Trong hành trình vào Nam để ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học tại Trường dục Thanh (Phan Thiết). Khi ấy, anh mới 20 tuổi. Mặc dù còn rất trẻ và chỉ dạy học ở trường trong thời gian ngắn (từ tháng 9/1910 đến tháng 02/1911) nhưng thầy Thành đã thể hiện rõ những phẩm chất cao quý của người thầy, là tấm gương sáng cho các thế hệ thầy cô giáo sau này noi theo. Đó là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; tình thương yêu, gần gũi học sinh, lòng say mê công việc và ham học hỏi, phương pháp dạy học khoa học, tiến bộ; phong cách sống giản dị, gần gũi, hòa mình với đồng nghiệp, học trò và nhân dân lao động…Chính vì lẽ đó, trong những năm tháng dạy học ở trường Dục Thanh, thầy Thành đã nhận được những tình cảm yêu thương, quý mến, cảm phục của đồng nghiệp, học trò và nhân dân quê hương Phan Thiết. Mái trường này, quê hương này cũng giúp thầy có thêm nhiều trải nghiệm mới, rèn luyện bản thân, tích lũy kiến thức, vốn sống để làm hành trang ra đi tìm đường cứu nước. Phải chăng những phẩm chất cao quý của thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã trở thành người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam sau này!
Tháng 02/1911, thầy Thành tạm biệt mái trường Dục Thanh vào Sài Gòn để thực hiện lý tưởng của người thanh niên yêu nước. Ngày 05/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành lên tàu tạm xa Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm, bước chân Người đã in dấu ở rất nhiều quốc gia, châu lục. Ở đâu anh cũng hòa mình, gần gũi với cuộc sống của nhân dân lao động, nhờ đó hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng, ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ. Đi đến đâu, Nguyễn Tất Thành cũng dày công tự học, tự nghiên cứu, khảo nghiệm, sàng lọc để tìm con đường cứu nước đúng đắn.
Sự kiện tháng 7/1920, Nguyễn Tất Thành (lúc này lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn có ý nghĩa lịch sử to lớn, chấm dứt sự khủng hoảng và bế tắt về đường lối cứu nước của dân tộc. Sự kiện này cũng đánh dấu bước mở đầu của quá trình từ thầy giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng sau này. Trong quá quá trình đó, người đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; mở lớp huấn luyện chính trị, trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp huấn luyện cho 75 học viên rồi cử về nước hoạt động. Đây là đội ngũ cán bộ nòng cốt trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và các luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ theo khuynh hướng cách mạng vô sản; dẫn tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản, điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, cả cuộc đời dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một tài sản vô giá; đó chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
"Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, …. Đó là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…"[1]
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương suốt đời vì dân vì nước; ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn; hết lòng thương yêu, quý trọng, phục vụ Nhân dân; nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, luôn hết mực vì con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị và hết sức khiêm tốn.
Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ với những điểm nổi bật. Đó là: Phong cách tư duy khoa học, cách mạng; hiện đại, độc lập, tự chủ, sáng tạo; hài hòa, uyển chuyển, có lý, có tình. Phong cách lãnh đạo dân chủ, phong cách làm việc khoa học và đổi mới. Phong cách diễn đạt với cách nói, cách biết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, sinh động, gần gữi với cách nghĩ của quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ. Phong cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa. Phong cách sống cần, kiệm, liêm, chính; sống hài hòa, kết hợp nhuẫn nhuyễn văn hóa Đông – Tây; tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã xây dựng và thực hiện đường lối cách mạng theo quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, thể hiện ở các văn kiện do chính Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Từ Đại hội Đảng lần thứ II, Đảng đã kêu gọi: "Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn"[2]. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam là minh chứng hùng hồn khẳng định tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành lại độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ngày nay.
Từ việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc – con đường cách mạng vô sản, đưa cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới; tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam; trực tiếp huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam; xác định những quan điểm lý luận về đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam - cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng của Đảng sau này; sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đến trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (từ năm 1941) với tư tưởng, đạo đức, phong cách của người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, lãnh tụ thiên tài, thầy giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành nơi Trường Dục Thanh năm nào đã trở thành người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 39 năm Ngày giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021), ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhất là "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2016, t.60, tr.130.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2001, t.12, tr.9.