Thực hiện Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban hành kèm theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 02/5/2019; Quy chế Quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban hành kèm theo Quyết định số 4874-QĐ/HVCTQG ngày 30/9/2020 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; để việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường không đứt gãy, gián đoạn và đảm bảo phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh trong năm 2021 với hình thức linh hoạt kết hợp giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Nhờ đó, Trường vừa thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ viên chức, người lao động và học viên.
Kể từ cuối tháng 6/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát phức tạp hơn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bên cạnh đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản hướng dẫn về hoạt động giảng dạy trực tuyến (Công văn số 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021 về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị tỉnh cấp tỉnh); đây là cơ sở để nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng toàn diện bằng hình thức trực tuyến gắn với tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trường đã triển khai giảng dạy ở 31 lớp/2.433 học viên; trong đó Trường thực hiện giảng dạy trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams ở 28 lớp/1.962 học viên (hệ đào tạo 22 lớp/1.543 học viên và hệ bồi dưỡng 06 lớp/419 học viên). Riêng từ tháng 5/2021, hoạt động thi và kiểm tra kết thúc phần học tạm dừng và chuyển sang hình thức viết bài thu hoạch cho tất cả các lớp hệ đào tạo và hệ bồi dưỡng. Đối với thi tốt nghiệp cuối khóa đã chuyển sang hình thức viết khóa luận tốt nghiệp cho 04 lớp trung cấp lý luận chính trị (03 lớp hệ không tập trung và 01 lớp hệ tập trung).
Việc tổ chức lớp học và quản lý hoạt động học trực tuyến của học viên được chủ nhiệm lớp theo dõi trong từng buổi học khá chặt chẽ, nghiêm túc. Theo đó, công tác quản lý lớp được tăng cường thông qua sự kết nối giữa giảng viên đứng lớp, chủ nhiệm lớp với học viên. Chủ nhiệm lớp theo dõi học viên bằng cách tham gia trực tiếp vào buổi học hoặc thông qua kết quả trích xuất danh sách người tham dự buổi học từ phần mềm Microsoft Teams do người giảng cung cấp.
Nhìn chung, quá trình tổ chức và quản lý đào tạo trực tuyến ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua luôn thể hiện tính kịp thời, chặt chẽ, khoa học và đảm bảo thực hiện đúng nội dung chương trình đào tạo, tiến độ mở lớp theo quy định. Đến nay, hoạt động dạy và học tập trực tuyến đối với các hệ lớp ở Trường đã đi vào nề nếp, ổn định và bước đầu đạt hiệu quả. Đa số học viên xác định việc học trực tuyến là cần thiết, từ đó có thái độ học tập nghiêm túc, tham gia thảo luận sôi nổi.
Tuy nhiên, việc giảng dạy với hình thức trực tuyến cũng còn những hạn chế như: giảng viên khó bao quát toàn diện lớp học, sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực chưa được đa dạng; sự tương tác giữa giảng viên và học viên cũng còn hạn chế; ý thức học tập của một số ý học viên chưa thật nghiêm túc; điều kiện học tập của một số học viên còn khó khăn (đường truyền không ổn định, không có máy tính…).
Thiết nghĩ trong thời gian đến, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục linh hoạt kết hợp giữa hình thức trực tiếp, trực tuyến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường và cần thực hiện một số giải pháp sau để góp phần nâng cao chất lượng dạy - học trong điều kiện giảng dạy trực tuyến:
Thứ nhất, nhà trường tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy phù hợp với hình thức dạy trực tuyến. Nâng cấp đường truyền, sắp xếp phòng dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của Trường.
Thứ hai, đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cử CB, CC, VC tham gia học tập: cần tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho học viên để an tâm học tập. Đồng thời, cần duy trì thông tin 2 chiều với nhà trường để nắm bắt tình hình cụ thể của CB, CC, VC đang thực hiện nhiệm vụ học tập.
Thứ ba, đội ngũ giảng viên: tiếp tục nghiên cứu, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong việc thiết kế bài giảng. Tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để đảm bảo gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong bài giảng. Mỗi giảng viên phải luôn trau dồi chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, năng lực chuyên môn, kiến thức thực tiễn, nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.
Thứ tư, về quản lý học viên: chặt chẽ, đúng theo quy chế. Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, Tổ Thanh tra giáo dục tăng cường giám sát quá trình lớp học diễn ra; chủ nhiệm lớp cần phối hợp với giảng viên đứng lớp theo dõi, quản lý lớp học chặt chẽ và thường xuyên nắm bắt nguyện vọng của học viên, đề xuất với Ban Giám hiệu trường những giải pháp khắc phục khó khăn theo đặc thù của từng lớp.
Thứ năm, trong đánh giá kết quả học tập của học viên: tiếp tục thực hiện công bằng, khách quan. Triển khai đánh giá kết quả thi, kiểm tra hết phần học bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến; đối với bài thu hoạch tiếp tục đánh giá cao phần liên hệ thực tiễn của học viên; tiếp tục đánh giá kết quả cuối khóa học bằng hình thức viết khóa luận tốt nghiệp.
Thứ sáu, đối với học viên: phải xác định học lý luận chính trị là nhiệm vụ được tổ chức giao; do vậy cần xác định tốt tinh thần, trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, tránh tình trạnh ghi danh cho có và học theo kiểu đối phó. Học viên phải mở camera trong suốt buổi học, trường hợp phương tiện học tập của học không có camera thì phải báo cho chủ nhiệm lớp biết và tương tác với giảng viên qua tin nhắn trong Teams./.