Tin mới nhất

Đảng viên ứng xử với mạng xã hội

Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, song song với nó cũng là những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự. Một trong những thách thức đó là việc sử dụng chưa lành mạnh, tích cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích kết nối bạn học, tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích… Nhưng phải đến năm 2006, sự ra đời của Facebook đánh dấu bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình “Facebook Platform” cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng. Hiện nay thế giới có nhiều mạng xã hội khác nhau, trong đó, những mạng xã hội có nhiều người sử dụng có thể kể: Facebook (khoảng 2,2 tỉ người dùng), YouTube (1,9tỉ), WhatsApp (1,5 tỉ), Facebook Messenger (1,3 tỉ), WeChat (1,04 tỉ), Instagram (1 tỉ)… Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng (khoảng 76 triệu người dùng mạng xã hội nói chung chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019)[1]. Ngoài Facebook một số Mạng Xã Hội phổ biến khác tại Việt Nam có thể kể tới như: Instagram với 10.717.000 người dùng; Linkedin đạt 3.991.000 người dùng vào tháng 6/2021; Zalo - mạng xã hội “nội địa” lớn nhất Việt Nam với hơn 60 triệu người dùng … Với số lượng người sử dụng mạng xã hội cho thấy mạng xã hội đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực.

Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao kiến thức, tiếp cận các tri thức mới, chia sẻ, trao đổi tình cảm, phản ánh các vấn đề mình quan tâm, thể hiện quan điểm và năng lực cá nhân, phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối với nhau, đồng thời tham gia giám sát xã hội tích cực. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền làm chủ của người dân, phát huy các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.. Đặc biệt, với cán bộ, đảng viên, việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội về cơ bản đã góp phần đắc lực vào việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, qua đó phục vụ người dân tốt hơn. Chẳng hạn, nhiều cán bộ đã sử dụng Facebook, Zalo… để thông tin, tuyên truyền đến người dân, đồng thời lập các trang cộng đồng (fanpage) trên Facebook để nắm bắt tâm tư, ý kiến của người dân, hoặc sử dụng các nhóm trên Facebook Messenger, Zalo, Viber… để trao đổi công việc hàng ngày…

Tuy nhiên, mặt trái của internet và mạng xã hội cũng không ít. Kể cả với cán bộ, đảng viên, những người vốn có trình độ học vấn khá cao, được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được làm việc trong môi trường có tính kỷ luật cao…, vẫn có thể sử dụng internet và mạng xã hội chưa phù hợp, chưa tích cực. Thậm chí, có trường hợp còn lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, thể hiện thiếu tính đảng và tính kỷ luật. Trong thời gian qua, đã có không ít cán bộ, đảng viên bị cho ra khỏi đội ngũ vì những vi phạm này, kể cả có những trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…. Đáng lưu ý, lợi dụng sự ảnh hưởng của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch, độc hại trên mạng xã hội với mức độ, tần suất ngày càng tăng, nhằm chống phá cách mạng nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế đến pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.  Các thế lực thù địch, phản động đã chọn mạng xã hội như một “mặt trận” mới để tăng cường chống phá chế độ ta. Một số người vì nhiều lý do, trong đó có lý do thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết cách sử dụng, tận dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm khi tham gia vào mạng xã hội, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để tuyên truyền tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phòng, chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả.

Sử dụng mạng xã hội là xu hướng trong thời đại công nghệ số và đây là một trong những quyền chính đáng của con người. Cán bộ, đảng viên cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, cần  nhớ rằng, công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm; còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Điều này là hiển nhiên, bởi cán bộ, đảng viên được Nhà nước, nhân dân ủy quyền làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội, do đó họ phải có bổn phận, nghĩa vụ tiên phong trong việc tạo ra và thực thi những quy ước, chuẩn mực đạo đức, pháp lý để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn minh của xã hội.

Để tạo ra một môi trường mạng lành mạnh trên mạng xã hội, cần thiết lập các chuẩn mực, quy tắc và các chủ thể khi tham gia vào mạng xã hội đều phải tuân thủ, nhằm hạn chế tình trạng tự do (quá trớn) có thể xâm phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.

Ngày 24-12-2018, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, gồm 3 chương và 7 điều, trong đó Điều 1 nêu mục đích của quy tắc: “1. Quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. 2. Quy tắc quy định những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm khi sử dụng mạng xã hội”. Ở phần quy định cụ thể, Quy tắc nêu Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 3), Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 4). Rõ ràng các quy định này có tác dụng định hướng, nhắc nhở người làm báo Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội phải có lưu ý để tránh vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cơ quan báo chí mà mình đang công tác. Đặc biệt, với những người làm báo ít nhiều có những tác động đến xã hội khi đăng tải các bài viết, sự tuân thủ các quy tắc lại cần thiết hơn nhiều đối tượng khác.

Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT “Về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” (có hiệu lực từ ngày 17/6/2021), với những quy định chi tiết, rõ ràng. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc gồm 3 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Bộ cũng đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Quy tắc Lành mạnh (hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; và Quy tắc Trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật). Có thể khẳng định rằng, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất kịp thời, cần thiết, mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật, nhằm tạo lập “bộ áo giáp” để mọi người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật. Bộ Quy tắc không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt, tuy nhiên nó khuyến khích mọi người hành xử đúng trên mạng, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia “thế giới ảo” để góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, đối với đảng viên cần tuân thủ triệt để Quy định số 47-NQ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, đó là không được: “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước; viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật”. Cùng với chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật phát ngôn và quy định về cung cấp thông tin trên MXH theo Luật An ninh mạng 2018, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Đề án Văn hóa công vụ năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có yêu cầu phải “tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”.

Đảng viên là hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chính trị là chung tay góp sức tạo dựng, lan tỏa hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền ngày càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy thì trên mạng xã hội cũng phải vậy. Để góp phần làm trong sạch môi trường mạng, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên cần đề cao và thực hiện những quy tắc, chuẩn mực khi sử dụng mạng xã hội và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát ngôn.

Khi ứng xử với mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên nên nhìn rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó và khi tham gia mạng xã hội cần quan tâm phát huy mặt tích cực và hạn chế mức thấp nhất các yếu tố tiêu cực. Gần đây, đã có nhiều người nêu lên cụm từ “sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, “sử dụng mạng xã hội thông minh”, đây thực sự nên là một phương châm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, tránh bị lợi dụng hoặc vô ý làm “tay sai” cho các thế lực xấu bằng sự thiếu hiểu biết của mình, cũng như luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về không gian mạng. Bên cạnh đó, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải sử dụng mạng xã hội để làm lan tỏa những điều tích cực, không vô tình hay cố ý phát tán các thông tin xấu độc, đồng thời phải mạnh dạn phê bình, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, các quan điểm sai lầm, các luận điệu xuyên tạc…Hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với non song đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mạng xã hội. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động...”. Đó là cách ứng xử phù hợp của cán bộ, đảng viên đối với mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay./.


[1] Theo Thống Kê Người Dùng Facebook 2021 - Facebook users in Viet Nam - Nguồn: NapoleonCat.com


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số