1. Quy định của pháp luật về chủ thể bồi thường thiệt hại
1.1. Người chưa thành niên
Người chưa thành niên theo quy định của pháp luật là người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ1. Tuy nhiên, trên thực tế họ, vẫn không loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chính mình gây ra trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Theo Khoản 2 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”. Đây là trường hợp người gây thiệt hại không có năng lực bồi thường và bản thân họ vẫn chịu sự giám sát, quản lý của cha mẹ, nên cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quy định này không nhằm xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của con đối với phần còn thiếu, mà nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại, đồng thời thể hiện sự phù hợp quy định này với nguyên tắc bồi thường kịp thời2.
Tuy nhiên, Điều 599 BLDS năm 2015 có thể hiểu, trong trường hợp thông thường, người dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại vẫn có thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phần còn thiếu khi cha, mẹ đã bồi thường, nhưng nếu người này đang được trường học, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì loại trừ đi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ. Theo đó, trách nhiệm chỉ đặt ra đối với trường học, pháp nhân trực tiếp quản lý, hoặc cha, mẹ, người giám hộ của họ.
Nếu người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Trong trường hợp này người chưa thành niên được xác định là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường bởi vì đây là độ tuổi được xác định có một phần năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, có thể thấy, người trong độ tuổi này có khả năng tham gia ký kết hợp đồng lao động để tạo thu nhập riêng. Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”3. Do đó, khi quy định trách nhiệm bồi thường đối với người chưa thành niên trong độ tuổi này gây thiệt hại, BLDS năm 2015 đã theo hướng tăng trách nhiệm hơn so với người chưa thành niên trong độ tuổi dưới 15 tuổi. Chính vì vậy, việc quy định trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ khi tài sản của người chưa thành niên không đủ bồi thường cho người bị thiệt hại là cần thiết nhằm hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại và đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời trong BLDS năm 2015.
1.2. Cha, mẹ của người chưa thành niên
Khi căn cứ vào độ tuổi của con chưa thành niên, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ hoàn toàn ngược lại với việc xác định trách nhiệm bồi thường của con. Có thể khẳng định, trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ trong trường hợp này “được xác định trên cơ sở của hai yếu tố độ tuổi của người chưa thành niên và tình trạng tài sản của người chưa thành niên”4.
Trường hợp thứ nhất, nếu con chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại xảy ra, hoặc nếu con đang trong thời gian trường học, pháp nhân khác trực tiếp quản lý, pháp nhân này không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ vẫn phải bồi thường thiệt hại do con mình gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản riêng của con chưa thành niên chỉ là trách nhiệm vụ khi tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường. Hay nói cách khác, trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ là đầu tiên và toàn bộ5. Người chưa thành niên ở độ tuổi này trên thực tế là đang đi học và chủ yếu sống phụ thuộc vào cha, mẹ. Mặc dù vậy, họ có thể để có tài sản riêng do được nhận tặng cho, thừa kế. Bên cạnh đó, người chưa thành niên trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi có thể tham gia lao động là các công việc nhẹ trong một số lĩnh vực do pháp luật lao động quy định. Do đó, các trường hợp đặc biệt này trở thành cơ sở quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản riêng của con chưa thành niên khi tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại.
Trường hợp thứ hai, nếu con chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ chỉ phải có trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu nếu tài sản của con không đủ để bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, chúng ta trước hết cần xác định được tình trạng tài sản của người chưa thành niên gây thiệt hại trong trường hợp này. Nếu chưa xác định người gây thiệt hại có đủ khả năng tự thực hiện trách nhiệm bồi thường hay không mà đã tuyên cha, mẹ của người chưa thành niên gây thiệt hại phải bồi thường thì có thể dẫn đến trường hợp là sau khi tuyên án chúng ta mới biết người này có điều kiện thực hiện bồi thường và do đó phải xét lại vụ việc để tuyên người chưa thành niên bồi thường (mất thêm thời gian)6.
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ đối với thiệt hại do con chưa thành niên gây ra, có tác giả cho rằng trong trường hợp con chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi cùng người khác gây thiệt hại thì cha, mẹ của người chưa thành niên này phải liên đới bồi thường cùng với người gây thiệt hại khác; còn nếu trường hợp con gây thiệt hại là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì cha, mẹ không phải liên đới bồi thường cùng với những người gây thiệt hại khác7. Tác giả không đồng ý với quan điểm này, bởi vì, mặc dù Điều 587 BLDS năm 2015 quy định “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại” nhưng không phải chỉ những người cùng gây thiệt hại mới phải liên đới bồi thường. Đặc biệt, trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại có thể làm phát sinh nhiều chủ thể khác có trách nhiệm bồi thường. Do đó, nếu người chưa thành niên cùng người khác gây thiệt hại thì trước hết cần xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường đối với hành vi gây thiệt hại của người chưa thành niên; sau đó, buộc chủ thể này có trách nhiệm liên đới với những người gây thiệt hại khác.
1.3. Người giám hộ của người chưa thành niên
Trong khi cha, mẹ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên gây ra chủ yếu bằng tài sản của cha, mẹ thì ngược lại người giám hộ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người được giám hộ chưa thành niên gây ra chủ yếu bằng tài sản sản của người được giám hộ8.
Có thể thấy BLDS năm 2015 chỉ xem xét đến lỗi của người giám hộ sau khi xem xét khả năng về tài sản của người được giám hộ. Do đó, đã có quan điểm cho rằng, “quy định này không phù hợp khi xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường lại không dựa vào nhận thức mà lại dựa vào năng lực về tài sản. Rõ ràng, người giám hộ là người có trách nhiệm phải giám sát, quản lý người được giám hộ, nếu người giám hộ không tuân thủ nghĩa vụ này thì bị coi là có lỗi và việc họ phải bồi thường cho người bị thiệt hại là đương nhiên”9.
Tuy nhiên, theo tác giả, quy định hiện nay của BLDS năm 2015 liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa thành niên qua phân tích trên là hợp lý. Mặc dù phần lớn người giám hộ có một mối quan hệ nhất định với người được giám hộ10 nhưng nghĩa vụ của họ đối với người chưa thành niên không thể xem là tuyệt đối như nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Do đó, họ được quyền dẫn chứng việc mình không có lỗi trong giám hộ để không phải bồi thường nhưng về cơ bản họ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường khi có lỗi sau khi đã xem xét tài sản của người được giám hộ.
Việc xác định trách nhiệm của người giám hộ chủ yếu dựa vào yếu tố lỗi trong việc giám hộ. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng, khi có một thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, không xác định được ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại: cha, mẹ và người giám hộ của người chưa thành niên. Cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại vẫn còn cha, mẹ nhưng họ được một người khác giám hộ và người giám hộ đã có lỗi trong việc giám hộ dẫn đến thiệt hại xảy ra. Trước hết, cha, mẹ của người chưa thành niên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường phần còn thiếu thì người giám hộ có phải sử dụng tài sản của mình để bồi thường phần thiệt hại còn thiếu không?
Trường hợp thứ hai, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại, bản thân họ không có tài sản (hoặc có nhưng không đủ để bồi thường), họ có cha, mẹ đồng thời có cả người giám hộ và người giám hộ này đã có lỗi trong việc giám hộ. Cho nên, trong trường hợp này cần phải xác định cha, mẹ và người giám hộ là người có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại xảy ra sau khi đã xem xét tình trạng tài sản của người chưa thành niên.
Như vậy, khoản 2 và khoản 3 Điều 585 BLDS năm 2015 chưa thể hiện rõ là 2 điều khoản loại trừ nhau, khi người chưa thành niên có người giám hộ thì áp dụng khoản 3 để giải quyết. Vì khoản 2 Điều 586 sử dụng cụm từ “còn cha, mẹ” và khoản 3 sử dụng cụm từ “có người giám hộ”. Bên cạnh đó, khi người dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian trường học hoặc tổ chức khác trực tiếp quản lý và trường học, tổ chức này chứng minh được họ không có lỗi trong quản lý, pháp luật không quy định rõ hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường thiệt hại mà chỉ quy định “cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi phải bồi thường”11. Trong khi khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 là quy định người được giám hộ là “người chưa thành niên không còn cha, mẹ; không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu”.
1.4. Trường học quản lý người chưa thành niên
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có một thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, thì ngoài 2 chủ thể là cha, mẹ và người giám hộ còn có 1 chủ thể khác vẫn có khả năng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trường học trực tiếp quản lý người chưa thành niên12. Tuy nhiên, không phải lúc nào trường học trực tiếp quản lý người chưa thành niên cũng phải bồi thường nếu không thỏa mãn 3 điều kiện sau:
Thứ nhất, người chưa thành niên trong độ tuổi chưa đủ 15 tuổi;
Thứ hai, người chưa thành niên đang trong thời gian trường học trực tiếp quản lý;
Thứ ba, trường học có lỗi trong việc quản lý.
Nếu thỏa mãn 3 điều kiện trên thì trường học phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra.
Cũng giống với người giám hộ, pháp luật dân sự cho phép trường học được quyền dẫn chứng minh không có lỗi trong quản lý để thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Như vậy, việc quy định gắn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà trường đối với thiệt hại do học sinh chưa thành niên gây ra trong thời gian học tại trường nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của giáo viên đối với học sinh hiện nay thúc đẩy hoạt động giáo dục phát triển.
BLDS năm 2015 có sự khác biệt trong việc quy định trách nhiệm cho trường học quản lý người chưa thành niên dựa trên độ tuổi của người được quản lý. Đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của trường học không được đặt ra. Đây là một điều bất cập vì người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi hiện nay đa phần là học sinh trong các trường trung học phổ thông, nên đa phần chưa tham gia lao động, không tạo ra thu nhập cho bản thân nếu không quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra trong trường hợp này là chưa phù hợp, có thể sẽ làm buông lỏng trách nhiệm quản lý của nhà trường đối với người chưa thành niên và đồng thời không đảm bảo được quyền và lợi ích cho người bị thiệt hại trong trường hợp trường học có lỗi.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chủ thể bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Một là, cần quy định trách nhiệm của người giám hộ theo hướng quy trách nhiệm bồi thường bồi thường thiệt hại của người giám hộ có lỗi trong việc giám hộ bất kể người giám hộ có tài sản hay không.
Thực tế, người giám hộ là người được giao trách nhiệm phải thực hiện việc giám sát, quản lý người được giám hộ. Nếu người giám hộ không làm theo nghĩa vụ này thì được coi là có lỗi và việc phải bồi thường cho người bị thiệt hại là điều phải thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định trên, ngay cả khi người giám hộ có lỗi mà người được giám hộ có đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường cụ thể là chỉ việc lấy tài sản của người được giám hộ để bồi thường13.
Theo quan điểm của tác giả điều này là vô lý vì người chưa thành niên là người chưa có nhận thức đầy đủ về hành vi cũng như chưa có lao động tạo ra của cải vật chất, việc đặt trách nhiệm bồi thường lên vai người chưa thành niên, cụ thể là người được giám hộ là chưa hợp lý, vì vậy nên sửa quy định khoản 3 Điều 586 của BLDS 2015 theo hướng quy trách nhiệm cho người giám hộ là phù hợp với thực tế.
Hai là, khi người chưa thành niên đã có người giám hộ, đồng thời vẫn còn cha, mẹ mà gây ra thiệt hại thì trong một số trường hợp cần quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ để đảm bảo quyền và lợi ích cho người bị thiệt hại.
Nếu cha, mẹ của người chưa thành niên bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục và yêu cầu thì người chưa thành niên sẽ có người giám hộ. Điều đó cũng có nghĩa, người chưa thành niên có thể đã trải qua một giai đoạn nhận được sự chăm sóc, giáo dục từ cha, mẹ của mình từ rất lâu và khi được người khác giám hộ người chưa thành niên mới gây ra thiệt hại. Do đó, chúng ta không thể khẳng định thiệt hại xảy ra hoàn toàn là kết quả của việc giám hộ không đến nơi đến chốn của người giám hộ, mà cần có cái nhìn đúng đắn về quá trình hình thành và phát triển nhân cách của người chưa thành niên từ lúc sống chung với cha, mẹ. Mặt khác, pháp luật dân sự cho phép người giám hộ được viện dẫn việc mình không có lỗi trong việc giám hộ để không phải bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình khi tài sản của người được giám hộ không đủ để bồi thường thì mới đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Ba là, khi người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường và trường học có lỗi trong quản lý cần quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại giữa nhà trường với cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, việc liên đới bồi thường thiệt hại giữa nhà trường và cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên khi họ gây ra thiệt hại lại không được quy định. Điều này là chưa phù hợp với thực tế vì ngoài mục đích đảm bảo được quyền lợi cho người bị thiệt hại. Việc quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại giữa trường học với cha, mẹ hay người giám hộ của người chưa thành niên còn giúp hạn chế tình trạng phó thác việc giáo dục của cha, mẹ, người giám hộ đối với người chưa thành niên cho nhà trường. Chính vì vậy, việc quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại giữa trường học với cha mẹ hay người giám hộ của người chưa thành niên dưới 15 tuổi là phù hợp.
Bốn là, khi người chưa thành niên đang trong thời gian học tập tại trường mà gây ra thiệt hại nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ thể cần quay trở lại trường hợp thông thường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 586 BLDS năm 2015.
Điều 599 BLDS năm 2015 là điều khoản đặc biệt so với khoản 2 và khoản 3 Điều 586 trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại do người chưa thành niên gây ra. Đặc biệt bởi điều khoản này xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 1 chủ thể khác ngoài người chưa thành niên, cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do người chưa thành niên gây ra. Chủ thể đó chính là trường học nơi người chưa thành niên đang theo học. Nhưng nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà trường không được đặt ra. Xét thấy quy định này là không cần thiết và không bình đẳng. Bởi vì, nếu trong trường hợp thông thường, khi tài sản của cha, mẹ của con chưa thành niên dưới 15 không đủ để bồi thường mà người con gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản để bồi thường phần còn thiếu. Vậy không thể căn cứ vào bất cứ lý do nào mà chỉ buộc cha, mẹ của người dưới 15 tuổi bồi thường thiệt hại (khi trường học chứng minh mình không có lỗi trong quản lý) mà không xem xét đến tình trạng tài sản của người dưới 15 chỉ vì người dưới 15 tuổi đang trong thời gian trường học quản lý.
Chính vì hai lý do trên, chúng ta cần có quy định, khi không thỏa mãn điều kiện áp dụng Điều 599 để buộc trường học bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra trong thời gian học tại trường thì cần áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 586 BLDS năm 2015 để xác định trách nhiệm bồi thường./.
1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
2 Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015. Nxb Công an nhân dân, trang 882.
3 Khoản 1, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019.
4 Nguyễn Thị Hồng Mai (2003). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thực trạng và kiến nghị. Luận văn thạc sĩ, Trường đại học luật TP. Hồ Chí Minh, trang 59.
5 Nguyễn Trung Tín (2014). Trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ đối với thiệt hại do con chưa thành niên gây ra. Luận văn thạc sĩ, Đại học luật TP. Hồ Chí Minh, trang 33.
6 Đỗ Văn Đại (2008). Trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ khi con chưa thành niên gây thiệt hại. Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 5(48), trang 60.
7 Nguyễn Trung Tín (2014). Trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ trong trường hợp người chưa thành niên cùng người khác gây thiệt hại. Tạp chí Tòa án nhân dân, (4), trang 16-17.
8 Nguyễn Thị Hồng Mai (2003). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thực trạng và kiến nghị. Luận văn thạc sĩ, Trường đại học luật TP. Hồ Chí Minh, trang 59.
9 Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ. (2017). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015. Nxb Công an nhân dân, trang 883.
10 Đối với người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015 là người có quan hệ huyết thống với người chưa thành niên.
11 Khoản 3 Điều 599 Bộ Luật dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
12 Khoản 1 Điều 599 Bộ Luật dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
13 Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015. Nxb Công an nhân dân, trang 883.