Tin mới nhất

Bình Thuận tổng kết thực hiện hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo Luật Di sản văn hóa

Khoản 1 Điều 1 của Luật số 32/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 quy định: Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.

Di sản văn hóa phi vật thể là sự kết tinh của những tập quán, kỹ năng, tri thức dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Giống như dòng chảy ngầm kết nối các thế hệ, di sản văn hóa phi vật thể không chỉ được các cộng đồng bảo tồn, gìn giữ mà còn phát huy giá trị và tái sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh xã hội cũng như nhu cầu của con người trong từng thời kỳ. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh điều kiện về kinh tế - xã hội..., cộng đồng nào biết trân trọng những giá trị truyền thống của cha ông, cộng đồng đó sẽ bảo tồn tốt di sản. Ngược lại, có những cộng đồng không ý thức được về quyền và giá trị của di sản mình nắm giữ, sẽ khiến di sản đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến mất hoàn toàn; đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể.

Di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Thuận được biểu hiện đa dạng về loại hình, phong phú về thể loại được sản sinh, hình thành trong môi trường văn hóa dân gian, phong tục tập quán xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở trong tỉnh theo tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Trong những năm qua để bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà, nhất là trong điều kiện thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa1, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện quản lý nhà nước trong việc bảo tồn. phát huy giá trị các di sản phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhà với những kết quả tích cực2

Về Kiểm kê, ghi danh di sản văn hóa phi vật thể

Quá trình triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng tỉnh đã tổ chức khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu và tư liệu hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh; đặc biệt, là các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một và có xu hướng mất dần theo thời gian. Trên cơ sở đó, thực hiện phân loại, đánh giá giá trị và lựa chọn những loại hình văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong năm 2011 - 2012 đã triển khai thực hiện Đề án “Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Kết quả đã kiểm kê được 1.314 di sản văn hóa phi vật thể (thuộc 7 loại hình) của các dân tộc trong tỉnh. Từ năm 2013 - 2020, tiếp tục tiến hành kiểm kê bổ sung văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 1.321 di sản văn hóa.

Đã triển khai thực hiện 2 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: “Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận” năm 2012; “Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận” năm 2019.

Đang triển khai xây dựng hồ sơ Lễ hội dinh Thầy Thím, Lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn tỉnh Bình Thuận trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021.

Phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UESSCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong thời gian đến.

Triển khai thực hiện 2 Đề án: “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030”; Đề án “Kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

Triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” và Ủy ban nhân tỉnh đã phê duyệt Đề án và ban hành thực hiện từ tháng 8/2021. Đang triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú phục vụ phát triển du lịch” trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt và ban hành thực hiện bắt đầu từ năm 2022.

Triển khai thực hiện nhiều đề tài/dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội truyền thống của các dân tộc trong tỉnh; trong đó, triển khai thực hiện 5 đề tài thuộc Chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 4 đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận.

Năm 2017, tổ chức nghiên cứu và nâng tầng Lễ hội Giỗ Tổ các Vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong từ lễ hội tổ chức ở không gian địa phương thị trấn Phan Rí Cửa thành lễ hội cấp tỉnh; từ đó đến nay, Lễ hội được duy trì tổ chức đều hàng năm để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân trong tỉnh và du khách.

Về truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Việc truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng luôn được các chủ thể văn hóa quan tâm, chú trọng đúng mức trong việc trao truyền bí quyết thực hành cho thế hệ trẻ đương thời để tạo nên một sự kết nối trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; vì thế nguy cơ bị thất truyền, mai một, biến thể di sản văn hóa phi vật thể cũng được hạn chế. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội, nghề thủ công truyền thống… được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Năm 2011, thực hiện Lớp “Truyền dạy nhạc cụ truyền thống của người Chăm huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận” Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa Dân gian thuộc Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam tài trợ cho 25 học viên là con em người Chăm theo học. Lớp tổ chức truyền dạy bao gồm cả phần lý thuyết và thực hành 3 loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm gồm: trống Ginăng, trống Baranưng và kèn Saranai. Thời lượng lớp học cho 3 loại nhạc cụ nói trên là 180 tiết và kéo dài trong thời gian 3 tháng. Lớp truyền dạy nhạc cụ Chăm đã mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng người Chăm trong việc bảo vệ, gìn giữ vốn nghệ thuật dân gian truyền thống của cộng đồng. Đã tác động và tầm ảnh hưởng của nó đối với xã hội là rất lớn, đặc biệt là cộng đồng người Chăm rất đồng tình hưởng ứng và hoan nghênh. Lớp học còn có tác dụng hâm nóng lại nhiệt huyết không chỉ đối với các nghệ nhân và các thế hệ trẻ trong việc truyền dạy và học tập nhạc cụ truyền thống của dân tộc; mà còn tạo động lực để khuyến khích họ có thêm cảm hứng và sáng tạo trong việc truyền dạy nhạc cụ đúng với trọng tâm, tâm lý và nhu cầu học hỏi của các học viên.

Về tôn vinh nghệ nhân

Đến nay, trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể toàn tỉnh Bình Thuận được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu có 1 nghệ nhân nhân dân của loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng (thực hiện nghi lễ của người Chăm Bà La Môn ); 15 nghệ nhân ưu tú ở các loại hình như: Nghệ thuật trình diễn dân gian (Đờn ca tài tử, làm nhạc cụ và biểu diễn trống Chăm, nghệ thuật múa dân gian Chăm), tri thức dân gian (nghề dệt truyền thống Chăm, nghề làm gốm truyền thống Chăm). 

Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà trong những năm qua, thì công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế nhất định như:

Một là, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh tuy đã được thể chế hóa, nhưng từ văn bản đến thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu những giải pháp khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số di sản văn hóa phi vật thể quý giá của các dân tộc trong tỉnh đã và đang bị mai một, biến thể, mất mát khó có điều kiện và khả năng để phục hồi.

Hai là, một số chủ thể đang gìn giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; do đó, trong quá trình phối hợp tổ chức thực hiện Luật Di sản văn hóa còn thụ động và hiệu quả đưa lại còn nhiều hạn chế.

Ba là, nguồn kinh phí nhà nước cấp, đầu tư cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trong tỉnh còn khiêm tốn, còn thấp so với thực trạng về số lượng các di sản văn hóa khá đa dạng, phong phú về loại hình và mức độ mai một dần theo thời gian ngày càng nhiều.

Nhằm khắc phục công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà theo Luật Di sản văn hóa thì trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận đã đề ra những giải pháp:

Một là, chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nói chung, công tác thực thi chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để xây dựng và tổ chức thi hành Luật và văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực thi chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Hai là, các cấp, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân; từ đó nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm và đảm bảo hiệu quả trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa. 

Ba là, tiếp tục quan tâm đầu tư và hỗ trợ ngân sách thỏa đáng để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đảm bảo hiệu quả.

Bốn là, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân từ tỉnh đến ở cơ sở có đủ khả năng tổ chức, duy trì thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa./.


(1) Một số văn bản: Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Nghị định 98/2010-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

(2) Báo cáo số: 2127/BC-SVHTTDL, ngày 27/8/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận về Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số