Tin mới nhất

Vận dụng bài học đại đoàn kết của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên quê hương Bình Thuận hiện nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó là kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thành  quả của nhiều nhân tố, trong đó có việc tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã có chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân và chủ trương đó được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình tập hợp lực lượng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, mà thể hiện rõ nhất là thành lập Mặt trận Việt Minh (5/1941) với tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn(1)

Sau khi được thành lập, Mặt trận Việt Minh đã thông qua Chương trình cứu nước gồm 10 chính sách lớn và được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8/1945. Mặt trận Việt Minh ra đời không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng và nâng cao gấp bội mà còn biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao. Cho nên, Đảng ta đã nhanh chóng tập hợp, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của toàn dân, tạo nên sức mạnh vô địch đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám 1945 long trời lở đất, chỉ trong vòng 15 ngày đã thành công trong cả nước. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do. 

Thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; là minh chứng hùng hồn, khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong cách mạng, với các hình thức vận động, tập hợp và quy tụ quần chúng phù hợp, hoạt động hiệu quả; là kết quả về sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân, với tinh thần tự lực, tự cường nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay mình. 

Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám là truyền thống quý báu được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới, trở thành động lực và sức mạnh chủ yếu của dân tộc, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt chặng đường 76 năm qua và đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị. 

 Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có cả thời cơ và thách thức đan lẫn xen nhau. Đáng chú ý là các thế lực thù địch đang chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, với thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm. Chúng lợi dụng triệt để các vấn đề “nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo", nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân;  chúng đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, … Điều đó đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc; trong đó cần ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Để làm được điều này thì đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện tốt các việc:

Một là, Luôn thấm nhuần sâu sắc bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám. Trước hết, chúng ta phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng; nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Qua đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, giúp cho cán bộ, đảng viên thấy rõ đây là vấn đề sống còn của cách mạng, của dân tộc.

Hai là, Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; qua đó, không ngừng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lấy đoàn kết trong Đảng làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy tổ chức đảng các cấp là hạt nhân lãnh đạo và thực hiện.

Ba là, Đảng, Nhà nước lãnh đạo, điều hành việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân bằng các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương và hệ thống chính sách, hướng tới mục tiêu chung như Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) xác định: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 03 trụ cột gắn với ứng dụng nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: (i) Công nghiệp; (ii) Du lịch; (iii) Nông nghiệp; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững” (2). Vì thế, công tác vận động quần chúng đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên đều phải tham gia “... vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...” (3) như Bác Hồ đã dạy.

Bốn là, Chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; giải quyết đúng đắn, hợp lý các mối quan hệ, các lợi ích giữa các bộ phận nhân dân. Cùng với đó, cần phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong các bộ phận dân cư. Mặt trận Tổ quốc các cấp đầy mạnh đổi mới nội dung, hình thức vận động quần chúng; thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “ chung lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới”,“Đền ơn, đáp nghĩa”...

Năm là, Các tổ chức đảng, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XII) ngày 30-10-2016 về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khắc phục những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng nhân dân. Mỗi đảng viên phải thường xuyên nghiên cứu, học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời, tu dưỡng đạo đức cách mạng, giữ vững tính tiền phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng tháng Tám đã mang lại; nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm trong việc vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá, những ý nghĩa mang tầm thời đại của Cách mạng tháng Tám vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đang hiện hữu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Từ Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc 80 năm trước (6/1941) đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy trong toàn dân ta nói chung và nhân dân tỉnh Bình Thuận nói riêng./.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 7, tr. 465.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 6, tr 232.

(3) Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, trang 91.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số