Trong thời gian tới, để dân chủ của Nhân dân được thực hiện đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt là ở cơ sở (cấp xã) thì vấn đề tăng cường trao quyền và thụ hưởng quyền cho chủ thể nghĩa vụ và chủ thể quyền trong việc thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở ở cấp xã có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân chủ cơ sở ở cấp xã.
Trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở cấp xã được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau như các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã (chủ thể nghĩa vụ) và Nhân dân sinh sống ở cơ sở (chủ thể quyền). Chính quyền cấp xã ở nước ta được tổ chức theo mô hình tự quản (giữ vị trí độc lập tương đối). Vì vậy, để phát huy vai trò quản trị của chính quyền cấp xã đối với việc quyết định các công việc của địa phương thì phải tăng cường dân chủ cơ sở. Do đó, một mặt pháp luật phải tăng cường quyền hạn cho chính quyền; đồng thời trao thêm quyền hạn và chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ công chức thực thi pháp luật ở cấp xã, cùng với đó là tăng quyền hạn cho Nhân dân về quyền được biết, bàn bạc, quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, quyền kiểm tra, giám sát, thụ hưởng trong việc thực thi các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách về kinh tế-xã hội của Nhà nước và quyền thụ hưởng các thành quả do Nhân dân tham gia đóng góp cho xã hội.
Nói đến thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã thì phải đề cập một cách đồng bộ dân chủ cho chính quyền, cho đội ngũ CBCC, cho mọi người dân. Thực tại xã, phường, thị trấn (còn gọi là cấp xã) tuy là một cấp trong hệ thống chính quyền 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở, nhưng pháp luật trao quyền hạn cho chính quyền cấp này còn hạn chế. Ngay trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền và ủy quyền khá mạnh mẽ, nhưng chủ yếu là ở cấp tỉnh và cấp huyện còn ở cấp xã thì còn hạn chế. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp chính quyền địa phương, nhưng trên thực tế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội ở chính quyền cấp xã, nhất là đối với Ủy ban nhân dân là rất hiếm. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cấp xã, chủ yếu còn là thực hiện theo sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên. Sự hạn chế về quyền hạn của chính quyền cấp xã thì tương ứng với đó, quyền hạn của đội ngũ CBCC ở cấp này cũng còn khiêm tốn. Và như vậy thì phát huy dân chủ Nhân dân cơ sở ở cấp xã cũng trong chừng mực nhất định. Từ thực tế trên đây, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã thì cần tăng cường phân cấp, phân quyền, trao quyền và thụ hưởng quyền cho chủ thể nghĩa vụ và chủ thể quyền trong việc thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã. Cụ thể:
Đối với chính quyền cấp xã
Trong thời gian tới để thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở có hiệu quả cần sớm cụ thể hóa, phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã nhằm cụ thể hóa Điều 112 Hiến pháp năm 2013 “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó”. Theo đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định các nguyên tắc phân định thẩm quyền, các trường hợp phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp, phân quyền phải được luật hóa, thực hiện phân cấp, phân quyền trao thêm thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp xã.
Đối với đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và thực thi pháp luật ở cấp xã trong quá trình triển khai thực hiện QCDC cơ sở ở cấp xã cần nâng cao trách nhiệm thực hiện đầy đủ những nội dung đã được quy định trong Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Lãnh, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành liên quan đến thực hiện QCDC cơ sở ở cấp xã, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức cần trao thêm các quyền như: Quyền kiến nghị với cấp trên về những vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ được giao; quyền quyết định các vấn đề trong chỉ đạo điều hành thực thi nhiệm vụ kinh tế-xã hội ở cấp xã; quyền trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia vào các vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở cấp xã; quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyền đề xuất những vấn đề để Nhân dân bàn, biểu quyết; chủ thể có quyền đề xuất việc bãi miễn Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Thôn, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban đầu tư của cộng đồng...
Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần phải linh hoạt bám sát vào thực tế ở cơ sở dám nghĩ, dám làm để đưa ra quyết sách vì lợi ích của Nhân dân. Sớm hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi công vụ theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ chính trị “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.
Ngoài ra, cùng với việc tăng cường trao quyền thì có thêm chính sách thụ hưởng cho đối tượng CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để họ toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân không vì lợi ích của riêng mình thì trong thời gian tới Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với các chế độ chính sách về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ khác đối với đội ngũ CBCC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Đối với Nhân dân
Đối với chủ thể quyền được thụ hưởng là tất cả tầng lớp Nhân dân sinh sống, lao động ở cơ sở có các quyền như “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”[1]; quyền thụ hưởng an sinh xã hội, quyền sống trong môi trường trong lành, quyền tiếp cận thông tin, quyền chính trị; quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác do pháp luật quy định. Như vậy, pháp luật trao rất nhiều quyền dân chủ cho Nhân dân, vấn đề là chính quyền cơ sở tổ chức thế nào cho quyền đó được hiện thực trên thực tế.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung một nội dung mới quan trọng và vô cùng ý nghĩa dưới góc độ dân chủ cách tiếp cận quyền con người: “Mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[2]. Về phía người dân, việc tăng thêm quyền thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã đó là quyền giám sát, quyền thụ hưởng theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Vậy, trong thời gian tới Nhà nước cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế để trao thêm các quyền dân chủ cho Nhân dân đặc biệt là “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vì vậy, sớm xây dựng và ban hành Luật giám sát Nhân dân; Luật về dân chủ ở cơ sở thay cho Pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường, thị trấn để mở rộng nội dung quyền Nhân dân như quyền như quyền tiếp cận thông tin, bàn, quyết định, giám sát, thụ hưởng sao cho phù hợp để bảo đảm mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Cần bổ sung và làm rõ hơn vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ở cấp xã tham gia trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với tư cách là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Đồng thời, cần có các quy định xử lý nếu không thực hiện các quy định về việc dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ. Ngoài ra, chính quyền cấp xã cần tạo điều kiện để Nhân dân tham gia giám sát và thụ hưởng các thành quả dân chủ cơ sở ở cấp xã mang lại.
Như vậy, việc trao quyền và thụ hưởng quyền cho chủ thể nghĩa vụ và chủ thể quyền trong quá trình thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở ở cấp xã là một trong những yêu cầu đặt ra nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Trao quyền và thụ hưởng quyền cho chủ thể nghĩa vụ và chủ thể quyền cần phải được luật hóa, đặc biệt nội dung dân giám sát, dân thụ hưởng có như vậy quyền dân chủ của Nhân dân ở cơ sở mới được phát huy đầy đủ mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân, từ đó sẽ tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị ở cấp xã gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân./.
[1] Điều 28, Hiến pháp năm 2013
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, tập 1, tr.27.