Tin mới nhất

Vững tin theo con đường mà Bác Hồ đã chọn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất; Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, là người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người có vai trò lớn lao đối với sự phát triển của lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại. Với tầm nhìn thời đại, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc – từ thân phận nô lệ trở thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cuối thế kỉ XIX, nước Việt Nam phong kiến độc lập đã biến thành nước thuộc địa, nửa phong kiến do sự xâm lược của thực dân Pháp. Một lẽ tự nhiên, sự phản kháng của nhân dân thể hiện qua các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp theo những khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc liên tiếp đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm và bọn bán nước. Vào thời kỳ đầu, sau khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ đã diễn ra các cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới sự lãnh đạo của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân... nhưng đều thất bại. Sau đó, các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân... đã diễn ra và cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng là đỉnh cao của phong trào Cần Vương. Thất bại của cuộc khởi nghĩa này vào năm 1895 đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ kháng chiến chống thực dân trong khuôn khổ ý thức hệ phong kiến.

Từ đầu thế kỷ XX đã nổi lên các phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản như phong trào Đông Du (1904-1908) do Phan Bội Châu lãnh đạo, phong trào Đông kinh Nghĩa thục do Phan Châu Trinh, Lương Văn Can khởi xướng (1907); khởi nghĩa Yên Bái (1930) do Nguyễn Thái Học lãnh đạo... nhưng rốt cuộc cũng không thành công.

Bế tắc và thất bại của các phong trào yêu nước trên đây là do nền tảng tư tưởng không phù hợp. Hầu hết các phong trào chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, không có sự liên minh với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Lịch sử lúc này đặt ra một yêu cầu mới, đó là giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Giữa lúc đó xuất hiện đường lối giải phóng dân tộc kiểu mới do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng. Từ năm 1911 Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Khi ấy anh Ba tên gọi của Bác Hồ lúc đó ra đi với lòng yêu nước cháy bỏng và sự nhạy bén chính trị tuyệt vời ẩn sau một thân phận rất đổi bình thường - người phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp, nhưng theo thời gian thực tiễn lịch sử đã khẳng định đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo đi tìm chân lí giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Và thật là kì diệu đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện lớn lao, một mốc son đánh dấu giai đoạn lịch sử vẻ vang mở ra cuộc hành trình của dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng kiên cường đấu tranh giành độc lập.

Nguyễn Tất Thành rất khâm phục ý chí đấu tranh giành độc lập của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành đường lối cứu nước của họ. Người đi sang phương Tây nhưng không phải đi tìm chỗ dựa hoặc cầu viện các thế lực bên ngoài để cứu nước, mà là đi xem các nước làm như thế nào về giúp đồng bào mình. Quyết định sang Pháp là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, thể hiện rõ tầm nhìn, tư duy độc lập, sáng tạo của người. Hồ Chí Minh đã mở tầm nhìn ra thế giới, mà là thế giới phương Tây chứ không quẩn quanh khu vực châu Á hàng ngàn năm ngự trị chế độ phong kiến bế quan toả cảng, Người đã thể hiện rõ bản lĩnh ra nước ngoài xem cho rõ tới tận nguồn, không choáng ngợp trước văn minh phương Tây.

Nguyễn Ái Quốc người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua thực tế Cách mạng tháng Mười và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê nin vào tháng 7/ 1920. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam. Đến với luận cương của Lênin đã hoà quyện, đã gieo vào nhu cầu, khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc một sức sống mới. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã tạo ra sự biến đổi mang tính chất bước ngoặt căn bản về chất trong tư tưởng, tình cảm quan điểm lập trường, phương pháp và hành động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, giúp Người tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin, từ người đi tìm đường trở thành người chỉ đường, dẫn đường của cả dân tộc.

Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin – đỉnh cao của tư duy, trí tuệ, khoa học loài người, với tư duy độc lập, tự chủ, đổi mới sáng tạo và tầm nhìn chiến lược; Hồ Chí Minh không dừng ở đỉnh cao mà còn tiếp tục phát triển đỉnh cao lên đỉnh cao mới, kiên trì, tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo, góp phần làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chủ nghĩa Mác – Lênin tác động mạnh mẽ sâu sắc toàn diện đến cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cách mạng nước ta đã đạt được những thành quả to lớn với ý nghĩa lịch sử: Cách mạng tháng 8/1945; kháng chiến thành công chống thực dân Pháp (1954) và đánh đuổi đế quốc Mĩ xâm lược (1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước (1986 – 2021) đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để phát triển đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, trong suốt 35 năm qua nền kinh tế nước ta liên tục phát triển tốc độ tương đối cao với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, quy mô GDP không ngừng được mở rộng đã đạt 342,7 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3512 USD (2020). Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước trước đây bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2019 chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704 thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới. Với những kết quả trên đây chúng ta có thể nói rằng đất nước Việt Nam ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu to lớn có ý nghĩa trên đây là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch tiếp tục âm mưu “diễn biến hòa bình” tiến tới gây bạo loạn lật đổ hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đây là nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam. Chúng coi lĩnh vực tư tưởng, lý luận là lĩnh vực quan trọng hàng đầu để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chúng liên tục xuyên tạc, phủ nhận một cách toàn diện hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng tiếp tục rêu rao Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần, không ai còn ai tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin hòng làm lung lạc, nhiễu loạn tư tưởng xã hội. Riêng với chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch ra sức bóp méo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người. Chúng vu cáo chủ tịch Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin là “sai lầm của lịch sử” vì vậy không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Mục đích của chúng là làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng, muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực phản động, đối với đội ngũ giảng viên nhà trường phải thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trước hết, đội ngũ giảng viên phải là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng này. Để trở thành lực lượng nòng cốt thì mỗi giảng viên phải ra sức nghiên cứu nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác, phê phán, ngăn chặn có hiệu quả các quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Khẳng định Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, và tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số