Tin mới nhất

Những người về từ vùng dịch phải nêu cao trách nhiệm với quê hương, với cộng đồng

Giữa lúc Bình Thuận đang nỗ lực tập trung đối phó với tình hình bệnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, trong tỉnh đã có thị xã La Gi, nay lại thêm TP Phan Thiết phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì những ngày gần đây, dòng người ở các tỉnh nói chung và ở Bình Thuận đi làm ăn xa, từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai trở về quê theo hình thức tự phát ngày càng nhiều.

Điển hình như ngày 31/7/2021 đoàn công nhân có quê ở Ninh Thuận và Bình Thuận với hơn 1.000 người đi về bằng phương tiện cá nhân, trong đó số người ở Bình Thuận khi vào địa phận của tỉnh đã tự tách ra, về gia đình ở các địa phương trong tỉnh, thay vì phải đi đến cơ quan chức năng để thực hiện khai báo y tế và thực hiện cách ly theo quy định. Vì vậy, nỗi lo về F0 ẩn náu trong cộng đồng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch ở Bình Thuận hiện nay là có cơ sở.

Trước tình hình đó, ngày 01/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã ký công văn khẩn, yêu cầu những người về từ tỉnh Đồng Nai theo hình thức tự túc phải nhanh chóng liên hệ trực tiếp cơ quan y tế để khai báo y tế. Đây là một mệnh lệnh rất cần thiết và kịp thời của chính quyền. Vì những người này đi về từ những địa phương hiện đang bùng phát mạnh về bệnh dịch Covid-19, đang phải thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nếu trong số đó có người đã bị dương tính với SARS-CoV-2 thì sẽ là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất cao; bởi điều này đã xảy ra tại Nghệ An. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, tối 01/8/2021 cho biết tỉnh này đã ghi nhận 02 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 trong số công nhân đi làm ở các tỉnh phía nam trở về quê, khi đến địa phận của tỉnh nhà, qua chốt kiểm dịch, được làm test nhanh COVID-19 cho mọi người, kết quả qua 2 lần test ở những người có dấu hệu thì 2 người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Để thực hiện nghiêm yêu cầu trong công văn khẩn của UBND tỉnh Bình Thuận, cần phải tiến hành đồng bộ các biện pháp; trước hết, chính bản thân những người đó phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác đến cơ quan y tế khai báo và cần đưa họ đi cách ly tập trung theo quy định. Tuy nhiên chưa hẳn tất cả mọi người đó đều chấp hành một cách đầy đủ, mà cần phải có trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, sự phối hợp của tổ giám sát, phòng- chống Covid cộng đồng và trách nhiệm của các gia đình trong khu vực để tuyên truyền, vận động đối tượng thực hiện, nhằm đề phòng nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Như ở khu phố 1, phường Bình Hưng, TP Phan Thiết trong tháng 7 vừa qua, khi thấy một gia đình trong khu phố có người từ TP Hồ Chí Minh về, nhưng không đến cơ quan y tế phường để khai báo y tế, do đó người của gia đình bên cạnh đã đến báo với thành viên của tổ giám sát, phòng- chống Covid cộng đồng đến để nhắc nhở người về từ vùng dịch đi khai báo. Việc làm đó thể hiện trách nhiệm của gia đình với cộng đồng, bởi bảo vệ cho cộng đồng cũng để bảo vệ cho chính mình.

Kinh nghiệm ở tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đối với các công dân từ các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tự ý trở về quê phải nghiêm túc thực hiện khai báo y tế; ngoài việc tự chi trả hoàn toàn chi phí xét nghiệm, cách ly tập trung theo quy định, còn phải cam kết nếu để dịch bệnh lây lan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi cả nước và tỉnh Bình Thuận đang tập trung cao độ cho phòng, chống dịch, thì mỗi công dân ở địa phương, nhất là những người từ vùng có dịch trở về cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với quê hương, khai báo y tế trung thực, chấp hành nghiêm các quy định cách ly, biện pháp phòng chống dịch. Bởi, công sức và chi phí của xã hội bỏ ra là rất lớn, nhưng chỉ mỗi một hành động sơ suất, thiếu ý thức trách nhiệm của cá nhân lúc này sẽ dễ làm cho bệnh dịch lây lan, khó kiểm soát. Vì vậy trong công văn khẩn của UBND tỉnh Bình Thuận đã nêu rõ: Những trường hợp không chấp hành các quy định phòng chống dịch của tỉnh sẽ bị xử lý theo quy định./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số