Hàng năm, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận thường tổ chức những buổi hội thảo khoa học cấp trường nhân các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; hoặc nhân kỉ niệm ngày sinh, ngày mất của các vị lãnh tụ của nhân loại và đất nước… Do vậy, các hội thảo khoa học ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận vừa thể hiện sự đa dạng về chủ đề, vừa phong phú về nội dung, thu hút đông đảo đội ngũ giảng viên, viên chức tham gia viết bài. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia viết bài tham luận của một số cá nhân ở các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh nhằm giúp giảng viên, viên chức nhà trường nâng cao nhận thức chính trị và chất lượng công tác góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn ngày càng cao của nhà trường trong tình hình hiện nay.
Có thể thấy, các bài hội thảo là tập trung trí tuệ của tập thể giảng viên, viên chức của nhà trường. Các hội thảo khoa học được tổ chức là cơ hội chắp thêm tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu, trao đổi và kỹ năng lựa chọn nội dung phù hợp với chủ đề. Cũng qua hội thảo, nhiều kiến thức mới được gợi mở, đào sâu ở nhiều khía cạnh, góc độ hiểu biết khác nhau để giảng viên tiếp tục tìm hiểu, đi đến bản chất, tận cùng của vấn đề. Trong những năm gần đây, số lượng bài viết tham gia hội thảo ngày càng tăng và chất lượng bài khá đảm bảo về cả nội dung lẫn hình thức. Trong đó, có nhiều bài viết đạt chất lượng tốt, được hội thảo đánh giá cao, phản ánh đúng yêu cầu của chủ đề hội thảo. Đồng thời có sự đầu tư, nghiên cứu khá công phu, bài bản. Điều này không chỉ thể hiện ở các giảng viên gạo cội, mà nhiều giảng viên trẻ cũng thể hiện được khả năng nghiên cứu, viết bài khá tốt.
Các buổi hội thảo thường đi sâu vào đánh giá, phân tích, mổ xẻ, từng vấn đề có liên quan được quy định ở chủ đề. Nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét rất có giá trị. Nhìn chung, các cuộc hội thảo khoa học của nhà trường diễn ra đúng trình tự, qui mô, cách thức và đạt yêu cầu về chất lượng.
Những năm gần đây, đội ngũ tham gia viết bài cho hội thảo khoa học cấp trường nhiều, trong đó có nhiều các cây viết trẻ, nên ít nhiều còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm trong viết bài nghiên cứu khoa học, do đó bộc những hạn chế nhất định: một số tác giả viết bài hội thảo như viết bài báo, hoặc viết như một báo cáo; một số bài hội thảo lại thiếu đầu tư nghiên cứu nên nội dung sơ sài, hình thức cũng chưa đảm bảo, cá biệt, có một số tác giả viết bài hội thảo nhằm mục đích chạy công trình khoa học nên không thật sự đảm bảo chất lượng; ngoài ra, lỗi thường mắc của các tác giả là việc trích dẫn nguồn chưa chính xác, hoặc thiếu nguồn trích; một số bài nặng về lý luận, ít có vận dụng, liên hệ thực tế đơn vị hoặc bản thân; một số bài khác giữa nội dung và tên tiêu đề đặt ra còn chưa phù hợp....
Phần lớn các buổi hội thảo diễn ra theo trình tự: tuyên bố lý do, chủ trì lựa chọn một số bài viết nổi bật theo các nhóm khai thác nội dung để tác giả trình bày - đây là phần chiếm khá nhiều thời gian. Ở phần thảo luận, chỉ có vài ý kiến đánh giá một cách chung chung, đại khái về mặt đạt và chưa đạt. Thông thường, phần thảo luận chỉ chiếm 1/3, hoặc 1/4 thời gian của toàn buổi hội thảo. Cuối buổi hội thảo, chủ trì nêu ý kiến kết luận về những mặt đạt được và một số vấn đề cần lưu ý trong Hội thảo.
Từ thực tế trên, để chất lượng các hội thảo khoa học cấp trường ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận ngày càng được nâng cao, theo tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ở khâu chuẩn bị viết, để một bài hội thảo có chất lượng, đòi hỏi giảng viên, viên chức tham gia viết bài phải đầu tư thời gian nghiên cứu chủ đề, sưu tầm tư liệu, tìm kiếm thông tin, viết bài phải đảm bảo tiến độ, tránh chạy công trình hoặc “nước đến chân mới nhảy để tránh tạo ra những “sản phẩm” kém chất lượng. Đặc biệt, tác giả cũng nên chú ý giữa nội dung và hình thức của bài hội thảo phải luôn đi đôi với nhau. Nội dung bài viết phải bám sát tiêu đề, câu cú trong bài phải mạch lạc, dễ hiểu, văn phong trôi chảy. Hình thức trình bày đảm bảo phải đúng quy định: canh lề, dãn dòng, trích dẫn nguồn đầy đủ, đúng thể thức…
Thứ hai, ở các cuộc hội thảo khoa học cấp trường, hầu như thời gian dành cho phần trình bày nhiều hơn phần đánh giá, phân tích, thảo luận; như vậy sẽ không đảm bảo sự cân bằng về thời gian giữa các phần trong một buổi hội thảo. Nên dành thời gian nhiều hơn cho phần tranh luận và trình bày ý kiến, cần phát huy chính kiến của cá nhân và tập thể xung quanh chủ đề đã được đưa ra; người chủ trì cần đặt ra những nội dung cần trao đổi để tạo không khí tranh luận sôi nổi, càng nhiều ý kiến phát biểu, ý kiến đóng góp, tranh luận càng tốt; như vậy mới có cơ hội tìm ra được nhiều điều mới mẻ, ý tưởng mới trong buổi hội thảo. Muốn vậy, tất cả bài viết tham dự hội thảo sẽ được tập hợp thành file và gửi đến tất cả thành viên tham dự, không nhất thiết in thành tập tài liệu để tránh lãng phí.
Thứ ba, đối với những bài viết tham gia hội thảo nào chưa đạt chất lượng sẽ được góp ý cụ thể trên tinh thần cầu thị, cởi mở để người viết tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách trách nhiệm và thoải mái. Có như vậy, người viết thấy rõ ưu, khuyết điểm của mình để khắc phục, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa bài hội thảo tốt hơn. Chủ trì tránh nhận xét chung chung, không chỉ rõ hạn chế của từng bài viết khiến tác giả có thể lúng túng, khó hiểu, khó tiếp thu.
Thứ tư, về phía người tham dự phải thật chú ý, không nên làm việc riêng trong khi tham dự hội thảo. Người tham dự hội thảo không chỉ chờ đến lượt mình đọc bài mà phải lắng nghe các tác giả khác trình bày để đưa ra nhận xét hoặc tranh luận bằng chính kiến của bản thân. Đặc biệt, các đồng chí trẻ, ít có kinh nghiệm viết bài cũng cần trao đổi những vấn đề đang băn khoăn, vướng mắc để có sự hỗ trợ, giải đáp kiến thức từ những đồng chí có kinh nghiệm, dày thực tiễn. Không nên trong một buổi hội thảo, những ý kiến phát biểu chỉ tập trung vào các đồng chí lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm.
Nâng cao chất lượng hội thảo khoa học cấp trường là đòi hỏi tất yếu đối với các trường chính trị nói chung. Kết quả nghiên cứu khoa học bao giờ cũng cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu, kiên trì học hỏi. Điều đó, đòi hỏi mỗi giảng viên, viên chức phải đầu tư nghiêm túc về chất xám, thời gian để tạo ra những “sản phẩm” thật sự có giá trị./.