Tin mới nhất

Phát huy vai trò của dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta ngày càng khẳng định vai trò xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.  Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Ngày nay, vấn đề này càng được chú trọng và phát huy trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dân chủ vừa là giá trị chung của nhân loại, vừa có tính giai cấp, tính lịch sử, đồng thời mang dấu ấn truyền thống, đặc điểm dân tộc và tính chất thời đại. Ở mỗi nước, trình độ của nền dân chủ trong xã hội tùy thuộc phần lớn vào trình độ phát triển của xã hội, trình độ dân trí, quyền hạn và năng lực thực hiện quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó dân chủ là một nội dung cần thiết cho việc phát triển và hoàn thiện đường lối, chiến lược trong giai đoạn mới nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trước mắt cũng như lâu dài của đất nước, dân tộc ta.

Thực hiện dân chủ nhân dân là yêu cầu nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày thành lập tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”. Trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, trải qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó là cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh chủ trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo[1]. Đây là những quan điểm được tổng kết, có tính khái quát cao về dân chủ, khẳng định bản chất của chế độ xã hội ta là “dân chủ” và “nhân dân làm chủ”, trở thành một trong những đặc trưng của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Các văn bản quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng tiếp tục khẳng định quan điểm này. Hiến pháp năm 2013 được ban hành với nhiều điểm mới, trong đó có vấn đề liên quan đến dân chủ, quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân. Hệ thống các văn bản pháp luật về dân chủ trong hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước được cụ thể hóa và thể chế hóa.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng”; “Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế[2]. Quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước được quan tâm. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội.

Với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”. Trong đó, nội dung dân chủ và kỷ cương được coi trọng, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm những nội dung quan trọng trong thực hiện vấn đề dân chủ ở Việt Nam hiện nay.

Một là, bổ sung thêm nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, như thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm mới lần này là: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Làm tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hai là, xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối; chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Cấp uỷ, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội.

Ba là, khẳng định: “Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”[3], và  đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Điều đó đòi hỏi phải phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.

Bốn là, nêu rõ yêu cầu: “Cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội” trong thực hành dân chủ, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trên cơ sở đó: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”[4]. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế, góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng. Nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và thụ hưởng văn hoá.

Thời gian qua, ở Việt Nam, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được thực hiện, Nhân dân là chủ và làm chủ trên mọi phương diện xã hội. Kể từ khi công cuộc đổi mới toàn diện bắt đầu cho đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi phương diện. Trong đó, quá trình dân chủ hoá, tôn trọng và bảo đảm quyền dân chủ ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng. Việc phát huy dân chủ trong các tổ chức nhà nước và trong các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm. Ví dụ như: Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, Quốc hội đã có nhiều hình thức để lấy ý kiến góp ý, như tổ chức hội thảo, tọa đàm, phát phiếu... Phát huy dân chủ của Chính phủ tiếp tục có những đổi mới trong hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang tích cực thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân được Quốc hội thông qua, như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Trưng cầu ý dân... Những bảo đảm dân chủ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội được luật hóa cụ thể hơn và từng bước thực hiện có kết quả; nhiều chủ trương, biện pháp đã phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Pháp lệnh số 34/PT/UBTVQH, ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc…đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Tuy nhiên, khi dân chủ được mở rộng, bảo đảm và phát huy với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội tác động không nhỏ tới hình thức thể hiện tự do dân chủ của con người, nhất là trên không gian mạng có cả mặt tích cực và tiêu cực, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phần tử chống đối lợi dụng tự do, dân chủ để lôi kéo, kích động người dân thực hiện nhiều hoạt động làm tổn hại đến nền dân chủ đang được xây dựng, củng cố và phát triển. Việt Nam luôn đối mặt với tình trạng có những thế lực thù địch lợi dụng mọi thời cơ để xuyên tạc, chống phá nền dân chủ nước ta. Một quy luật thường thấy trong hoạt động của các đối tượng trên, đó là khi Nhà nước ta tổ chức các sự kiện lớn như: Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Quốc khánh 2-9 hoặc trước thềm Đại hội Đảng các cấp… các thế lực thù địch, số đối tượng chống đối ráo riết đẩy mạnh các hành vi phá hoại, nhất là trên phương diện chính trị, tư tưởng, trong đó thường lợi dụng hình thức dân chủ ở nước ta tập trung vào phương thức tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc nhằm làm lung lay tư tưởng của quần chúng nhân dân; đồng thời tác động đến nhận thức, lập trường chính trị của cán bộ, đảng viên. Đáng chú ý, khi đất nước xảy ra các sự việc phức tạp (thiên tai, dịch bệnh…), các đối tượng này đã coi đây là miếng mồi béo bở, lợi dụng để chống phá. Mới đây, trong những tháng giữa năm 2021, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận, thế lực thù địch . Lợi dụng tính dân chủ của nhà nước ta, bọn chúng liên tục lợi dụng các hình thức dân chủ để khai thác tung tin giả, đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc gây hoang mang dư luận, phủ nhận mọi công sức của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ban, ngành, cản trở hoặc kêu gọi chống lại việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống COVID - 19.

Do đó, cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, cần phải gắn với kỷ cương, pháp luật, không cho phép ai lợi dụng dân chủ để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận bao giờ cũng phải đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Đây chính là nhận thức lành mạnh cho tự do dân chủ và là điều cần thiết để bảo đảm dân chủ của xã hội vì lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng dân cư

 Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định và làm rõ, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...  và trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn. Trong đó, nội dung dân chủ và kỷ cương được coi trọng, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, hiện nay tại Việt Nam chúng ta thấy rằng vấn đề dân chủ ngày càng được phát huy và mở rộng. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nền tảng, động lực phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải tiếp tục coi trọng và phát huy dân chủ trong thực tiễn đời sống, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.84-85

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.167.

[3] Đảng  Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1,  tr.173.

[4] Đảng  Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1,  tr.174.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số