Tin mới nhất

Rèn luyện phương pháp sư phạm để nâng cao chất lượng giảng dạy ở Trường Chính trị

Chủ nghĩa Mác - Lênin là chân lý phổ biến, là vũ khí khoa học và cách mạng của một giai cấp tiên tiến nhất thời đại - giai cấp công nhân. Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách đúng đắn, sáng tạo vào thực tiễn đất nước đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thể lự thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ là hết sức cần thiết, những người góp công to lớn trên mặt trận này chính là giảng viên các Trường Chính trị. Nhưng người giảng viên phải giảng dạy và truyền đạt sao cho người nghe, người học lĩnh hội được cái đúng, cái hay, kiên định lập trường, củng cố niềm tin, náo nức muốn hành động ngay, biến cái được nghe, được học thành hiện thực… là hết sức cần thiết.

Đã là giảng viên nói chung và giảng viên Trường Chính trị nói riêng phải có những điều kiện cần thiết như: Có lượng tri thức rộng lớn và sâu sắc, tích lũy về lý luận và vốn sống thực tiễn, nắm đúng và chắc các nội dung truyền đạt. Đó là sự cần thiết trước tiên nhưng dù sao cũng mới chỉ là cái vốn, cái tiềm năng để cho khả năng đạt tới kết quả giảng dạy. Còn việc thu được kết quả thực tế hay không là tùy thuộc ở năng động chủ quan của người giảng dạy. Giảng viên chẳng những cần vốn trí thức, nhiệt tình mà còn phải có phương pháp sư phạm tốt thì mới là người thầy giỏi.

Nghề giảng dạy chính trị, giảng dạy về khoa học xã hội là rất khó. Người thầy không chỉ là người truyền đạt nội dung mà còn là người đi dạy cách vận dụng, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng không chỉ về nhận thức mà cả trong hành động thực tế, không chỉ trong công tác mà cả trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất cách mạng. Giảng viên đương nhiên phải không ngừng học tập tích lũy vốn cho mình cả về lý luận và thực tiễn. Phải không ngừng rèn luyện đạo đức, phong cách người Cộng Sản chủ nghĩa nhằm nêu gương cho người học, không ngừng trau dồi phương pháp sư phạm.

Người giảng trước hết phải nghiêm khắc với mình, biết tự kiềm chế, không nói những gì chưa được chuẩn bị, cân nhắc, tránh tùy tiện. Trong bài giảng cần có trích dẫn Nghị quyết của Đảng, khi nói thực tiễn thì phải có chọn lọc, là cái thực tiễn có tính chung nhất, bản chất nhất chứ không thể là cái thực tiễn cá biệt có tác dụng ngược lại. Phải chuẩn bị chu đáo cho mỗi bài giảng, cho mỗi lần giảng, cho mỗi đối tượng người học khác nhau sao cho mỗi câu nói trên bục giảng Trường Chính trị đều bao hàm tư tưởng chính xác và tính chỉ đạo hành động.

Vấn đề lớn thứ hai người giảng viên là nắm chắc đối tượng và tôn trọng người học, những người tham gia học tại Trường Chính trị có nhiều trình độ cao - thấp khác nhau nhưng nói chung đều là những cán bộ của Đảng, đã kinh qua thực tiễn, có trình độ chuyên môn sâu trên lĩnh vực mà họ đảm trách. Nhiều người đang giữ chức vụ cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước và cũng có những người trong tương lai sẽ trở thành người nắm trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Họ đều cần được trang bị lý luận, quan điểm và họ cũng có nhiều yêu cầu cần được giảng giải, giải đáp, có nhiều suy nghĩ muốn được trình bày. Các học viên đó tin cậy ở các thầy, cô ở Trường Chính trị. Về phía các giảng viên của Trường Chính trị có ưu thế ở các bài giảng chuyên sâu, bài giảng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy vậy, các thầy cô cũng không phải là những người giỏi hơn học viên ở tất cả các mặt. Vì vậy, học viên tôn trọng các thầy cô và thầy cô tôn trọng học viên là hoàn toàn đúng đắn. Sự tôn trọng học viên của người thầy thể hiện trong nội dung bài giảng và phương pháp sư phạm. Vững vàng trên tư thế giảng viên Trường Chính Trị nhưng thầy cô vẫn rất khiêm tốn, chân thật, trong sáng, tránh những gì biểu lộ sự coi thường. Tuyệt đối không được sử dụng những câu nói có thể xúc phạm đến người học. Giảng viên thuyết phục người học bằng lý luận, bằng chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng quan điểm, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta…Trong bài giảng, người thầy cần đưa ra những nội dung đấu tranh, phê phán một cách thẳng thắn những gì sai trái với đường lối quan điểm, sai trái với phẩm chất đạo đức Cộng sản… Nhưng là với phương pháp phân tích khách quan, với thái độ chân thành, mong làm sáng tỏ những vấn đề đang tồn tại cần được khắc phục, không né tránh đấu tranh. Tuy nhiên, nói có cân nhắc, có liều lượng, không dùng lối nói chỉ trích, đả kích, châm biếm… Khi đấu tranh phê phán vẫn luôn giữ đúng cương vị giảng viên, không dẫm chân cương vị khác.

Giảng viên bán sát đối tượng, nắm chắc đối tượng người học thì nhất định thể hiện được nội dung bài giảng phù hợp với học viên. Nói nắm chắc đối tượng là nói nắm nhiều mặt. Đặc biệt là mặt bằng trình độ chung của từng lớp, phân biệt giữa hệ lớp tập trung và hệ lớp không tập trung, hay giữa hệ lớp không tập trung Đảng Ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp và các hệ lớp khác. Bởi lẽ, tùy vào từng đối tượng lớp học mà giảng viên lựa chọn cách truyền đạt phù hợp tránh sử dụng một bài giảng và một cách truyền đạt cho tất cả các hệ lớp khác nhau sẽ mang lại hiệu quả không cao. Nhiều giảng viên đã có những kinh nghiệm bản thân thực tế là cũng bài giảng ấy và phương pháp giảng như thế mà ở lớp này được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng ở lớp khác thì lại bị chê là kém chất lượng. Phải chăng cái chính là chưa thể hiện sát với đối tượng và có chủ quan trong chuẩn bị bài giảng.

Một trong những biện pháp khắc phục tình trạng trên là nên chăng có quy chế hẳn hoi, chặt chẽ về chế độ thông qua bài giảng, chế độ giảng thử cho các giảng viên đối với mỗi lớp, với mỗi đối tượng. Giảng viên Trường Chính trị bất kỳ là giảng viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm cũng như giảng viên mới bước vào nghề đều cần thực hiện bước thông qua bài giảng. Tất nhiên nhà trường có nhiều cách để thông qua bài giảng, thông qua ở khoa hay ở Ban giám hiệu… nhưng vẫn là áp dụng bước thông qua bài giảng.

Việc giảng viên chuẩn bị ngay từ bước đầu vào nghề cho mỗi nội dung một bài giảng cơ bản, toàn diện, đầy đủ là rất cần thiết. Tiếp sau là giảng viên thường xuyên tích lũy, bổ sung cho bài giảng cơ bản ấy, làm phong phú thêm cơ sở lý luận mà mình chuẩn bị thêm, tăng thêm lượng thông tin mà mình mới thu lượm được. Bài giảng được chuẩn bị và không ngừng tích lũy như thế sẽ giúp ích cho việc giảng bài cho từng đối tượng, cho từng lớp học khác nhau.

Chất lượng bài giảng tùy thuộc ở nội dung được chuẩn bị như thế nào. Có nội dung tốt lại có phương pháp tốt thì chất lượng bài giảng tăng lên, nâng cao được tính thuyết phục và có giá trị thôi thúc học viên học tập. Đó là một kinh nghiệm về sư phạm. Trong vấn đề này, Bác Hồ cho chúng ta một chỉ dẫn vô cùng quý báu. Người nói: “Muốn làm bạn, phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau không thành bạn. Người giảng viên không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết người học, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”[1].

Một vấn đề nữa là giảng bài chính là làm cho người học nghe rõ và hiểu rõ nội dung cho nên những cố tật như nói lắp, nói ngọng, nói quá nhanh làm mất tiếng, mất chữ… đều cần được khắc phục, cả những câu nói với giọng lên bổng xuống trầm tuy có thu hút chú ý của người nghe nhưng thường là người nghe bị mất cả đoạn khi giọng xuống quá trầm. Như vậy, phương pháp sư phạm yêu cầu mỗi bài giảng nêu rõ mục đích yếu cầu của bài, tư tưởng chủ yếu của bài, những nội dung chính của bài. Nếu cần thì có đề mục rõ ràng. Cả người dạy và người học phải tuân theo trật tự đó thì mục đích giảng dạy và học tập mới mang lại hiệu quả cao./.


[1] Sửa đổi lối làm việc, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2008, tr.552.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số