Tin mới nhất

Kết quả nổi bật trong 05 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) trên địa bàn huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cấp cơ sở nhằm phát huy bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu, xa rời Nhân dân của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước góp phần bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Do vậy, cần làm cho cán bộ, công chức và Nhân dân nhận thức một cách sâu sắc việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở từ đó thu hút Nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước ở chính quyền cấp xã, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong những năm vừa qua, Cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn (gọi chung là cấp xã) của huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đồng thời tích cực thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII)  về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại cấp xã gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: “Dân vận khéo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh”. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng Đảng, chính quyền.

Qua 05 năm tổ chức thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại cấp xã trên địa bàn huyện Đức Linh đã đạt một số kết quả nổi bật cụ thể như sau:

Thứ nhất, về dân biết

Chính quyền cấp xã thực hiện tốt việc công khai đầy đủ những 11/11 nội dung cần công khai để Nhân dân biết tham gia góp ý, kiểm tra, giám sát và thực hiện; hình thức công khai đa dạng, phong phú như: thông qua hệ thống loa truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng...Qua các buổi sinh hoạt ở thôn, khu phố, người dân được tham gia ý kiến các vấn đề quan trọng ở địa phương như: làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình văn hóa....những việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” được thực hiện khá tốt.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã đã tổ chức thực hiện nghiêm túc việc công khai các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; tổ chức thực hiện công khai đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo; các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân tổ chức được 134 cuộc. Công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo khá sâu sát và kịp thời; kết quả về giải quyết hồ sơ hành chính: Tiếp nhận 250.186 hồ sơ; giải quyết được 246.416 hồ sơ (bình quân mỗi năm giải quyết đạt tỷ lệ 98,49%), về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân: Tiếp nhận 1.091 đơn thư các loại, giải quyết được 956 vụ (bình quân mỗi năm giải quyết đạt tỷ lệ 87,62%).

Thứ hai, về dân bàn và dân làm

Chính quyền cấp xã đã thực hiện đầy đủ những nội dung Nhân dân bàn và làm như: việc kiện toàn, sắp xếp đơn vị hành chính xã, qua tổ chức lấy ý kiến Nhân dân việc sắp xếp xã Đức Chính và xã Nam Chính, hầu hết Nhân dân đều thống nhất với chủ trương sáp nhập 02 xã, Nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập 02 xã là cần thiết; việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân được thực hiện công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.

Hàng năm các xã, thị trấn đều đề ra các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương; các khoản thu, đóng góp của nhân dân, các chương trình đầu tư phát triển sản xuất, công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng... đều được đưa ra dân bàn bạc đóng góp, do đó phát huy được nguồn lực trong Nhân dân. Đã vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 3.626 triệu đồng; sữa chữa và xây mới 126 căn nhà tình nghĩa với số tiền 3.520 triệu đồng (trong đó xây mới 40 căn với kinh phí 1.800 triệu đồng, sửa chữa 86 căn với kinh phí 1.720 triệu đồng); vận động quỹ “Vì người nghèo” được 4.591 triệu đồng, xây dựng 95 căn nhà cho người nghèo với kinh phí 3.365 triệu đồng; vận động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra được 2.380 triệu đồng. Hằng năm, đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở và sơ kết thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Ngày vì Người nghèo”, chất lượng của Ngày hội ngày càng được nâng lên, hoạt động các lễ hội ngày càng đa dạng, phong phú. Việc vận động Nhân dân đóng góp xây dựng quỹ hoạt động của thôn, khu phố đã đi vào nề nếp; trong những năm qua Nhà nước đã đầu tư và vận động Nhân dân đóng góp xây mới, đến nay toàn huyện có 82/82 thôn, khu phố có trụ sở để làm việc, sinh hoạt cộng đồng.

Việc vận động sức dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động ngày càng đem lại hiệu quả; từ đó đã vận động sức dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương như thực hiện đầu tư cứng hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy được 60,2 km, sửa chữa nâng cấp hơn 32 km đường giao thông nông thôn và các công trình khác như: giao thông nội đồng, công trình thủy lợi nhỏ, tuyến đường ánh sáng an ninh, các công trình tại nhà văn hóa các thôn, mô hình “Camera an ninh”, trụ cờ trên các tuyến đường.... với tổng kinh phí do nhân dân đóng góp là 46.969 triệu đồng và phong trào thi đua như ở xã Đông Hà tổ chức được cửa hàng bán hàng nhu yếu phẩm giá “0 đồng” với hình thức trợ giúp vô điều kiện.

Đến nay, Toàn huyện có 12/12 xã thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC, đạt tỷ lệ 100%; có 82 thôn, khu phố xây dựng quy ước thực hiện dân chủ, đạt tỷ lệ  100%. Đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để huy động Nhân dân thực hiện mục tiêu Quốc gia về “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh”, nhất là trong việc huy động tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới xanh- sạch- đẹp. Kết quả đến cuối năm 2019 có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 thị trấn phát động xây dựng đạt chuẩn “Văn minh đô thị”.

Thứ ba, về công tác kiểm tra, giám sát

Công tác giám sát, kiểm tra và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Giám sát đầu tư cộng đồng có bước chuyển biến, toàn huyện có 12/12 xã, thị trấn có Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đã thực hiện được 352 cuộc giám sát, có 1.323 ý kiến kiến nghị; tổ chức được 14 hội nghị phản biện, có 144 ý kiến kiến nghị đề xuất; lãnh đạo các cấp tổ chức được 141 hội nghị đối thoại với nhân dân ở 07 xã, thị trấn tập trung vào các vấn đề như giám sát và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân qua đó, giải đáp, giải quyết những vướng mắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đồng thời ghi nhận những ý kiến thắc mắc của cán bộ và Nhân dân địa phương để tiếp tục chỉ đạo giải quyết theo quy định, từ đó tăng cường niềm tin, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương

Công tác hòa giải tại cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng, thực hiện. Toàn huyện có 82 tổ hòa giải với 497 hòa giải viên, các tổ hòa giải được thành lập ở từng thôn, khu phố. Đa số các hòa giải viên luôn được bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản về pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và uy tín trong cộng đồng dân cư, thuận lợi cho hoạt động hòa giải nội bộ Nhân dân. Trong thời gian qua, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 702 vụ việc mâu thuẫn và tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự (số vụ việc hòa giải thành bình quân mỗi năm đạt trên 87%). Nhìn chung, công tác hòa giải ở cơ sở từng bước được nâng cao về chất lượng, từ đó đã hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các địa phương.

Bên cạnh, những kết quả đạt được nêu trên việc thực hiện QCDC ở cấp xã trên địa bàn huyện Đức Linh vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Thứ nhất: Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa được thường xuyên.

Thứ hai: Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; chưa phát huy chức năng giám sát; năng lực, trình độ của thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế chuyên môn, nên khi thực hiện giám sát tại địa bàn dân cư còn lúng túng.

Thứ ba: Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn một số cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ chưa thể hiện hết tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được qua 05 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị và khắc phục những tồn tại, hạn chế cần thực hiện tốt nội dung trọng tâm sau:

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về “thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Những vấn đề “dân biết, dân bàn, dân giám sát” phải được thực hiện nghiêm túc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đẩy mạnh việc  tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư cộng đồng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Những kết quả đạt được trong 05 năm qua về thực hiện QCDC ở xã, thị trấn trên đại bàn huyện Đức Linh đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức về quyền làm chủ, bảo vệ những quyền lợi hợp pháp chính đáng của Nhân dân, tác động tích cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tạo động lực, niềm tin của Nhân dân, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương cơ sở, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong thời gian tới việc triển thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm:“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[1] có ý nghĩa hết sức quan trong đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân nhằm biến chủ trương của Đảng về dân chủ được thực hiện có hiệu quả trên thực tế, tạo dựng niềm tin của dân đối với Đảng,  gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân./.


[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, tr.27.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số