Tin mới nhất

SỨC MẠNH “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN” TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Cách đây 76 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi, đập tan xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân, đế quốc, giành chính quyền về cho Nhân dân. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến; đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng ta trong việc tạo thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á đã trở thành hình ảnh thiêng liêng, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Khái quát về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[1].

Sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong nội bộ, lấy đó làm cơ sở để tập hợp quần chúng cùng chung sức, chung lòng thực hiện nhiệm vụ chiến lược là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]; “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[3]. Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam dù số thành viên không lớn, ở thời điểm lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, nhưng luôn là một khối thống nhất vững chắc. Đó là cơ sở giúp Đảng ta phát huy tối đa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, hiểm nguy.

Đảng ta không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công - nông và coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác như thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ… Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”[4]. Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh “sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”[5]. Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên một trình độ mới, một chất lượng mới - đại đoàn kết quy tụ dân tâm có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo. Qua đó, sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của nhân dân được nhân lên gấp bội, tạo nên một lực lượng hùng mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của toàn dân tộc, nhân dân ta đã làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 02/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cách mạng Tháng Tám được chứng minh bằng thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; thắng lợi oanh liệt của cuộc trường chinh 21 năm chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước và cả trong sự nghiệp đi lên Chủ nghĩa xã hội với cuộc hành trình từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vượt qua bao vây, cấm vận, tiến hành sự nghiệp đổi mới, để đến hôm nay, đất nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang thực hiện mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Và trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[6] thì đại dịch Covid-19 ập đến, diễn biến vô cùng phức tạp, khiến cả thế giới chao đảo. Trong bối cảnh đó, một lần nữa, với khả năng đánh giá đúng tình hình, “biết người, biết ta” và tổ chức lực lượng phối hợp đồng bộ, kiên quyết, Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi là tấm gương trong phòng chống dịch Covid-19.

Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 quay trở lại đã, đang khiến cả thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam, gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn lực y tế chống dịch. Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam bùng phát dịch, đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn. Trong bối cảnh khó khăn đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần, ý chí rất cao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Trước đó, tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27/5/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.

Những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân” đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên quyên góp hay trực tiếp đến giúp đỡ bà con khó khăn do dịch bệnh. Những cây “ATM gạo”, những chợ 0 đồng được thiết lập ở giữa tâm dịch; những mớ rau, quả trứng… được giao tận tay những người cách ly tại nhà… Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và Nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam càng tỏa sáng hơn.

Bảy mươi sáu năm đã đi qua, nhìn lại sự kiện vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, càng thấy rõ hơn giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân, của sự thống nhất “ý Đảng, lòng dân”, của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Bài học về sự thống nhất “ý Đảng, lòng dân”, về tnh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đòi hỏi mỗi người dân nước Việt luôn phải có ý thức bảo vệ và nhân lên sức mạnh ấy trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Bởi chỉ khi lòng dân được quy về một mối và tất cả cùng hướng niềm tin vào Đảng thì đó sẽ là sức mạnh vô địch để cả dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục làm nên các kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 25.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr.2.

[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 1.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 25.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số