Tin mới nhất

Một số khó khăn trong triển khai chương trình trung cấp lý luận chính trị (mới) tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở nhằm trang bị, củng cố cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và năng lực thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu mới đang là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay. Bởi vì, lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cán bộ, đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.(1)

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hệ Trung cấp lý luận chính trị theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày 21/01/2021, thay thế Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 24/01/2014. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho các Trường Chính trị tỉnh trong triển khai khung chương trình mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 05 lớp tập huấn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến dành cho giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Trên cơ sở đó, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã sớm tiếp thu, bám sát nội dung, mục tiêu của chương trình và chỉ đạo chuẩn bị triển khai chương trình mới tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị. Ban giám hiệu đã chỉ đạo các Khoa xây dựng kế hoạch phân công bài giảng cho các giảng viên, đôn đốc các giảng viên tập trung vào công tác soạn giảng, chuẩn bị cho việc ra đề thi hết môn, đề thi tốt nghiệp, câu hỏi thảo luận và đề tài hướng dẫn học viên viết khóa luận tốt nghiệp cuối khóa.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác triển khai chương trình Trung cấp lý luận chính trị (mới) tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, việc triển khai chương trình Trung cấp LLCT (mới) được tổ chức trong thời điểm Trường vẫn đang thực hiện theo chương trình cũ ở một số lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Như vậy, việc thực hiện cùng một lúc hai chương trình trong cùng một thời điểm sẽ gây khó khăn không nhỏ cho việc quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, còn gây khó khăn cho giảng viên trong cùng một lúc phải thực hiện giảng dạy hai chương trình song song ở các hệ lớp khác nhau.

Thứ hai, nội dung chương trình mới so với chương trình cũ có nhiều đổi mới, nhiều bài mang tính tổng hợp và khái quát cao, có những chuyên đề mới hoàn toàn mà ở những chương trình trước đây chưa hề có; đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên sâu và cần có thời gian nhất định để đào sâu nghiên cứu. Số tiết trong mỗi bài tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần so với bài giảng chương trình cũ. Bên cạnh đó, giảng viên phải giảng song song hai chương trình và phải đảm nhận thêm nhiều bài mới nên không có nhiều thời gian để thẩm thấu kiến thức và đầu tư soạn giảng, ra đề thi, đề tài hướng dẫn khóa luận. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng một số bài giảng.

Thứ ba, việc phân công bài giảng và phân bổ nội dung chương trình về các khoa cũng sẽ rất khó khăn, vì nếu phân bổ đúng theo nội dung chương trình theo định hướng của Học viện thì có khoa sẽ đảm nhận rất nhiều phần, có khoa lại đảm nhiệm ít phần hơn; như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng không đồng đều số bài, số tiết giữa các khoa. Bên cạnh đó, một số giảng viên phải đảm nhận một số bài không đúng chuyên ngành đào tạo sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác giảng dạy.

Thứ tư, giáo trình là cơ sở pháp lý cho việc giảng dạy của giảng viên nhưng đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được giáo trình chương trình mới. Việc soạn giảng hiện nay dựa theo giáo trình file word được sử dụng trong chương trình tập huấn của Học viện. Điều này gây khó khăn cho cả giảng viên trong việc soạn giảng và cả học viên trong quá trình học tập và thi cử.

Thứ năm, việc đa dạng hóa các hình thức thi hết phần học như tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm sẽ rất khó khăn vì thời gian đầu chưa thể xây dựng kịp ngân hàng đề thi trắc nghiệm của các phần học. Do đó, hình thức thi chủ yếu sẽ là tự luận và vấn đáp.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, để tổ chức thực hiện chương trình Trung cấp lý luận chính trị (mới) đạt hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường tiếp tục quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức giảng dạy, quản lý ở các lớp trong tình hình thực hiện song song hai chương trình. Cần lên kế hoạch cụ thể về lịch trình, thời gian, đẩy nhanh tiến độ đối với các lớp đang còn thực hiện chương trình cũ để tạo sự chủ động và tập trung cho các khoa trong công tác giảng dạy theo chương trình mới. Bên cạnh đó, thông báo, tạo điều kiện cho học viên ở các lớp đang học chương trình cũ để  nắm tình tình hình và chủ động sắp xếp thời gian, tham gia đầy đủ các môn học, phần học để tránh tình trạng nợ bài, nợ môn.

Thứ hai, Ban Giám hiệu tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc phối hợp giữa các phòng, khoa trong kế hoạch xây dựng lịch giảng dạy; phối hợp giữa các khoa trong các khâu như: phân công bài giảng, khâu ra đề thi, chấm thi, đề tài khóa luận tốt nghiệp… tránh tình trạng trùng lắp hoặc bỏ sót nội dung, nhất là khâu ra đề thi, đề tài hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục triển khai và đôn đốc các giảng viên đẩy nhanh tiến độ soạn giảng bài mới, xây dựng đề thi và hình thức thi phù hợp để chủ động, kịp thời trong công tác giảng dạy cũng như góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Thứ tư, Nhà trường tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành Hướng dẫn cụ thể thực hiện Quy chế đào tạo cho chương trình (mới) theo hướng đảm bảo thực hiện đúng Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phù hợp với mục tiêu đào tạo và điều kiện, hoàn cảnh của Trường để giảng viên, viên chức có cơ sở pháp lý khi tổ chức thực hiện chương trình mới một cách đúng đắn.

Thứ năm, bản thân mỗi giảng viên cũng cần chủ động, tích cực, sắp xếp thời gian, cập nhật và bổ sung kiến thức mới nâng cao chất lượng trong công tác soạn giảng cũng như các công việc có liên quan nhằm đảm bảo các điều kiện để triển khai chương trình (mới) một cách đồng bộ, thông suốt và mang lại hiệu quả cao nhất.

Như vậy, việc triển khai chương trình mới theo yêu cầu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian tới, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, các phòng, Khoa, bản thân mỗi viên chức cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo triển khai chương trình mới đạt chất lượng, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới./.


 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 273-274


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số