nữ giới dễ thỏa hiệp và không có nhiều cơ hội lựa chọn các công việc khi tham gia thị trường lao động so với nam giới, họ bắt buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định hơn miễn là có thể đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Khi xem xét COVID-19 như một tác nhân đột ngột bên ngoài, các quyết định kinh tế tác động mạnh mẽ lên xã hội, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.

Dựa trên mô hình của Eichenbaum và Barron cho thấy các quyết định kinh tế ảnh hưởng đến quá trình lây lan dịch bệnh, thị trường và đối tượng lao động. Việc lựa chọn giảm GDP để giảm thiểu sự lây nhiễm trong quá trình lao động là một trong những lựa chọn mà các quốc gia hiện nay đã và đang cân nhắc. Giới trẻ và nữ giới là một trong những nhóm đối tượng phải đối mặt với thách thức trên. Để giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên và nữ giới, cần có giải pháp ứng phó như cân nhắc việc cân đối giữa đưa thanh niên, nữ giới tham gia vào thị trường lao động quy mô lớn hơn và là đối tượng của các biện pháp phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường để không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Điều này sẽ thu hút lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động./.


[1] https://scholar.google.com/scholar?q=The%20Macroeconomics%20of%20Epidemics

[2] SIR là viết tắt của susceptible, infected, recovered, and removed.

[3] https://www.nber.org/system/files/working_papers/w26866/w26866.pdf

[4] Những đợt bùng phát dịch cúm với phạm vi toàn cầu có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với tỷ lệ dân số toàn cầu, bao gồm cả theo nơi đầu tiên: Siberia (1889-90) là 0,08%, Đông Á (1957-57) là 0,07% và Hồng Kông (1968-69) ở mức 0,03%.

[5] https://www.nber.org/system/files/working_papers/w26867/w26867.pdf

[6] https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2020/03/20200302_COVID19.pdf


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số