Tin mới nhất

Quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hiện nay (Kỳ 2 – Một số giải pháp)

 

Thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân trong những năm qua, có thể khẳng định, “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, là một trong bốn trụ cột vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay. “Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước”[1]. Đây là kết quả của sự thay đổi thể chế, chính sách, cải cách nền hành chính quốc gia để kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh trong mọi lĩnh vực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội

 

Từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi của các tập đoàn kinh tế tư nhân, như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, FLC, Vinamilk…, có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn cùng với Nhà nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, những sự kiện kinh tế - xã hội lớn của đất nước.

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (năm 2025) và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (năm 2030) và phấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55% GDP (năm 2025) và 60 - 65% GDP (năm 2030). Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện môi trường pháp lý, thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, như tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục phức tạp quá mức cần thiết, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện thủ tục hoặc thành phần hồ sơ chưa rõ ràng, giảm thiểu thời gian chờ cấp giấy phép và chi phí không chính thức (nếu có) khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhằm đảm bảo cho các chủ thể thuộc khu vực kinh tế tư nhân được tiếp cận dễ dàng và hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt.

Thứ hai, Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa DN nhà nước với DN ngoài Nhà nước, giữa DN trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI thông qua việc ban hành các chính sách, quy định đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ, bình đẳng giữa các chủ thể trong hoạt động hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, phát triển nguồn lao động, chuyển giao công nghệ, hoặc hỗ trợ thực thi pháp luật của DN. Ngoài ra, “mỗi cơ quan quản lý, cán bộ cần tự giác làm tốt trách nhiệm, cần phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, cởi mở để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển” [2]

Thứ ba, rà soát các quy định, văn bản pháp luật định kì hằng năm; đề xuất kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền về tình trạng thiếu nhất quán, chồng chéo, không tương thích giữa các quy định của pháp luật. Điều này góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết một cách tối đa tình trạng nhiều dự án của doanh nghiệp bị kéo dài, thậm chí là đình trệ, không thể triển khai, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp, khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi như hiện nay.

Thứ tư, cần có thông báo và phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thanh kiểm tra nhằm tạo được một đầu mối chung để kiểm soát các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan tại địa phương tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, cản trở doanh nghiệp hoạt động, xây dựng cơ chế công nhận kết quả thanh, kiểm tra của nhau nhằm giảm thiểu chi phí, công sức tiếp đón và trình bài một vấn đề nhiều lần; cũng như tiết kiệm thời gian và nhân lực của cơ quan chức năng. Cải tiến, hoàn thiện cả về quy trình thanh tra và tổ chức thực hiện. Đảm bảo nội dung thanh tra, kiểm tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, theo đúng tinh thần Chỉ thị 20/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng chuyển hẳn sang việc thực hiện công tác thanh, kiểm tra dựa trên cơ sở quản lý rủi ro trong chấp hành pháp luật ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, cải thiện mức độ sẵn có của thông tin và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp có lẽ vẫn là điểm quan trọng mà cơ quan chức năng cần quan tâm hơn trong thời gian tới.

Cuối cùng, trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, trước mắt tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; đảm bảo điều kiện để “sống chung” với đại dịch. Đồng thời, tập trung các giải pháp tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Về trung và dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh với khu vực, quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp…

Tóm lại, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cơ quan quản lý cần phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước./.


[1] https://vietnam.vinanet.vn, Kinh tế tư nhân: Động lực và những kỳ vọng mới, truy cập ngày 13/2/2022

[2] Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.83.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 107-108, 108.

Vũ Hùng Cường (chủ biên): Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2019 và 2020

Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 2019

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số