Tin mới nhất

Thành phố Phan Thiết thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong đại dịch Covid -19

Cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị nói chung đang gồng mình chống dịch Covid-19, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết nói riêng đang nỗ lực hết sức để vừa “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 cũng chuyển sang giai đoạn mới. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ cũng ban hành thêm các chính sách mới tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện giãn cách xã hội. Với tinh thần khẩn trương, tích cực, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và sớm cho chủ trương về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa... trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh để hướng dẫn UBND các phường, xã thực hiện (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn hướng dẫn số 1029/LĐTBXH ngày 28/7/2021). Song song đó, UBMTTQVN thành phố cũng đã xây dựng Kế hoạch số 64/KH-MTTQBTT ngày 30/8/2021 giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ tại 6 phường: Đức Thắng, Đức Nghĩa, Phú Thủy, Phú Hài, Lạc Đạo, Mũi Né.

Các cơ quan chuyên môn có liên quan của thành phố như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Thuế Phan Thiết và UBND các phường, xã thường xuyên trao đổi, phối hợp để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định. Tạo nhóm zalo để phản ánh, trao đổi thông tin kịp thời.

Tính đến đầu tháng 11/2021, UBND thành phố Phan Thiết đã hỗ trợ: 7.724 đối tượng, số tiền 17.257.320.000 đồng/Đã phê duyệt 15.952 đối tượng, số tiền 34.941.620.000 (kinh phí được tỉnh cấp là 17.447 triệu đồng). Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương: 2.203 lao động, số tiền 8.963.160.000 đồng; trong đó, có 68 người lao động đang mang thai (68 triệu đồng), người lao động đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi: 748 trẻ (748 triệu đồng). Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: 04 lao động, số tiền 6.000.000 đồng; trong đó, người lao động đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi: 02 trẻ (2 triệu đồng). Chính sách hỗ trợ Hộ kinh doanh: 57 hộ, số tiền 171.000.000 đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): 5.304 lao động, số tiền 7.956.000.000 đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai kịp thời các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ đối với người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền được tăng cường; các cơ quan chuyên môn và UBND các phường, xã đã phối hợp trong việc triển khai thực hiện, tạo điều kiện
cho người lao động thực hiện các thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai các Nghị quyết của Chính phủ vẫn còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện như:  Số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ còn thấp so với dự kiến. Tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn khá chậm. Chưa đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định. Chưa sắp xếp được thời gian để tổ chức kiểm tra các phường, xã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định của UBND tỉnh. Bên cạnh đóthủ tục hồ sơ ở một số chính sách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội khó thực hiện theo quy định nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời; Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ ở các xã, phường, thị trấn chưa được Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ở cấp huyện quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của những tồn tại trên có khách quan lẫn chủ quan như:

Về hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương: Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 02/8 đến ngày 07/9 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ hỗ trợ cho người lao động (danh sách phải có xác nhận của Bảo hiểm xã hội tỉnh; ký thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ với NLĐ; NLĐ mang thai và nuôi con dưới 06 tuổi phải nộp giấy tờ như: Giấy siêu âm, Giấy khai sinh).

Về hỗ trợ cho F0, F1: Các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly phải tập trung điều trị và phục vụ ăn uống cho F0, F1; theo quy định F0, F1 phải nộp một trong các loại giấy tờ như: CMND, BHYT, Giấy khai sinh… để làm hồ sơ nhưng đối tượng không cung cấp được. Quy định về thủ tục hỗ trợ còn nhiều bất cập.

Về hỗ trợ lao động tự do: UBND tỉnh ban hành Quyết định vào ngày 23/8/2021, trong thời gian này thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, người lao động không đi lại được, UBND các phường, xã phải phát đơn và nhận trực tiếp tại nhà đối tượng; đồng thời, các phường, xã phải tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Đối tượng được hỗ trợ theo các Quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh rất lớn nhưng đội ngũ cán bộ tham mưu từ thành phố đến phường, xã rất ít và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng thời điểm nên ảnh hưởng đến công tác tham mưu.

Về tình hình hỗ trợ gạo:

Thực hiện Kế hoạch số 3168/KH-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận về tổ chức tiếp nhận và cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Công văn số 1833/SLĐTBXH-BTTN ngày 26/8/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh; UBND thành phố Phan Thiết đã ban hành Kế hoạch số 5006/KH-UBND ngày 30/8/2021, Quyết định số 4641/QĐ-UBND ngày 30/8/2021 và Công văn số 5088/UBND-VX ngày 06/9/2021 để triển khai việc tiếp nhận và cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Phan Thiết.

Danh sách người dân được hỗ trợ gạo do Ban Điều hành các khu phố, thôn xét duyệt, có sự thống nhất với cấp ủy, Ban Công tác mặt trận, đồng thời được niêm yết công khai tại khu phố, thôn. Đến ngày 15/9/2021, 18/18 phường, xã đã hoàn thành việc cấp phát gạo đến 57.108 người dân, số lượng: 856,620 tấn gạo.

Mặc dù vậy, thời điểm triển khai thực hiện tiếp nhận và cấp phát gạo, thành phố Phan Thiết đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa triển khai công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện các gói an sinh xã hội. Mặt khác, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trong thời điểm toàn tỉnh tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt tại thành phố Phan Thiết có diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp trong khi đó nguồn nhân lực ở cấp cơ sở ít, công việc quá tải đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thực hiện.

Đối với các chính sách an sinh xã hội khác:

Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo thành phố, đã hỗ trợ 1.174 hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi hộ 1 triệu đồng, với tổng số tiền 1.174 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiếp nhận các nguồn hỗ trợ khác như: Gạo: 98,4 tấn; Rau xanh: 90 tấn; Mì tôm: 2.630 thùng; Cá: 5,2 tấn; Đường: 775 kg; Bột ngọt: 36 kg; Trứng các loại: 10.500 quả; Nước mắm: 3.359 lít; Dầu ăn: 300 lít; Sữa: 163 thùng; Quà: 200 suất và dụng cụ y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn… để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính
sách, bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn và người dân trong các khu vực phong tỏa.

Việc tiếp nhận và hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác an sinh xã hội được thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo cơ bản đời sống cho người dân trong thời gian dịch bệnh.

Trong thời gian tới, thành phố Phan Thiết tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm để triển khai nhanh và hiệu quả Nghị quyết đến các đối tượng thụ hưởng. Một trong những giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm là tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ và chi trả trợ cấp cho các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tổ chức kiểm tra các phường, xã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định của UBND tỉnh.

Tất cả những chính sách hỗ trợ mới được ban hành đều là những chính sách chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách và là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống xã hội. Các chính sách này vừa hỗ trợ trực tiếp cho người dân đang gặp khó khăn vừa giảm chi phí cho người sử dụng lao động, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số