Tin mới nhất

Quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hiện nay ở Việt Nam (Kỳ 1 - Những kết quả đạt được và một số hạn chế)

Hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận, khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, như: "có vị trí quan trọng lâu dài" (Đại hội IX) đến “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII). Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII đã tiếp tục khẳng định: phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây được xem là quá trình đổi mới tư duy táo bạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện. Điều này giúp kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Đây được xem là kết quả quan trọng của quá trình đổi mới và phát triển nhận thức của Đảng về thành phần kinh tế này.

Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của phập luật nhằm mục đích kinh doanh.

Xét về mặt kinh tế học, kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế thuộc cơ cấu kinh tế của một quốc gia, được hình thành và phát triển dựa trên sự sở hữu của tư nhân về tư liệu sản xuất cũng như lợi ích cá nhân. Dù hoạt động dưới hình thức nào thì kinh tế tư nhân cũng kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp tư nhân, phần lớn hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

Bên cạnh việc đổi mới chủ trương trong quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Cơ chế, chính sách đã từng bước tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là sau khi Luật Doanh nghiệp (năm 2014 và 2020) ra đời thì số lượng doanh nghiệp đã tăng liên tục. Năm 2014 có 7.052 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, năm 2019 có 177.560 DN thành lập mới (tăng 7,4% so với năm 2018), đến năm 2020, số DN thành lập mới là 134.941[1]. Nhiều làn sóng khởi nghiệp hình thành khi Nhà nước liên tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm hàng hoá, kiểm tra chuyên ngành; điều này không chỉ là một động lực lớn cho doanh nghiệp mà còn giúp tiết kiệm công sức, thời gian và tài chính của cơ quan nhà nước. Việc cải cách môi trường kinh doanh, dỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường đã tạo không khí phấn chấn, khuyến khích, cổ vũ tinh thần kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Luật Phí và lệ phí năm 2015 được ban hành và thực thi từ ngày 01/01/2017 đã chuyển nhiều loại phí sang thực hiện theo cơ chế giá, góp phần thu hút nguồn lực xã hội tham gia cung cấp dịch vụ công. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, công nghệ cao; chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (có hiệu lực năm 2012), Thuế tài nguyên (2010) với các mức thuế tài nguyên được điều chỉnh linh hoạt qua các thời kỳ. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (ban hành 2016) đã chú trọng vấn đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thông qua việc áp dụng thuế xuất - nhập khẩu. Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường (giảm thuế đối với xăng sinh học, tăng thuế suất đối với các mặt hàng có hại với sức khoẻ con người, môi trường, không tốt cho xã hội như: rượu, bia, thuốc lá, casino; ưu đãi thuế với các loại phương tiện giao thông sử dụng điện hoặc năng lượng mặt trời). Tăng cường ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua việc tăng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực trồng trọt, sản xuất và chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; giảm nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng đối hàng hoá là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, mở rộng thời gian miễn thuế nông nghiệp,…

Nhiều chính sách tài chính liên quan đến đất đai đã được ban hành với tư tưởng đổi mới mang tính tiến bộ, phù hợp với cơ chế thị trường nhằm thu hút, khuyến khích nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân phát triển như: cho phép bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng tiền sử dụng đất đề đầu tư hiện đại hoá công sở, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh.

Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là một định hướng chính sách quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 yêu cầu chính quyền cấp tỉnh triển khai. Định hướng này được thể hiện rõ trong loạt Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và 2020 (tiếp nối loạt Nghị quyết 19 được ban hành thường niên trong các năm 2014-2018). Không chỉ vậy, trong Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh cho doanh nghiệp cùng với Chỉ thị số 20/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đạt được hiệu quả đáng kể. Năm 2020, số doanh nghiệp cho biết đã tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra của một số cơ quan như hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50% so với năm 2016. Năm 2016, có 34,4% doanh nghiệp cho biết phải đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ, năm 2020 chỉ còn 26,1%. Tương tự, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 con số này ở mức 43,6%[2].

Trên thực tế, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động. Nguyên nhân khách quan, gồm:

Thứ nhất, môi trường pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, rườm rà. Một số doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn lực đất đai, thông tin, thị trường tín dụng, cơ hội đầu tư. Nhiều loại giấy phép kinh doanh có mục tiêu không rõ ràng, hiệu lực quản lý thấp, tạo cơ hội cho việc lạm quyền, gia tăng nhiều khoản phí không chính thức, “có những bộ tồn tại tới hơn 1.200 giấy phép như Bộ Công thương, Bộ ít nhất như Bộ Xây dựng cũng còn 106 giấy phép. Tổng số các bộ ngành vẫn còn tới 5.719 thủ tục hành chính”[3], trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có tổng cộng 240 thủ tục hành chính[4]. Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính thuế, một số thủ tục cụ thể còn có nhiều phiền hà với doanh nghiệp, bao gồm: đề nghị miễn, giảm thuế (23%), hoàn thuế (18%) và quyết toán thuế (17%). Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội là thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (18%), điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội (15%) và đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội (15%)[5]. Ngoài ra, phải kể đến ba khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đất đai bao gồm: thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định (38%); cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (18%); và thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%)[6].

Thứ hai, vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Nhất là tình trạng Nhà nước thực hiện các hình thức ưu đãi, bao cấp một số “doanh nghiệp thân hữu” (các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước) như được ưu tiên hơn khi tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tín dụng, cơ hội nhận các hợp đồng từ khu vực công và mức thuế ưu đãi hoặc có sự can thiệp gián tiếp thông qua mối quan hệ giữa nhà nước và nhóm đặc lợi của khu vực tư nhân do mối quan hệ riêng giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước. Trong khi đa số các doanh nghiệp tư nhân khác ít được thụ hưởng lợi ích từ phía cơ quan công quyền, gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thủ tục sử dụng đất đai, vay vốn. Cụ thể, “có 70,2% doanh nghiệp (được khảo sát) đồng tình với nhận định hợp đồng đất đai, các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”[7].

Thứ ba, tình trạng thiếu tính đồng bộ, không tương thích, thậm chí xung đột lẫn nhau không hiếm gặp trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các mâu thuẫn, chồng chéo này tập trung vào điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, tập trung tại các Luật về: đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Ví dụ như chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Khoáng sản về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án khai thác khoáng sản (giữa Khoản 1, Điều 59 Luật Khoáng sản và Điều 36 Luật Đầu tư (2014) hay chưa thống nhất về hình thức của hợp đồng giao dịch về bất động sản trong quy định giữa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (giữa Khoản 1, Điều 122 Luật Nhà ở và Khoản 2, Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản)[8].

Cuối cùng, còn nhiều bất cập trong việc phân định và phối hợp giữa các cơ quan quyền lực trong quản lý nhà nước về kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn còn hạn chế với tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, như: lạm dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây phiền hà đối với doanh nghiệp; các cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không công nhận kết quả làm việc của nhau, nội dung kiểm tra chưa rõ ràng, đôi khi vượt ra khỏi thẩm quyền quản lý hoặc mở rộng ngoài kế hoạch đã đề ra; chồng chéo nội dung thanh tra, kiểm tra; bị kiểm tra quá nhiều lần trong năm. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp là 8,3%; tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm là 3% và tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp là 14,3%[9]. Ngoài ra, chính quyền địa phương chưa tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thông tin. Điều này thể hiện rõ trong quá trình tiếp cận văn bản quy hoạch cấp tỉnh của doanh nghiệp (đạt 2,5 điểm trên thang điểm 5, trong đó 1 - khó và 5 - dễ); chất lượng thông tin trên website các cơ quan quản lý chưa được cải thiện đáng kể khiến doanh nghiệp e ngại khi truy cập thông tin (đạt 52,3% năm 2020), tình trạng cơ quan quản lý cấp tỉnh phản hồi những đề nghị của doanh nghiệp chỉ đạt mức 56,3% vào năm 2020.

Như vậy, doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân là khu vực tiềm năng và vô cùng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm giải phóng năng lực sản xuất và khai thác các tiềm năng kinh tế do doanh nghiệp mang lại./.


Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.83.

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 107-108, 108.

6. Vũ Hùng Cường (chủ biên): Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.

7. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2019 và 2020

8. Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 2019

 

[1] Cục quản lý Đăng kí kinh doanh

[2] Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam 2020

[3] Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 03/8/2017

[4] Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, 2021

[5] Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020

[6] Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020

[7] Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam 2019

[8] Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 2019

[9] Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số