Tin mới nhất

Chi Bộ giảng viên thực hiện tốt việc học tập, làm theo Bác về tự phê bình và phê bình

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, luôn đặt ra yêu cầu trong công tác xây dựng Đảng là phải thường xuyên, nghiêm túc tiến hành tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển Đảng, là cách tốt nhất để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, là biện pháp tích cực để củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Khi nói đến tự phê bình và phê bình, Bác Hồ chỉ rõ “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”.[1]

Như vậy, theo Người, thực chất của tự phê bình và phê bình là phải nhìn nhận, chỉ ra cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm, tự phê bình mình trước, phê bình người sau; tự phê bình và phê bình có mối quan hệ biện chứng không tách rời nhau, nhằm giúp mọi người phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Trong khi phê bình đồng chí mình, thì phải nhắc đến cả ưu điểm và khuyết điểm: “Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”[2]. Để Đảng ngày càng lớn mạnh, ngày càng phát triển, Người nhắc nhở “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”[3], và Người chỉ rõ nguyên tắc trong việc phê bình Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét[4].

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, thời gian qua, dưới lãnh đạo của Đảng ủy Trường Chính trị, Chi bộ Giảng viên thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình; chú trọng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này trong sinh hoạt đảng. Trong sinh hoạt chi bộ luôn phát huy dân chủ, cởi mở, khích lệ các đảng viên phát huy tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất chân thành, thẳng thắn trên tinh thần góp ý xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên từng vị trí công tác. Thông qua sinh hoạt chi bộ định kỳ, sơ kết, tổng kết chi bộ, Chi bộ Giảng viên thường xuyên nêu gương tốt, kịp thời phê bình những đảng viên chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, kiểm điểm việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống, tác phong làm việc của đảng viên. Qua đó, từng đảng viên thấy được những ưu điểm của mình để phát huy, nhận ra những hạn chế để từng bước sửa chữa, khắc phục, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng tập thể Chi bộ đoàn kết, vững mạnh.

 Bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở Chi bộ Giảng viên hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như: một số đảng viên còn nể nang, ngại va chạm, việc phát biểu ý kiến chỉ tập trung vào các đảng viên lớn tuổi, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, còn một số đảng viên trẻ ít phát biểu hoặc chỉ phát biểu khi được chỉ định…

Để nâng cao hơn nữa tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đảng viên nhất là đảng viên trẻ, tiếp tục nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, thời gian tới Chi bộ Giảng viên cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chi bộ cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên nhận thức sâu sắc vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình - là quy luật phát triển Đảng, là cách tốt nhất để giáo dục, rèn luyện đảng viên.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện có nề nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ xem đó như là “việc rửa mặt hàng ngày”, phát huy dân chủ trong tự phê bình và phê bình, trong đó cần chú ý phát huy dân chủ ở đảng viên trẻ. Đồng thời, thường xuyên nêu gương tốt, kịp thời phê bình, kiểm điểm những cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thứ ba, cần phải thực hiện tốt hơn việc “nêu gương tự phê bình và phê bình”, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu tự phê bình và phê bình, nhất là về khuyết điểm, hạn chế của mình.

Thứ tư, mỗi đảng viên khi thực hành tự phê bình và phê bình phải đúng phương pháp, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, khi phê bình không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, nêu rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Nhất là, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để mỉa mai, khích bác, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình.

Thứ năm, người được phê bình cần phải có thái độ tiếp thu phê bình đúng đắn, cầu thị, quyết tâm sửa đổi; không vì được góp ý về khuyết điểm của mình mà nản chí hoặc oán ghét người phê bình mình. Nếu có ý kiến góp ý với mình chưa đúng, thì phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn để trình bày, giải thích.

Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng tập thể Chi bộ đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiệm vụ được giao./.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, tập 5, tr 307.

[2] Sđd, tr 279

[3] Sđd, tr 279

[4] Sđd, tr 272.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số