Tin mới nhất

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục toàn diện ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Người là kết tinh của trí tuệ, văn hóa, sức mạnh của dân tộc Việt Nam và cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người đã để lại cho chúng ta cả gia tài tư tưởng đồ sộ có giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc, một trong những tư tưởng quý giá cần được tiếp tục vận dụng rộng rãi trong giai đoạn hiện nay là tư tưởng về giáo dục toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình” (1). Giáo dục phải đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Người đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển nền giáo dục toàn diện, tất cả vì một mục tiêu cao cả là cho con người và vì con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nền giáo dục toàn diện là một nền giáo dục phải đảm bảo những yếu tố:

Một là, giáo dục chính trị tư tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Nếu không thống nhất về tư tưởng, sẽ không thống nhất trong hành động “thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn” (2). Để nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng cho mọi người, Người cho rằng, phải dạy lý luận chính trị thông qua việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên qua đó tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những nhận thức ấy vào cuộc sống. Người còn ví: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi mới có chuyên môn (3).

Hai là, giáo dục đạo đức cách mạng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nhiều lần chỉ rõ đạo đức là cái gốc của người cán bộ, là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng con người mới. Người cho rằng muốn làm cách mạng thì trước hết con người phải có cái tâm trong sáng đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động, với cả dân tộc mình. Nếu không có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là sự chuyển hóa các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức Hồ Chí Minh thành niềm tin, động cơ, nhu cầu bên trong của người cán bộ. Do đó, đạo đức cách mạng không phải là cái có sẵn trong mỗi con người, mà phải do đấu tranh, học tập, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mới có được. Vì thế mọi người cần phải được giáo dục đạo đức thường xuyên.

Thứ ba, giáo dục văn hóa, trình độ chuyên môn: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” (4). Do đó, văn hóa là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng con người mới, xã hội mới và để nâng cao trình độ văn hóa thì trước hết mọi người phải được phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, bởi công việc ngày càng nhiều, càng mới, càng khó khăn, phức tạp hơn trước. Đặc biệt, học tập trong sách vỡ, câu chữ đó mới chỉ là “trí thức một nửa”, muốn trở thành người trí thức hoàn toàn thì phải đem trí thức đó áp dụng vào thực tế.

Thứ tư, giáo dục thể chất và sức khỏe: Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên” (5), chỉ sức khỏe là cái cực kỳ quan trọng của mỗi con người. Nếu một cơ thể không khỏe mạnh về thể chất, về khí chất thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động trí tuệ và hoạt động thực tiễn. Do đó, để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe. Dân có cường thì nước mới thịnh. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ và các cơ quan chức năng cần phải quan tâm, phát triển “Văn hóa giáo dục, vệ sinh phòng bệnh.” (6).  

Thứ năm, giáo dục thẩm mỹ: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mỹ dục: là để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp (7). Giáo dục thẩm mỹ hình thành ở con người một quan hệ thẩm mỹ nhất định đối với hiện thực, đáp ứng nhu cầu hướng thiện, nhu cầu khám phá và thưởng thức cái đẹp của nghệ thuật và cuộc sống. Cùng với các nội dung giáo dục khác, làm tốt công tác giáo dục thẩm mỹ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hình thành nhân cách – đạo đức, hướng con người vào cái chân, thiện, mỹ để phấn đấu, rèn luyện hoạt động và cống hiến.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ và thẩm mỹ...

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giáo dục toàn diện đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình thuận hiện nay là rất cần thiết. Với nhiệm vụ đào đào bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà về trình độ trung cấp lý luận chính trị; giáo dục tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và một hệ thống nội dung kiến thức, kỹ năng trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đến các thế hệ học viên; cung cấp những luận cứ về lý luận và thực tiễn cho học viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên Trường Chính trị cần phải được trang bị vững vàng về cả chuyên môn, lập trường chính trị tư tưởng kiên định, vững vàng và đạo đức cách mạng trong sáng. Phải xem đây là nhiệm vụ, là sứ mệnh là lẽ sống của bản thân, phải không ngừng học tập, rèn luyện và phấn đấu đi lên. Phải là tấm gương sáng về lý tưởng, đạo đức và lập trường cách mạng. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trước tình hình mới. Có như thế, mới tạo được sức lan tỏa và ảnh hưởng đến học viên, cũng là cán bộ, đảng viên - bộ phận rường cột của tỉnh nhà, của đất nước. Đó là thực hiện giáo dục toàn diện với mình và với người.   

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử thực tiễn sâu sắc mà tư tưởng của Người về giáo dục toàn diện mang lại. Đồng thời, nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm trong việc vận dụng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Chính trị Bình Thuận trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà góp phần đẩy mạnh và phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong công cuộc đổi mới hiện nay./.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.333.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.8, tr.553

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.12, tr.269

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.12, tr.647

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.15, tr.441.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.14, tr.166.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.10, tr.175


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số