Tin mới nhất

Hội nghị Trung ương lần thứ Tư với vấn đề xây dựng Đảng

 Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung Quy định số 47 ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Đây là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ Tư (Khóa XIII) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 04 đến ngày 07/10/2021.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là khi bước vào thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta thường xuyên quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã xác định rõ: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn  Đảng là then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta”. Không phải ngẫu nhiên  mà trong 3 nhiệm kỳ liên tục (Khóa XI, XII, XIII) đều lấy Hội nghị lần thứ Tư BCH Trung ương (TW) bàn về vấn đề xây dựng Đảng. Nhờ đó, đa số cán bộ đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó như Nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Đến Nghị quyết TW4 Khóa XII đã chỉ ra 27 nội dung biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những biểu hiện đó dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung chủ yếu vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước, làm cho dân bất bình, gây ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng. Trong sự suy thoái thì điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng chỉ rõ “Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng”. Tình trạng suy thoái tư tưởng, phẩm chất đạo đức là căn nguyên cơ bản của tệ nạn tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác. Đây là điều mà người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh trong nhiều Hội nghị Trung ương, kể cả Trung ương lần thứ Tư này. Nếu không được khắc phục, tình trạng này sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan tác động, khi đất nước ta nói chung và địa phương Bình Thuận đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân thực dụng, thực hiện hành vi tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công để làm giàu bất chính; mặt khác, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" khoét sâu, đẩy nhanh “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy vậy xét cho cùng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, đề cao chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, thậm chí phủ nhận các thành quả cách mạng và giá trị truyền thống của dân tộc. Cùng với đó là việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số cơ sở đảng làm chưa thấu đáo, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn có tình trạng nể nang. Tệ chạy chức, chạy quyền chưa được ngăn chặn triệt để, do đó còn để lọt những người kém phẩm chất đạo đức lọt vào vị trí nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở những cơ quan, tổ chức dễ phát sinh tiêu cực.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, Đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái và xử lý tiêu cực trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng, rõ nét nhất là Nghị quyết TW4 (Khóa XI), TW4 (Khóa XII) và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, có hiệu quả. Đó là thể hiện sự nghiêm minh, kiên quyết, không khoan nhượng đối với bất cứ ai, từ những cán bộ giữ vị trí lãnh đạo cấp cao ở Trung ương đến lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, có sai phạm đều bị xử lý, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa XII đã có 87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật, trong đó có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương và 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Theo báo cáo gần đây nhất (05/8/2021) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Những ngày gần đây, Ban Bí thư đã nghiêm khắc quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 và kỷ luật 9 tướng lĩnh, trong đó khai trừ Đảng với 2 thiếu tướng và cách toàn bộ chức vụ trong Đảng với 7 tướng lĩnh khác thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tại Bình Thuận, nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2015 – 2020 có 20 đảng viên bị xử lý kỷ luật do sai phạm về tài chính, đất đai, nhất là một số cán bộ chủ chốt ở TP Phố Phan Thiết sai phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua đó tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy vậy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong Hội nghị Trung ương lần này là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường”.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Hội nghị TW4 đã phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Hy vọng sau Hội nghị lần này, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục có những bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nhằm không ngừng làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số