Tin mới nhất

Tư tưởng chính trị Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc và ý nghĩa đối với công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay

Khi Triệu Đà tiêu diệt nước Âu Lạc của An Dương Vương vào năm 207 TCN, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ Bắc thuộc. Mãi đến năm 938, con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đem quân giết Kiều Công Tiễn, rồi đánh tan đạo quân xâm lược Nam Hán do Hoằng Tháo dẫn đầu trên sông Bạch Đằng (sang tiếp ứng cho Công Tiễn), lập ra nhà Ngô. Từ đó bắt đầu thời kỳ độc lập ổn định của nước ta. Đây là thời kỳ phát huy những yếu tố tích cực của xã hội cũ để xây dựng xã hội mới xoay quanh trục tư tưởng chính trị: đoàn kết, độc lập dân tộc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Như chúng ta đã biết, tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là những biểu hiện các mối quan hệ giữa con người với những vấn đề về thế giới xung quanh. Tư tưởng còn là ý thức của một cá nhân, một cộng đồng. Nó chứa một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cá nhân, giai cấp, một dân tộc được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực.

Lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam có nội dung nghiên cứu xuất phát từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh lâu dài đó lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam đã hình thành một hệ giá trị có tính phổ biến như: Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền quốc gia; đoàn kết dân tộc, thống nhất quốc gia; xây dựng một Nhà nước trong sạch vững mạnh; đề cao dân, dựa vào dân để dựng nước và giữ nước; hoà bình hữu nghị với các lân bang... Mỗi khi đứng trước những thử thách lịch sử, cha ông ta dường như đều trở lại với những tư tưởng chính trị cơ bản đó.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước đã sớm hình thành những giá trị cơ bản tư tưởng chính trị truyền thống. Thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, thời kỳ nhà nước sơ khai mặc dù mang tính chất nửa huyền thoại, nửa lịch sử nhưng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tư tưởng chính trị Việt Nam sau này. Đây là thời kỳ ra đời các giá trị cơ bản tư tưởng chính trị của nước ta như: đoàn kết và cộng đồng nhân văn, yêu nước thương nòi, kiên quyết chống ngoại xâm, xây dựng quốc gia độc lập tự chủ, dựng nước gắn liền với giữ nước.

Những tư tưởng chính trị này được biểu lộ ngày càng rõ nét trong suốt thời kỳ bắc thuộc. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến vài nét về tư tưởng cơ bản và xuyên suốt nhất, đó là: Tư tưởng yêu nước, độc lập dân tộc, đoàn kết cộng đồng dân tộc, kiên quyết chống ngoại xâm, dựng nước đi đôi với giữ nước.

Với giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc, chính sách đồng hóa và bóc lột được thực hiện mạnh mẽ, các triều đại phương Bắc không ngừng thực hiện đồng hóa người Việt nhằm biến nước ta thành một quận huyện của phương Bắc phải theo kiểu người phương Bắc, từ cách ăn mặc, học hành, đến việc cúng tế…Vì thế tư tưởng về độc lập dân tộc, yêu nước, đoàn kết cộng đồng dân tộc, kiên quyết chống ngoại xâm được trui rèn và không ngừng cũng cố, phát triển trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc ta.

Tư tưởng chính trị độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia có nguồn gốc sức mạnh, nền móng vững chắc từ nhiều thế kỷ trước và nó thường xuyên được cũng cố, bồi đắp trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Chính tư tưởng đó đã làm nên nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, giúp chống lại âm mưu đồng hóa về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sớm hình thành tinh thần cố kết cộng đồng trong sản xuất nông nghiệp và chống ngoại xâm. Đoàn kết trở thành truyền thống, sức mạnh, nét văn hóa độc đáo của người dân Việt. Chính tính cố kết tạo nên cấu trúc nhà - làng - nước rất độc đáo, khối gắn kết chặt chẽ này tạo nên sức mạnh chống thiên tai và các thế lực ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của tổ quốc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, nước có thể mất nhưng làng không mất, từ làng xã người dân đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đoàn kết, yêu nước là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là tư tưởng khởi nguồn cho những tư tưởng chính trị Việt Nam sau này.

Cả nghìn năm chống các thế lực Phong kiến phương Bắc, tư tưởng yêu nước, đoàn kết dân tộc ấy được củng cố, nâng dần theo mức độ thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của: 2 Bà Trưng (năm 40), Bà Triệu (năm 248), Lý Bí (năm 542), Triệu Quang Phục giành độc lập (năm 550), Mai Thúc Loan (năm 772), Phùng Hưng (năm 776-794), Khúc Thừa Dụ (năm 905), Cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Nam Hán lần thứ nhất (năm 930-931) của Dương Đình Nghệ…

Những cuộc kháng chiến tiêu biểu này đã nói lên tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cha ông chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược là các triều đại Phong kiến phương Bắc. Qua đó thể hiện ý chí quyết tâm giành chủ quyền dân tộc và kết thúc bằng chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) đã khẳng định nền độc lập hoàn toàn của dân tộc.

Vì khát vọng độc lập tự chủ cho nên quyền lợi của các tầng lớp trong xã hội lúc đó luôn tương đồng với quyền lợi của cả dân tộc. Đó chính là lòng yêu nước. Yêu nước đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Nó là thước đo sự tiến bộ, tính hợp pháp, tính chất nhân dân của các triều đại, là cơ sở quyết định để Việt Nam tiếp thu các giá trị văn hóa của nhân loại. Kinh nghiệm trong suốt nghìn năm Bắc thuộc về tập hợp lực lượng vùng lên giành độc lập là một kinh nghiệm chính trị độc đáo của dân tộc ta. Sức mạnh đó chính là mối liên kết của văn hóa, chính trị với bản sắc dân tộc: đoàn kết, kiên trung, bất khuất của Nhân dân ta đã kế thừa và khẳng định mạnh mẽ giá trị tinh thần to lớn của các tư tưởng nội sinh truyền thống, tạo nên chuyển biến lớn lao có ý nghĩa như một bước ngoặc của lịch sử dân tộc chống Bắc thuộc thành công, giành độc lập dân tộc. Ngày nay, nước ta đang trên đường đổi mới đã và đang thu được những thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó thắng lợi giữ vững nền độc lập dân tộc phát triển đất nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng. Những thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố nội lực, ngoại lực trước hết là nội lực. Điều làm nên sức mạnh nội lực cho dân tộc Việt Nam không gì khác chính là tinh thần yêu nước, đoàn kết, dựng nước đi đôi với giữ nước.

Kế thừa những tư tương chính trị truyền thống của dân tộc, nhân dân ta không ngừng bổ sung, phát triển làm cho tinh thần yêu nước, đoàn kết trở thành chủ nghĩa yêu nước, trục chính chi phối mọi hoạt động của dân tộc. Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam không chỉ là một tình cảm tự nhiên, mà nó còn là sản phẩm của lịch sử được hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc là lịch sử đấu tranh giành lại và bảo vệ nền độc lập từ tay kẻ thù xâm lược. Chính vì vậy mà tinh thần yêu nước đã ngấm sâu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam qua bao thế hệ ở tất cả các thời đại, làm nên một sức mạnh diệu kỳ, giúp cho dân tộc ta đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác cho dù chúng có hùng mạnh đến đâu bởi ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[1, tr. 534], bởi lẽ “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2, tr. 38].

Hiện nay, toàn cầu hoá đang là một xu thế tất yếu, khách quan, cuốn hút tất cả các nước trên thế giới. Toàn cầu hoá chứa đựng nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít những thách thức. Để nắm vững và dân dụng có hiệu quả những cơ hội, đồng thời vượt qua những thách thức, mỗi quốc gia cần phải phát huy được tối đa sức mạnh vốn có của mình và lấy đó làm nền tảng đưa đất nước tiến lên.

Xu thế toàn cầu hoá đang có những tác động không nhỏ đến tinh thần của người dân trong đó cũng đã xuất hiện không ít tư tưởng so sánh rồi bi quan về tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nước ta so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Có người sẵn sàng đánh đổi tất cả, thậm chí cả Tổ quốc để có được một cuộc sống vật chất vương giả nơi “đất khách quê người”. Thêm vào đó, sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho nhiều người dân chỉ mải mê kiếm tiền bằng mọi cách mà ít khi nghĩ đến vận mệnh của đất nước. Mặt khác, tâm lý này không chỉ có ở những người dân bình thường, mà còn có ở không ít cán bộ, đảng viên. Để vững vàng bước vào hội nhập, chúng ta không những phải bảo vệ được nền độc lập tự chủ của quốc gia, mà còn phải có được một tiềm lực kinh tế vững mạnh, đủ sức hợp tác và cạnh tranh trên trường quốc tế.

Vì vậy trong bối cảnh hiện nay, trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn coi trọng quốc phòng và an ninh, coi đó là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ với nhau. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay cần được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và mọi đối tượng. Có như vậy mới có thể phát huy tối đa tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội vào sự nghiệp đấu tranh chung vì những mục tiêu cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Đối với mỗi người dân Việt Nam ngày nay, yêu nước là luôn có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tiên, phải có lòng tự hào dân tộc, có ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị vật chất cũng như tinh thần mà dân tộc ta đã tạo dựng được từ bao đời. Mặt khác phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó và góp phần làm thất bại mọi âm mưu đen tối nhằm chống phá chế độ ta của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Hơn nữa, mỗi người cũng cần thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Trong xây dựng kinh tế, yêu nước chính là cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội. Thế hệ trẻ cần phải mạnh dạn xông pha nơi trận tuyến kinh tế và tri thức, cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách để chiếm lĩnh những đỉnh cao mới với tinh thần “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta”, mà nên tự hỏi “ta đã làm gì cho Tổ quốc thân yêu”. Dân giàu thì nước mới mạnh, vì vậy mỗi người hãy đem hết tài năng và trí tuệ của mình để làm giàu một cách chính đáng cho bản thân và cho xã hội. Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào, cũng phải cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình, biết hưởng các quyền lợi nhưng đồng thời cũng phải thực hiện tốt mọi nghĩa vụ của công dân, phấn đấu góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên giàu, mạnh đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.


Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7.

3. Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược/bản đặc biệt, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2017.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số