Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bình Thuận. Để đánh dấu một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng “vạn sự khởi đầu”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân của tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp.
Xác định triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch là góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương với phương châm “4 tại chỗ”. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 6/2021, tuy có ảnh hưởng mạnh bởi tình hình dịch bệnh từ các tỉnh phía Nam, nhưng nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu; chủ động siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát khá tốt. Giữa tháng 10/2021, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các cấp, các ngành và các địa phương đã triển khai tích cực các chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh. Các biện pháp phòng chống dịch luôn có sự điều chỉnh thích ứng linh hoạt, triển khai một cách quyết liệt, bám sát mục tiêu quan điểm là đảm bảo mục tiêu kép, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết; hạn chế đến mức thấp nhất những ca chuyển nặng, tử vong do dịch Covid-19. Tỉnh cũng tập trung tiêm vắc xin cho người dân, đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, vật tư, thuốc điều trị, cơ sở thu dung. Đến nay, toàn tỉnh có 1.656.330 người đã tiêm vắc xin (có 897.894 người đã tiêm mũi 1 và 758.436 người tiêm mũi 2); 65.692 trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc xin (có 65.425 trẻ đã tiêm mũi 1 và 267 trẻ đã tiêm mũi 2). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai kịp thời các Nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh chi hơn 271 tỷ đồng hỗ trợ cho 216 ngàn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có hơn 77 ngàn người lao động tự do với kinh phí hơn 116 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng với tổng kinh phí trên 5,6 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống dịch của tỉnh. Các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đã hỗ trợ các hộ khó khăn trong khu vực cách ly, phong tỏa hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, rau củ quả, nhu yếu phẩm và tiền mặt. Có thể khẳng định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát khá tốt. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Trong những ngày tháng phòng chống dịch, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, hình ảnh đẹp của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, nhất là các y bác sỹ, nhân viên y tế, các chiến sỹ công an, bộ đội…; các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ vật chất cho các cơ quan và người dân trong phòng chống dịch.
Cùng với thành quả về phòng chống đại dịch thì tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã đạt được một số chỉ tiêu nổi bật. Cụ thể, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 2,77%. Tuy không đạt được kế hoạch đề ra nhưng là mức tăng trưởng khá hơn một số tỉnh trong khu vực và cao hơn mức tăng trưởng của cả nước 2,55%. Một điểm sáng trong năm 2021 là tổng thu ngân sách nhà nước vượt 35,39% dự toán năm. Các công trình trọng điểm của tỉnh được tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thi công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước thực hiện đạt gần 98%, nằm trong nhóm 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất nước. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,78% (cao hơn tốc độ tăng của năm 2019: 4,04%; 2020: 2,69%). Lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng trưởng khá, giá trị gia tăng thêm của lĩnh vực này 4,7%, cao hơn nhiều năm. Xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả khá tốt, ước đạt 576 triệu USD, tăng 21,8% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,6% so với năm 2020. Điều này cho thấy trong điều kiện nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn tin tưởng đầu tư kinh doanh. Tỉnh cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, tỉnh Bình Thuận xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhanh chóng bao phủ tiêm vắc xin toàn tỉnh, nâng cao năng lực giám sát, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, đảm bảo sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt an sinh xã hội. Trong năm 2022, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả 5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV về: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số. Làm tốt công tác lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là căn cứ để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực chính là giao thông và thủy lợi. Tiếp tục triển khai các công trình trọng điểm gồm tuyến đường ĐT.719, ĐT.719B, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, dự án Cầu Văn Thánh… và các công trình giao thông trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Đối với công trình thủy lợi, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Dự án hồ Sông Lũy, triển khai các thủ tục đầu tư thi công Hồ thủy lợi Ka Pét, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn tất thủ tục để cuối giai đoạn 2021-2025 triển khai thi công giai đoạn 1 của Dự án hồ La Ngà 3…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên một số lĩnh vực: Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Du lịch, Công nghiệp, Y tế, Giáo dục và Hành chính công. Xem công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp, các ngành và là cơ hội để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 03 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Hiện nay các nguồn vốn đầu tư trên thế giới tìm đến Việt Nam, một số nhà đầu tư lớn đã tin tưởng lựa chọn đầu tư vào Bình Thuận trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, đô thị, do đó trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là những yếu tố và niềm tin vững chắc để chúng ta kỳ vọng về một bức tranh kinh tế Bình Thuận đột phá, khởi sắc trong thời gian tới./.
* Tài liệu tham khảo: Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Bình Thuận của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận.