Tin mới nhất

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Thuận

Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Riêng tỉnh Bình Thuận, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân trong tỉnh, tuy nhiên kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì ổn định đó là nhờ Ủy Ban nhân dân và các Sở, ban ngành tỉnh Bình Thuận đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã đạt được các kết quả nổi bật: Đối với chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tỉnh đã thực hiện giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 13 doanh nghiệp/3.797 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng đến tháng 12/2021 là 22.472,101 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 406 doanh nghiệp/8.404 lao động/33.146,6 triệu đồng; trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 186 người/ 170 triệu đồng và lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 1.945 người/ 1.945 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp/879 lao động/1.237 triệu đồng; trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai là 53 người/53 triệu đồng, lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi là 305 người/305 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tỉnh đã phê duyệt hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 26 người/104,46 triệu đồng, trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 1 người/1 triệu đồng; hỗ trợ thêm cho lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 7 người/7 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 2.457 người (F0)/3.371,24 triệu đồng và 5.115 người (F1)/5.526,48 triệu đồng; hỗ trợ thêm cho 1.247 trẻ em (F0, F1)/1.247 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, tỉnh đã hỗ trợ cho 02 đơn vị/26 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 96,46 triệu đồng; 45 người lao động là hướng dẫn viên du lịch với số tiền 166,95 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.652 hộ kinh doanh/7.956 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 06 doanh nghiệp/411 người/1.555 triệu đồng. Đối với chính sách hỗ trợ lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác theo điểm 12, mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 42.629 người/63.943 triệu đồng.

Có thể nhận thấy, những kết quả nổi bật nêu trên của tỉnh Bình Thuận xuất phát từ công tác lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo đúng trình tự, thủ tục rút gọn, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả của UBND và các Sở, ban ngành tỉnh. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã tác động tích cực đến mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh bước đầu trở lại hoạt động có sự khởi sắc hơn, hứa hẹn trong năm 2022 sẽ có nhiều bứt phá mới vượt bậc.

Khép lại năm 2021, tuy Việt Nam bước đầu đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn còn nhiều phức tạp với những biến chủng mới – Delta và Omicron, có khả năng lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nước nhà. Vì vậy, việc triển khai kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ở các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng là giải pháp thiết thực nhất nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua các khó khăn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số