Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy (chuyên đề: Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chính sách xã hội), bản thân thiết nghĩ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội cần phải được hoạch định và thực hiện một cách đúng đắn, có nguyên tắc, tôn trọng các quy luật khách quan mới mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển hướng tới công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng hạnh phúc của Nhân dân thì phải nhận thức đúng mối quan hệ mật thiết giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, để từ đó đưa ra các chủ trương, cách thức hoạch định và thực hiện đúng đắn hai loại chính sách này.
Chính sách kinh tế và chính sách xã hội là hai phạm trù riêng rẽ nhưng không tách rời nhau, có mối quan hệ tương hỗ và thống nhất. Sự đồng bộ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội là điều kiện cần và đủ để bình ổn và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chính sách xã hội. Và ngược lại, sự ổn định, công bằng và tiến bộ của xã hội đạt được thông qua các chính sách xã hội lại tạo ra những động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu kinh tế. Thực tiễn các nước trên thế giới và ở nước ta trong thời gian qua đã cho thấy, nếu chỉ quan tâm đến thực hiện chính sách kinh tế, tất cả vì mục tiêu kinh tế sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội khôn lường. Nhưng chỉ quan tâm đến giải quyết chính sách xã hội, thực hiện các mục tiêu xã hội sẽ không có nguồn lực để phát triển kinh tế. Do vậy, chỉ có thể thực hiện đồng bộ chính sách kinh tế nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chính sách kinh tế và chính sách xã hội đều có mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mối quan hệ giữa hai loại chính sách này thực chất là đi tìm mục tiêu xã hội trong chính sách kinh tế, tìm hiểu điều kiện kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện chính sách xã hội. Đây cũng đồng thời là quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và mục tiêu công bằng xã hội. Sự hài hòa, đồng thuận giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững nhưng không làm ảnh hưởng đến thực hiện công bằng xã hội, không dẫn đến sự gia tăng quá lớn khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, không làm mất ổn định xã hội, không gây xáo trộn và hủy hoại môi trường sinh thái, không làm ảnh hưởng xấu đến phát triển các thế hệ mai sau.
Tăng trưởng kinh tế không thể giải quyết tất cả các vấn đề xã hội. Bởi vì, sự tác động của các quy luật kinh tế như: quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị thặng dư… đã làm cho các chính sách kinh tế không chứa đựng được hết các vấn đề xã hội vốn rất phức tạp, nhạy cảm. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các chính sách cho tăng trưởng kinh tế cần có các chính sách, chương trình xã hội riêng để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể, nổi lên trong từng thời điểm nhất định, do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Các chính sách và chương trình xã hội phải được thực hiện đồng thời hoặc lồng ghép với các chính sách kinh tế để tạo sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển. Đó là một tất yếu mà chúng ta cần phải tuân thủ trong lộ trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Một chính sách xã hội nếu không tính đến khả năng của nền kinh tế hoặc không quan tâm đến lợi ích kinh tế có khi lại trở thành vật cản cho sự tăng trưởng kinh tế. Một chính sách kinh tế không quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội sẽ không phát huy được hiệu quả kinh tế.
Nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa hai loại chính sách, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện hài hòa các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dân tộc, tôn giáo kết hợp hài hòa với các loại chính sách phát triển kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội một cách triệt để… Bên cạnh đó đã thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, đồng bao dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe cho người dân; đồng thời tạo điều kiện để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro trong đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Nhận thức đầy đủ và đảm bảo định hướng chủ nghĩa xã hội trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai toàn diện, đồng bộ các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường”[1]. Nhận định này đã phản ánh sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội, từng bước đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thông qua sự kết hợp đúng đắn và hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội để thực hiện mục tiêu đặt ra và đã xác định từ trước.
Đất nước đang trong thời kỳ tiến hành mở cửa hội nhập, tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà cụ thể là thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội, mặc dù chúng ta đã đưa ra chiến lược “phát triển nhanh và bền vững”, nhưng tốc độ phát triển nhanh nhiều khi sẽ mất cần bằng, thiếu hài hòa và tác động trở lại đối với đời sống nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội là hết sức cần thiết. Trong đó, chính sách kinh tế đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế nhanh và bền vững còn chính sách xã hội phù hợp nhằm ổn định xã hội tạo điều kiện để phát triển kinh tế bền vững của quốc gia, dân tộc./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.202.