Tin mới nhất

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam

Nhằm đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi, chuyển đổi diện tích nuôi tôm lâu năm kém hiệu quả sang nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá mặn lợ ở địa phương. Qua nghiên cứu, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 3.800 m2 tại thôn Thanh Phong - xã Tân Thuận - huyện Hàm Thuận Nam.

Thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận huyện Hàm Thuận Nam là vùng có tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp. Với hơn 01 km ven biển và diện tích 77 ha đất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, làm muối,...Trước tình trạng các khu vực nuôi tôm gặp khó khăn: Giá tôm diễn biến thất thường và dịch bệnh luôn xảy ra, nên việc chuyển đổi giống vật nuôi thủy sản trên vùng đất của mình tạo thu nhập phát triển kinh tế gia đình là điều tất yếu. Với đặc điểm vùng đồng muối Thanh Phong, hiện nay chỉ làm được vụ muối, nên thời gian còn lại (từ tháng 05 đến tháng 11) nuôi cá chim vây vàng là loài cá rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển trên vùng nước mặn, lợ; đặc biệt là tận dụng các vùng nuôi tôm, đồng muối bị bỏ hoang trước đây.

Xuất phát từ những thực tế, trên năm 2018, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp phối hợp cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” đến bà con nông dân trong thôn. Qua theo dõi sau gần 7 tháng nuôi, cho thấy tỉ lệ sống của cá chim vây vàng đạt trên 90%, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, tốc độ tăng trưởng giữa các tháng trung bình từ 30 - 50g, đến thời điểm thu hoạch trọng lượng trung bình đạt 700g/con. Với giá bán trên thị trường như hiện nay là 120.000đ/kg nông dân sẽ thu lợi nhuận 45,43 triệu đồng/vụ và đặc biệt là việc chăm sóc nhẹ nhàng nên rất thích hợp với người có sức khỏe không tốt vẫn có việc làm.

Theo dõi, kiểm tra cá nuôi

Để đạt được kết quả trên, địa phương đã có nhiều thuận lợi như: Nhà nước thường xuyên có các chính sách, chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản phù hợp với từng địa phương; Sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể trong quá trình thực hiện; Mô hình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 70% chi phí mua con giống và 50% chi phí thức ăn, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, hỗ trợ tư vấn, kiểm tra tốc độ phát triển của cá trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, được sự đồng tình hưởng ứng của hộ thực hiện mô hình, có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, muốn tìm hiểu và ứng dụng nuôi những đối tượng mới. Mặt khác, nơi đây chủ động về nguồn nước, gần đường giao thông nên thuận tiện giao lưu buôn bán với các vùng lân cận khác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn như: Những hộ lần đầu nuôi cá chim vây vàng nên còn nhiều lúng túng trong quá trình nuôi. Cơ sở cung cấp cá giống trong tỉnh còn ít, không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi cho nông dân nên phải mua ở các tỉnh khác như Vũng Tàu, Khánh Hòa,… thời gian vận chuyển xa, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá sau này.    

Nhận thấy mô hình “Nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”, phù hợp với điều kiện khí hậu, yêu cầu thực tế tại địa phương; có thể phát triển và nhân rộng. Đồng thời, thông qua mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối và tận dụng được công lao động, góp phần tận dụng diện tích ao nuôi tôm bỏ hoang, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương trong thời gian đến./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số