Tin mới nhất

Vạch trần luận điệu xuyên tạc của cái gọi là “Lược ghi bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng”

Thời gian gần đây, khi nhà văn Sơn Tùng qua đời hôm 26/7/2021, trên mạng xã hội đã lan truyền bài viết được cho là “Lược ghi buổi nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng ngày 27/4/2001 tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Đào tạo”. Bài viết có nhiều nội xuyên tạc đường lối, nói xấu nội bộ Đảng ta, bịa đặt những thông tin liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã gây cho nhiều người, trong đó có cán bộ đảng viên ngộ nhận những thông tin sai trái đó.

Bài viết nói trên được truyền đi từ trang Blog “Anh Ba Sàm”, tự xưng là “Cơ quan ngôn luận của thông tấn xã vỉa hè”. Blog này chuyên đăng những tin, bài có tiếng nói trái ngược với báo chí chính thống trong nước. Vì vậy, được các thế lực thù địch, phản động quan tâm sử dụng để chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trang Blog là ông Nguyễn Hữu Vinh, năm 2015 đã từng bị kết án 5 năm tù về  tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, được quy định tại Điều 258 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Với dụng ý gây hoài nghi, chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin vào Đảng, “bài lược ghi” đã tung ra những thông tin thất thiệt, rằng: “Từ một phần tư thế kỷ nay, Đảng ta sa sút xuống đến mức không tưởng tượng nổi so với trước đây, nhân cách nhiều người cộng sản không còn….”, rồi: “Vấn đề trong mấy hội nghị là phe phái, phe cánh, mất đoàn kết trong lãnh đạo cao nhất”; tệ hại hơn là xuyên tạc mục tiêu con đường cách mạng Việt Nam. Họ đưa ra luận điệu sai trái, cho là: “Con đường Bác Hồ là con đường thu vén tất cả dân tộc vào, chứ không có giai cấp, không đặt giai cấp lên trên dân tộc….. Thế nhưng Đại hội IV chúng ta thì nó trật từ cái này”. Rõ ràng, đây là cố tình bóp méo sự thật để vu khống Đảng ta làm trái ngược quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu cách mạng Việt Nam. Nói có sách, mách có chứng, điều không ai có thể lấp liếm được trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) soạn thảo đã nêu rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Mục tiêu chiến lược đó đã làm rõ nội dung giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội là một tiến trình cách mạng liên hệ rất mật thiết với nhau: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng và nhân dân ta. Vấn đề này tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong bài viết gần đây “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Không trừ thủ đoạn nào, từ nói xấu nội bộ, xuyên tạc đường lối của Đảng đến bịa đặt những thông tin sai trái liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ quá tầm thường khi đưa ra nhận định: “dòng di sản Bác Hồ, chất Mác-Lênin có mức độ thôi. Người thường nói những câu của dân gian, của dân tộc, cho nên có người bảo Bác Hồ không có lý luận”! Nói vậy chẳng khác gì thành ngữ có câu “Ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung”. Họ mù quáng trước lịch sử dân tộc lúc bấy giờ, khi đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược và phong kiến, tay sai; các văn thân, sĩ phu đứng lên cầm quân khởi nghĩa nhưng rốt cuộc đều thất bại do thiếu một chính đảng lãnh đạo, thiếu đường lối chính trị đúng đắn. Trước bối cảnh đó người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, trong suốt 30 năm hành trình khắp bốn biển, năm châu, Người đến với ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin, trở về thành lập Đảng. “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(2). Chính Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắc nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta không chỉ hôm nay mà cả thế hệ mai sau kho tàng di sản vô giá là tư tưởng Hồ Chí Minh được hun đúc từ nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với thực tiễn Việt Nam, phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, và tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo của Người. Như vậy, họ chẳng biết sao?.

 Họ lại còn bịa đặt: “Bác bị cô đơn từ Quốc tế cho đến khi qua đời, quan điểm của Bác luôn luôn thiểu số, cái thiểu số ấy theo Bác suốt cuộc đời”.   

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, không chỉ toàn thể nhân dân Việt Nam mà còn được bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới tin yêu, kính phục. Người là biểu trưng của đại đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Trong Di chúc thiêng liêng của Người đã viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đồng thời Người căn dặn: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(4) . Ngày Bác mất (2/9/1969), những ai là người đương thời đã từng chứng kiến cảnh: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”(5), hoặc xem những thước phim tư liệu lịch sử đã ghi lại những hình ảnh về nỗi xót đau, niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước, của cán bộ, chiến sĩ, của bạn bè quốc tế đối với Bác muôn vàn kính yêu. “Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta”(6). Thế sao, họ lại đương tâm để nói: “Bác bị cô đơn từ Quốc tế cho đến khi qua đời”?!

Vấn đề đặt ra ở đây, nếu đúng là bài lược ghi nội dung bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng thì tại sao mấy chục năm qua không hề công bố? Phải chăng lợi dụng khi nhà văn đã quá cố để tung ra những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc rồi gắn vào cái “mác” của người có danh tiếng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, với những tác phẩm đặc sắc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để đánh lừa dư luận, mê hoặc người nghe?. Đáng tiếc, một bộ phận, trong đó có cán bộ đảng viên đã chuyền tay nhau “bài lược ghi” này, kèm theo những lời tán thưởng: “những thông tin rất bổ ích”!. Đó là điều không thể chấp nhận được.

“Bàn tay không che nổi mặt trời”, những ai cố vấy bóng đen hòng để hạ thấp uy tín của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vẫn không thể nào che lấp được những thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Dân tộc Việt Nam rất tự hào và luôn giữ niềm tin son sắt với Bác Hồ vĩ đại, với Đảng quang vinh./.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 1.

(2) và (6) Điếu văn của Ban chấp hành T.Ư Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu trọng  thể Hồ Chủ tịch.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, trang 289.

(4) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(5) Thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục, 2005, trang 456.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số