Tin mới nhất

Việc sử dụng nhân tài của các nhà nước Phong kiến trong lịch sử Việt Nam

Trong lịch sử nước ta, việc dùng người và việc sử dụng nhân tài bao giờ cũng chiếm một vị trí trọng yếu. Các nhà nước phong kiến Việt Nam, sở dĩ vượt qua được thử thách trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập nước nhà, sở dĩ tiến hành thắng lợi công cuộc mở mang đất nước, đắp đê, làm thủy lợi, phát triển nền văn minh lúa nước ở xứ nhiệt đới gió mùa là do nhiều nguyên nhân, trong đó, có tính hiệu quả về bốn khâu chủ yếu của ông cha ta trong quá trình sử dụng nhân tài đó là: Về đào tạo, về sử dụng, chế độ thưởng phạt, đổi mới đội ngũ quan lại.

Về đào tạo

Trong lịch sử nước ta, mặc dù thời Lý - Trần đã có mở khoa thi, nhưng giữ trọng trách trong bộ máy quan lại chủ yếu là tầng lớp tăng, đạo và quân nhân. Từ thế kỷ thứ XV trở về sau, quan lại được đào tạo chủ yếu là qua thi cử. Có cả một hệ thống các trường học công và tư. Các trường công ở kinh đô Quốc tử giám, ở các địa phương có phủ học và huyện học. Tuy nhiên, hệ thống trường công không sâu rộng; hệ thống trường tư đặc biệt quan trọng, không những mở ra ở các vùng nông thôn, mà ngay ở kinh đô và các vùng ngoại vi cũng có trường tư. Thời Trần, ở kinh thành có trường tư của Trần Ích Tắc và trường tư của Chu Văn An có hàng ngàn người theo học.

Trường tư được mở ra ở khắp nơi, thầy giáo là những người hoặc thi không đỗ đạt, hoặc không chịu ra làm quan, hay không được trọng dụng, hoặc đã về hưu. Việc thi cử ngày càng được hoàn thiện, đào tạo văn có Quốc tử giám, đào tạo võ có Giảng võ đường. Có thi hương, thi hội, thi đình; thi có hai loại: một loại để tuyển dụng người làm quan, đỗ đạt cao thì được làm ở triều đình. Đỗ đạt thấp như cử nhân, tú tài nói chung được làm quan ở các địa phương phủ, huyện. Người đỗ đạt cao (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Tiến Sĩ, Phó Bảng) thì được giữ các chức vụ trong bộ máy ở triều đình, được giao làm nhiệm vụ thỏa chiếu, dụ, được cử đi sứ nước ngoài, được làm giáo quan dạy trong cung cấm cho vua chúa, hoàng tử, công chúa, được dạy ở Quốc tử giám, được giao làm sứ thần, v.v.. Ông cha ta rất coi trọng các kỳ thi tuyển. Thường chọn những người đạo cao đức trọng, đỗ đạt cao, có tài năng, làm chánh chủ khảo. Trong kỳ thi đình ở kinh đô, trực tiếp vua ra đề thi, Vua Quang Trung khi cho mở khoa thi hương đầu tiên ở Nghệ An

đã mời La Sơn Phu tử làm chánh khảo (năm 1789). Trong chiếu lập Nhà học, vua Quang trung nhấn mạnh: “Trẫm khi vừa mới bình định, đã có nhã ý hậu đãi nho, lưu tâm mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia”.

Về việc trọng dụng

Về việc trọng dụng người hiền tài luôn là phương châm và là một trong những phép trị nước được các triều đại phong kiến đặt lên hàng đầu. Trong quan niệm truyền thống, trọng dụng người hiền tài là quốc sách của quốc gia, dân tộc, quyết định sự hưng thịnh, thành bại của đất nước. Vua Quang Trung là người vô cùng sâu sắc trong vấn đề cầu hiền tài, vốn là ông Vua xuất thân từ tầng lớp áo vải, nhưng với năng lực xuất sắc, sự nhạy cảm với thực tiễn, ông thấy được người hiền tài là “rường cột” của nước nhà, nên đã đặt việc cầu hiền tài cho đất nước lên hàng đầu.

Bên cạnh hình thức khoa cử thì tiến cử và bảo cử cũng là các biện pháp mà các triều đại phong kiến Việt Nam thường sử dụng để tuyển chọn nhân tài thông qua giới thiệu, đề nghị của các quan chức cao cấp trong triều đình. Phép tiến cử và bảo cử (thời Lý - Trần còn gọi là tuyển cử) được áp dụng khá nhiều dưới thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Tiến cử và bảo cử thường được sử dụng khi xã tắc lâm nguy, hoặc lúc vương triều mới được gây dựng, nhà nước quân chủ một mặt cần gấp nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ quan lại và tướng lĩnh đang thiếu hụt, mặt khác muốn thông qua chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” mà củng cố uy tín của vương triều.[1]

Việc tiến cử và bảo cử thường được khởi đầu bằng động thái “cầu hiền” của Vua hoặc triều đình. Chiếu cầu hiền của nhà Vua thường tuyên bố rõ chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, cổ vũ người tài ra phò Vua giúp nước, đồng thời lệnh cho các địa phương tiến cử nhân tài. Việc tiến cử và bảo cử giúp nhà Vua lựa chọn được quan chức thực tài phải tuân thủ các quy định khá chặt chẽ, như: một, phải được giới thiệu bởi các quan chức nhà nước; hai, trước khi bổ nhiệm phải qua kỳ sát cử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ba, người tiến cử phải chịu trách nhiệm về tư cách và năng lực của người mà mình tiến cử. Ngoài ra, phải tâu trình rõ phẩm hạnh, tài năng của người được tiến cử. Nếu tiến cử đúng người tài giỏi, đắc dụng thì người có công tiến cử sẽ được trọng thưởng, ngược lại nếu tiến cử sai người, hoặc lợi dụng tiến cử để kéo bè kết cánh sẽ bị phạt nặng. Các đình thần và quan lại địa phương không thực hiện việc tiến cử người hiền tài cũng bị Vua trách phạt.[2]

Hình thức tự tiến cử, tuy ít phổ biến nhưng cũng có không ít trường hợp người tài tự tiến cử mình. Họ thường là những người có thực tài, có bản lĩnh; đôi khi để tự tiến cử, họ phải chứng tỏ tài cao, chí lớn bằng những hành vi phi thường để thuyết phục người khác dùng mình một cách xứng đáng. Ngoài ra, chế độ nhiệm tử (hay gọi là chế độ thế tập, tập ấm, ấm sung - các thuật ngữ được sử dụng ở các triều đại khác nhau) cũng là một trong những biện pháp tuyển chọn người tài của ông cha ta. Đây là phương thức tuyển chọn con cháu của quý tộc công thần và quan chức dựa trên âm trạch của ông cha, và được áp dụng chủ yếu thời Lý - Trần. Đối tượng được hưởng lệ nhiệm tử khá rộng bao gồm con cháu những người đã được nhà nước phong quan tước. Thông qua lệ nhiệm tử, các chức vụ trong chính quyền Trung ương và địa phương được trao cho người trong hoàng tộc. Lệ nhiệm tử thời Hậu Lê và thời Nguyễn được quy định chặt chẽ về đối tượng, thể lệ và phạm vi tuyển dụng và được gọi là lệ Ấm sung.

Ở thời Nguyễn, để được tuyển dụng vào các chức vụ nhà nước với phẩm hàm không cao (từ ngũ phẩm trở xuống), các đối tượng được hưởng lệ Ấm sung thời kỳ này buộc phải sung vào ngạch Nho sinh để học tập, cứ 3 năm nhà nước sẽ tổ chức khảo hạch một lần. Chức vụ và phẩm hàm của đối tượng được lệ Ấm sung thuộc vào kết quả thi khảo hạch và dựa trên tước phẩm của ông cha[3].

Chế độ thưởng phạt

Chế độ khen thưởng, đãi ngộ: Có thể nói rằng ông cha ta đã sáng tạo ra rất nhiều hình thức phong phú, đa dạng để đãi ngộ nhân tài. Từ đời Lê Thánh Tông định lệ xướng danh trọng thể. Các vị đỗ đại khoa được vua ban áo mũ, ngự tửu, đãi yến tiệc, tổ chức lễ vinh quy có cờ lọng đón rước. Định lệ ai đỗ tiến sĩ thì được khắc tên vào bia đá dựng ở Quốc tử giám. Đối với những người làm quan giỏi thì được khen thưởng lên chức, lên lương, cấp ruộng đất, gia nô. Đời Lý có chế độ thác đao điền (cấp đất cho Lê Phụng Hiểu sau khi dẹp được loạn ba vương). Có chế độ tập ấm, ban tước (công, hầu, bá, tử, nam), gả công chúa, cho đổi họ lấy quốc tín (họ vua) như trường hợp Lê Lai. Ban tước cho cha, mẹ, ông, bà, vợ, con, tổ chức lễ quốc tang (như chúa Trịnh đã làm với Lê Quý Đôn)…Một hình thức đãi ngộ, độc đáo là ở đời Trần có lệ người nào xông lên phá trận giặc, lập kỳ công thì được chép vào tập Trung hưng thực lực, lại sai vẽ cả hình. Nhiều quan lại thanh liêm có công trạng được vua sai vẽ hình để ghi lại đời sau.

Chế độ phạt: Các triều đại phong kiến cũng đặt ra rất nhiều hình thức xử phạt để đảm bảo cho quan lại tuyệt đối trung thành với vua chúa và làm việc hết sức mình, thanh liêm chính trực; Ân càng lớn, thì uy càng cao. Có các hình thức xử phạt như sau: hạ lương, giáng chức, tống giam, tịch thu gia sản, nộp tiền phạt, cách hết chức tước, bổng lộc xuống làm dân thường hoặc làm lính lệ…

Để tránh việc kéo bè, kéo cánh, thời phong kiến còn áp dụng hình thức định kỳ thuyên chuyển quan lại, từ nơi này sang nơi khác, có khi di chuyển rất xa. Việc bổ dụng quan lại được tuân theo một luật lệ rất nghiêm ngặt là Luật Hồi tỵ với mục đích nhằm khống chế đội ngũ quan lại, ngăn ngừa việc họ lạm dụng quyền chức, địa vị để kéo bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình. Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, Lệ thải quan viên ban bố vào năm 1478 chỉ rõ, quan viên nếu “hèn kém... không làm nổi việc” thì “đều bắt phải nghỉ việc” và chọn người “có tài năng, kiến thức, quen thạo việc mà bổ vào thay”. Khi thấy bộ máy quan lại phình to, tốn kém, Lê Thánh Tông chủ trương “Quan viên quá nhiều, tiêu phí lộc kho, Lục khoa phải tra xét từ năm Quang Thuận thứ 2 đến nay, quan viên nào phạm các tội hối lộ, đã bị xử các tội biếm, giáng… mà người ấy hãy còn tại chức thì bắt phải thôi việc, để triệt những quan tham nhũng”. Lê Thánh Tông thực hiện chế độ nghỉ việc đối với quan lại lớn tuổi, thể hiện trong sắc chỉ ngay từ năm thứ ba sau khi lên ngôi “các quan viên văn võ làm việc đến 65 muốn nghỉ việc, các lại điển, giám sinh, nho sinh, sinh đồ tuổi từ 60 trở lên muốn về làm dân, thì đều cho người đó nộp đơn ở Lại bộ”[4].

Đổi mới đội ngũ quan lại

Quy định về tuổi hưu là 60 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt đối với các vị quan đầu triều và những người tài năng xuất chúng thì đặc cách lưu lại. Đối với những người chưa đến tuổi hưu, nhưng sức khỏe kém thì cũng cho nghỉ việc. Định kỳ sát hạch những người kém tài kém đức, làm việc kém hiệu quả, để bổ dụng người mới có năng lực thay thế, v.v..

Việc dùng người của ông cha ta quả thật là quốc sách, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng có tác dụng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn của dân tộc; có thể nói rằng triều đại nào, nhà vua nào mà sử dụng có hiệu quả nhân tài, thì triều đại đó được thịnh trị, vua đó làm được nhiều việc ích quốc lợi dân, tiếng thơm để lại ngàn thu. Trái lại, triều đại nào, vua chúa nào không sử dụng được nhân tài thì triều đại đó suy vong, vua chúa đó để lại tiếng xấu muôn đời.

Kế thừa các khâu chủ yếu trong quá trình sử dụng nhân tài của ông cha ta trong lịch sử, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn chú trọng công tác cán bộ; xây dựng,

đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Thực tế cho thấy, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng 91 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác cán bộ được Đảng

luôn chú trọng triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, đem lại những kết quả quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch. Đa số cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, ở một số nơi việc bố trí, sử dụng cán bộ chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, địa phương nên một số trường hợp chưa thực sự khách quan, dân chủ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo; chưa phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ. “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc[5]. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trong giai đoạn cách mạng mới, cần phải khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra./.


[1] Chế độ tuyển dụng quan lại - Kho lịch sử Việt Nam

http://kholichsuvietnam.blogspot.com/2015/07/che-o-tuyen-dung-quan-lai.html

[2] Chế độ tuyển dụng quan lại - Kho lịch sử Việt Nam

http://kholichsuvietnam.blogspot.com/2015/07/che-o-tuyen-dung-quan-lai.html

[3] Đỗ Minh Cương: Tuyển chọn và sử dụng quan lại ở nước ta thời kỳ trung đại http://www.xaydungdang.org.vn/Uploads/Data/2006/8/20.pdf

[4] Nguyễn Hoài Văn - Đặng Duy Thìn: Chính sách đào tạo, sử dụng quan lại thời Lê Thánh Tông và công tác cán bộ hiện nay. Nxb Chính trị Quốc gia, 2012.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.49.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số