Tin mới nhất

Sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời là một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng nhân loại, nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan của sự phát triển xã hội. Chính sự thống nhất hữu cơ, nội tại giữa tính khoa học và tính cách mạng mà học thuyết Mác - Lênin đã vượt lên trên hẳn các học thuyết đương thời, mang sức mạnh to lớn, trở thành công cụ vĩ đại không chỉ giải thích thế giới mà chủ yếu là cải tạo thế giới.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen và sự phát triển của V.I.Lênin; là sự kế thừa và phát triển những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại, trên cơ sở thực tiễn của thời đại; là khoa học về sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, với mục đích xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư bản. Chính vì thế, mà ngày nay có thể có nhiều học thuyết với lý tưởng nhân đạo về giải phóng giai cấp, giải phóng nhận dân lao động và giải phóng con người khỏi ách áp bức nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới là học thuyết khoa học nhất, chắc chắn nhất và chân chính nhất để thực hiện lý tưởng ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin[1].

Trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tính khoa học và tính cách mạng không tách rời nhau. Tính khoa học đã bao hàm trong nó tính cách mạng; bởi lẽ tính khoa học đòi hỏi phải chỉ ra được quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử. Tính khoa học triệt để còn đòi hỏi phải đấu tranh chống lại mọi sự lạc hậu, phản động, bảo thủ, chống lại áp bức, bất công, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đồng thời, tính cách mạng trong chủ nghĩa Mác đã bao hàm trong nó tính khoa học, bởi lẽ, để chống lại xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, nhất thiết phải tôn trọng và hành động theo quy luật khác quan, tức phải dựa vào khoa học. Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở các nội dung sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học, thể hiện trong toàn bộ các nguyên lý cấu thành học thuyết, trước hết là các nguyên lý cơ bản trong hệ thống lý luận mácxít.

Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật tiến hóa của tự nhiên, C.Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Theo C.Mác, tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người và của lịch sử xã hội loài người chính là việc thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, vv.. Vì vậy, “... việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp... tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta[2]. Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, các nhà kinh điển đã xây dựng hệ thống các nguyên lý cơ bản cấu thành học thuyết Mác: Một là, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà cốt lõi là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, là một thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa Mác. Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội đã chỉ rõ sự chuyển biến từ một hình thái kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Trong xã hội có giai cấp thì sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội phải trải qua quá trình đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt mà đỉnh cao là cách mạng xã hội. Hai là, học thuyết giá trị thặng dư. Với học thuyết này, C.Mác đã vạch ra quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản - quy luật giá trị thặng dư, từ đó vạch ra bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Việc phát hiện ra học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác được ví như “một ánh sáng” hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản và các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa. Học thuyết giá trị thặng dư đã làm tròn nhiệm vụ: một mặt, giải thích tính tất yếu về sự ra đời và tiêu vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ lịch sử nhất định; mặt khác, bóc trần những bí mật của chủ nghĩa tư bản, bản chất bóc lột tinh vi của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân; chỉ ra động cơ, mục đích và kết quả vận động của tư bản mà trước đó chưa ai làm được.

Thứ hai, sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan khoa học và phương pháp luận mácxít trong chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bản thân các quy luật, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vừa có ý nghĩa thế giới quan, vừa có ý nghĩa phương pháp luận. Thế giới quan duy vật biện chứng giúp con người hiểu rõ bản chất của thế giới là vật chất. Thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy vận động, biến đổi theo những quy luật khách quan. Con người thông qua hoạt động thực tiễn để nhận thức, giải thích, cải tạo thế giới, làm chủ thế giới. Còn phương pháp luận đúng đắn giúp con người xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan, phân tích cụ thể theo tinh thần biện chứng. Sự thống nhất giữa thế giới quan và phương pháp luận đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành một hệ thống lý luận mang tính khoa học sâu sắc và cách mạng triệt để.

Thứ ba, chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người với con đường, lực lượng, phương thức đạt mục tiêu đó.

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ quần chúng nhân dân là chủ nhân của xã hội, là người sáng tạo ra lịch sử. Điều đó đem lại cho loài người, đặc biệt là giai cấp công nhân, nhân dân lao động, những công cụ nhận thức và cải tạo thế giới. Đồng thời, học thuyết này cũng chỉ ra lực cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và phát triển xã hội là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại cho họ niềm tin vào khả năng và sức phát mạnh của chính mình. Quần chúng nhân dân trước hết và quan trọng nhất là nhân dân lao động, là chủ thể chân chính của mọi tiến trình lịch sử. Họ chính là lực lượng sản xuất ra của cải vật chất - cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội, là lực lượng sản xuất ra những giá trị tinh thần và là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Thứ tư, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở, không ngừng tự đổi mới, tự phát triển trong dòng trí tuệ của nhân loại.

Mang bản chất khoa học, cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một hệ thống các nguyên lý giáo điều, bất biến mà gắn với quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng trên thế giới. Chính C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái gì đã xong xuôi hẳn, còn nhiều điều các ông chưa có điều kiện, thời gian, cơ hội nghiên cứu. Phát triển lý luận Mác - Lênin là trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp, của những người mácxít chân chính. Ngay bản thân các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình nghiên cứu và hoạt động trong phong trào công nhân cũng đã điều chỉnh một số luận điểm của mình. V.I.Lênin chỉ rõ: “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động. Luận điểm kinh điển ấy nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta rất thường hay quên không nhìn tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó..”[3].

Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là liều thuốc vạn năng được bốc sẵn để chữa trị mọi căn bệnh trong đời sống xã hội, cũng không phải là cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm. Nhưng, thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, mục đích của chủ nghĩa Mác - Lênin, nội dung mang tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin là những chân lý bền vững, đã, đang và mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động đối với tất cả những cuộc cách mạng lấy con người làm mục đích cuối cùng từ khi ra đời đến nay./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.2, tr.289

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1995, t.19, tr.500

[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1994, t. 20, tr.99


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số