Tin mới nhất

Lịch sử ra đời và ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11

Những ngày đầu tháng mười một hằng năm, các trường trong cả nước lại sôi động với những phong trào thi đua để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11, từ lâu đã được xem là một ngày lễ “tôn sư trọng đạo” để tôn vinh các nhà giáo, người đã đứng trên bục giảng hằng ngày truyền đạt những tri thức cho những thế hệ học trò. Đây cũng là dịp để thế hệ học sinh tỏ lòng biết ơn, tri ân của mình tới những “người đưa đò thầm lặng” trên bến sông cuộc đời. Vậy, ngày nhà giáo Việt Nam bắt nguồn từ đâu và lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam là năm nào.

Dạy học là một nghề cao quý và đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho mỗi quốc gia. Hàng năm, nhiều nước trên thế giới kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo để tôn vinh những người đã ngày đêm miệt mài bên giáo án vì sự nghiệp giáo dục đào tạo. Mỗi quốc gia tổ chức kỷ niệm theo những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào lịch sử và nền văn hóa đặc trưng. 

Lịch sử của ngày 20/11 được bắt đầu từ một Tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ thành lập ở Paris. Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên (FISE).

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warsaw (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu của Bản Hiến chương các Nhà giáo đó là: Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học; Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo; Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Việt Nam trong những nǎm kháng hiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với tổ chức FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30/8/1957 tại Warsaw, quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.

Được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn bản Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc; đồng thời thông tin đến các giáo giới, đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên ở nước ta vào ngày 20/11/1958 và  phạm vi tổ chức trên toàn miền Bắc.     

Đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam. Theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 nêu rõ sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, trong đó cũng nêu rõ: “Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực, hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấn tiếp tục làm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình…. Trong ngày 20-11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương”.

Ngày 14/6/2005 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Giáo dục 2005. Điều 76 luật này quy định: “Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam”. Những quyết định và điều luật trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “chèo đò”. Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc - tôn sư trọng đạo.  

Hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước là sự đầu tư cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước những đòi hỏi đó, ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo hơn lúc nào hết, rất nặng nề; nhà giáo, hơn ai hết, hiểu rõ mình cần phải tạo dựng những phẩm chất và năng lực để tự khẳng định nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng.

 Cùng với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà, giữ gìn và phát huy những thành quả của các thế hệ nhà giáo đi trước, không ngừng phấn đấu trau đồi đạo đức nhân cách, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW, cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra ./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số