Tin mới nhất

Vai trò của C. Mác và Ph. Ăngghen với sự ra đời của phép biện chứng duy vật

Phép biện chứng duy vật là một học thuyết khoa học, là linh hồn của chủ nghĩa Mác, là đỉnh cao của tư duy khoa học mà nhân loại đã đạt được thông qua bộ óc thiên tài của C. Mác vào giữa thế kỷ XIX. Sau đó đã được Ph.Ăngghen bổ sung, hoàn thiện vào cuối thế kỷ XIX và được V.I. Lênin phát triển trong điều kiện cách mạng mới vào đầu thế kỷ XX.

Phép biện chứng duy vật duy ra đời dựa trên cơ sở thành tựu khoa học tự nhiên (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) cùng với sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản đã cung cấp thực tiễn cho C. Mác và Ph. Ănghen đúc kết, kiểm nghiệm lý luận của mình.

Ngay từ thời trẻ, C. Mác Ph. Ăngghen đã nghiên cứu triết học. Các ông đã nghiên cứu lịch sử triết học từ thời cổ đại Hy Lạp, La Mã, đến triết học thế kỷ XVII - XVIII của Anh và Pháp; các ông học triết học cổ điển Đức, nhất là triết học của Hêghen, trở thành thành viên của phái Hêghen trẻ. Hai ông hoan nghênh những quan điểm biện chứng của Hêghen, tiếp thu cái nhân hợp lý của phép biện chứng Hêghen, phê phán những quan điểm duy tâm của ông ta và sáng lập ra phép biện chứng duy vật.

C. Mác viết: “Tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải ở trong tay Hêghen tuyệt nhiên không ngăn cản Hêghen trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng. Ở Hêghen, phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Chỉ cần dựng nó lại là sẽ phát hiện được cái nhân hợp lý của nó ở đằng sau cái vỏ thần bí của nó”[1]. Ph. Ăngghen viết: “Công lao của Mác là ở chỗ ông là người đầu tiên đã phục hồi lại phương pháp biện chứng đã bị bỏ quên, nêu rõ những mối quan hệ và sự khác nhau của phương pháp đó với phép biện chứng của Hêghen và đồng thời, trong bộ “Tư bản”, ông đã áp dụng phương pháp đó vào những sự kiện của một khoa học thực nghiệm xác định, khoa kinh tế chính trị”[2].

C. Mác là người đầu tiên sáng lập ra phép biện chứng duy vật, nhưng ông không có thời gian để viết một tác phẩm nào riêng về lý luận phép biện chứng duy vật, ông chỉ để lại cho chúng ta “Phép biện chứng của tư bản”. Chính Ph. Ăngghen đã có công lớn trong việc trình bày lý luận về phép biện chứng duy vật một cách khoa học trong hai tác phẩm: Biện chứng của tự nhiênChống Đuyrinh. Biện chứng của tự nhiên là một trong những tác phẩm chính của Ph. Ăngghen, trong đó đã tổng kết những thành tựu quan trọng nhất của khoa học tự nhiên giữa thế kỷ XIX trên quan điểm duy vật biện chứng. Ông đã trình bày và phát triển phép biện chứng duy vật, phê phán những quan điểm siêu hình và duy tâm trong khoa học tự nhiên. Tác phẩm Biện chứng của tự nhiên là kết quả của những nghiên cứu cơ bản trong nhiều năm (từ 1873 - 1886) của Ph. Ăngghen về các lĩnh vực khoa học tự nhiên: toán học, cơ học, vật lý học, sinh vật học, thiên văn học v.v..

Ph. Ăngghen bắt đầu viết tác phẩm Biện chứng của tự nhiên từ năm 1873 đến 1876. Dựa trên những tài liệu của Biện chứng của tự nhiên, từ năm 1876 đến 1878, Ph. Ăngghen viết tác phẩm Chống Đuyrinh, được xuất bản năm 1878. Sau khi C. Mác mất (1883), Ph. Ăngghen hoàn toàn bị thu hút vào việc hoàn thành xuất bản bộ Tư bản và vào việc lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế, nên ông buộc phải ngừng viết tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, do đó tác phẩm còn đang viết dở dang (cuốn Biện chứng của tự nhiên được xuất bản toàn văn lần đầu tiên ở Liên Xô năm 1925 bằng tiếng Đức và tiếng Nga). Nghiên cứu hai tác phẩm: Biện chứng của tự nhiênChống Đuyrinh, chúng ta nắm được toàn bộ những quan điểm lý luận của Ph. Ăngghen về biện chứng duy vật. Chống Đuyrinh là một tác phẩm bút chiến, nhưng đồng thời lại có tính chất giáo khoa, trong đó Ph. Ăngghen đã trình bày rõ ràng ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác nói chung và phép biện chứng duy vật nói riêng. Tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, cung cấp cho chúng ta cơ sở khoa học để chứng minh cho các quy luật biện chứng duy vật.

Như vậy, phép biện chứng duy vật của C. Mác và Ph. Ăngghen là sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng, nó khác với các học thuyết triết học trước đây. Phép biện chứng duy vật với đặc trưng cơ bản:

Một là, phép biện chứng duy vật là phép biện chứng được xác lập trên nền tảng của thế giới quan duy vật khoa học. Với đặc trưng này, phép biện chứng duy vật không chỉ có sự khác biệt căn bản với phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức, đặc biệt là với phép biện chứng của Hêghen (là phép biện chứng được xác lập trên nền tảng thế giới quan duy tâm), mà còn có sự khác biệt về trình độ phát triển so với nhiều tư tưởng biện chứng đã từng có trong lịch sử triết học từ thời cổ đại (là phép biện chứng về căn bản được xây dựng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật nhưng đó là chủ nghĩa duy vật còn ở trình độ trực quan, ngây thơ và chất phác).

Hai là, trong phép biện chứng duy vật có sự thống nhất giữa nội dung thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật. Mỗi nguyên lý, quy luật trong phép biện chứng duy vật không chỉ là sự giải thích đúng đắn về tính biện chứng của thế giới mà còn là phương pháp luận khoa học của việc nhận thức và cải tạo thế giới.

Tóm lại, với vai trò to lớn của C. Mác và Ph. Ăngghen trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, hai ông đã tạo ra phép biện chứng duy vật - đây là một nội dung đặc biệt quan trọng trong thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời nó cũng là thế giới quan và phương pháp luận chung nhất của hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn./.


[1] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1994, t. 20, tr. 494.

[2] Sđd, tr. 493-494


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số