Tin mới nhất

Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể với việc thực hiện Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Khoản 2 Điều 4 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.

Di sản văn hóa vật thể chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, điêu khắc, mỹ thuật truyền thống… mang đậm giá trị bản sắc văn hóa riêng, thể hiện trong đời sống sinh hoạt văn hóa của từng tộc người. Danh lam thắng cảnh chứa đựng những giá trị về lịch sử hình thành địa chất, địa mạo của các vùng đất ở Bình Thuận; là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người nơi đây; mang những vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn và luôn lôi cuốn, thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến khám phá, thưởng ngoạn.

Di sản văn hoá ở Bình Thuận luôn được các thế hệ tiếp nối trong các cộng đồng dân tộc, gìn giữ, trao truyền các giá trị truyền thống; đồng thời bồi đắp, sáng tạo bổ sung những giá trị mới cho phù hợp với môi trường xã hội và tâm linh trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong thời gian qua, nhiều di sản văn hóa tiêu biểu đã được khai thác, phát huy giá trị theo chiều hướng phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng ở Bình Thuận đến với du khách và thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển. Bên cạnh đó công tác quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là đối với di sản văn hóa vật thể theo Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng đã đạt được một số kết quả nhất định:

Về xếp hạng di tích: tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 72 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 44 di tích, danh thắng cấp tỉnh).

Về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: đã có 25/28 di tích, danh thắng quốc gia và 27/44 di tích cấp tỉnh được đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và kinh phí xã hội hóa do Nhân dân đóng góp.

Về ngăn chặn vi phạm di tích: công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích về cơ bản được thực hiện đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Quyết định số 56/2015/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý di tích và Quy chế quản lý và hoạt động của Ban Quản lý di tích đối với các di tích quốc gia và cấp tỉnh. Tình trạng vi phạm di tích như: Lấn chiếm, chuyển nhượng hoặc tranh chấp đất đai bất hợp pháp giữa di tích với các tổ chức, cá nhân; tự ý tháo dỡ, xây dựng, sửa chữa, cơi nới trái phép… được ngăn chặn kịp thời và không có tình trạng vi phạm xảy ra.

Về bảo vệ di vật, cổ vật: Ban Quản lý di tích quốc gia và cấp tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ các di vật, cổ vật lưu giữ, thờ phụng tại di tích. Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng hư hỏng, mất mát, trộm cắp, mua bán di vật, cổ vật tại các di tích.

Về phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể: các hoạt động thờ tự, tổ chức lễ hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân địa phương và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch các di tích, danh thắng quốc gia và cấp tỉnh cơ bản chấp hành tốt theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Nhiều di tích, danh thắng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn có sức thu hút đông đảo Nhân dân và du khách, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Các di tích lịch sử - văn hóa, damh lam thắng cảnh đã được xếp hạng đều thành lập Ban Quản lý di tích, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, mặt trận và các đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại di tích.

Trong những năm qua, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống, văn hóa tiêu biểu của địa phương đã được nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, giới thiệu, quảng bá phát triển hoạt động du lịch văn hóa, đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến Bình Thuận, lượng khách năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng thu ngân sách của tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. 

Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh của địa phương đều được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và nghiêm cấm mọi vi phạm gây tác động, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, không gian và cảnh quan môi trường của di tích, danh thắng. Qua đó, bước đầu bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể địa phương, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể của tỉnh nhà trong những năm qua, thì công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế nhất định như:

Hầu hết các di tích, danh thắng quốc gia và cấp tỉnh tuy đã được tu bổ, tôn tạo nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên chỉ mang tính chất chống xuống cấp là chính; chưa đáp ứng để triển khai tu bổ, tôn tạo đảm bảo tính đồng bộ, khôi phục lại các yếu tố nguyên gốc, môi trường cảnh quan và nét trang nghiêm của di tích, danh thắng. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của các cấp chính quyền cơ sở (huyện và xã) có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nghiêm túc, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính quyền và ngành chức năng cấp tỉnh.

Chưa huy động các nguồn lực của toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; do đó, hiệu quả của công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh còn nhiều mặt hạn chế.

Nhằm khắc phục công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể của tỉnh nhà theo Luật Di sản văn hóa thì trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đã đề ra những giải pháp:

Một là, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa. 

Hai là, duy trì, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

Ba là, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong khai thác lợi thế từ các di sản trên địa bàn tỉnh

Bốn là, huy động mọi nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Năm là, thường xuyên tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Cùng với việc xếp hạng, hàng năm các ngành chức năng đều thành lập đoàn đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng ở các di tích để xin chủ trương, kinh phí trùng tu, tôn tạo nhằm phục hồi giá trị cho các di tích có hiện tượng xuống cấp.

Di sản văn hóa vật thể cùng với ngành du lịch trở thành một “ngành sản xuất”, chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh ta. Vì vậy, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể là nhiệm vụ trọng tâm trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa của dân tộc./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số