Tin mới nhất

Mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030

Công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm và cơ cấu của công nghiệp văn hóa. UNESCO quan niệm: Công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), và các nội dung sáng tạo được bảo vệ bản quyền. Khái niệm công nghiệp liên quan đến sản phẩm hàng hoá còn khái niệm văn hoá thường diễn đạt ý niệm trừu tượng về giá trị. Ghép hai khái niệm này đã làm bộc lộ những sức mạnh tiềm ẩn của văn hoá về phương diện kinh tế mà trước đây ít được chú ý [1].

Bên cạnh thuật ngữ “công nghiệp văn hoá” (cultural industries) còn có một số thuật ngữ khác như: công nghệ sáng tạo (creative industries), kinh tế sáng tạo (creative economy), công nghiệp bản quyền (copyright industries) hay công nghiệp giải trí (entertainment industries)…

Ngày nay, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan điểm về phát triển công nghiệp văn hoá được Đảng ta bắt đầu hình thành từ năm 1986 trong các văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và được khẳng định cụ thể tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trương khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định: “Phát triển công nghiệp văn hoá nhằm khai thác và phát huy những tiền năng và giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá và công nghiệp văn hoá” [2]. Có thể nói, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về vai trò của văn hoá khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam.

Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa.

Trong những năm qua, công nghiệp văn hoá ở Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định như: Theo thống kê chưa đầy đủ, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 20152, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019 [3].

Đối với ngành điện ảnh: Doanh thu của ngành điện ảnh Việt Nam liên tục gia tăng; năm 2016, doanh thu khu vực doanh nghiệp điện ảnh đạt 1.073 tỷ đồng; năm 2017, doanh thu ngành này đạt 3.228 tỷ đồng (tương đương khoảng 140 triệu USD); năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỷ đồng (tương đương khoảng 145 triệu USD); số liệu 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 200 tỷ đồng; phát hành 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 80 phim truyện nước ngoài; số đội chiếu phim lưu động là 264 đội, phục vụ khoảng 9.096.206 lượt người xem [3].

Đối với ngành nghệ thuật biểu diễn: Đây là một ngành truyền thống của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với nhiều loại hình biểu diễn như: ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, opêra, balê, kịch hát dân ca, tạp kỹ,... Cùng với sự phát triển về loại hình biểu diễn, doanh thu ngành cũng liên tục gia tăng; theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2018, doanh thu ngành này đạt khoảng 104.165.240.400 đồng (doanh thu bán vé), với 2.118 buổi biểu diễn. Doanh thu năm 2018 gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số kinh phí tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 42.697.665.000 đồng2. Đối với ngành quảng cáo: Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu quảng cáo trên các phương tiện truyền hình là 64.104.908.921 đồng; trên báo in: 1.067.129.234 đồng; trên tạp chí: 762.907.174 đồng; trên rađiô: 1.462.066.374 đồng. Số lượng doan nghiệp của ngành quảng cáo đến năm 2017 có 2.963. Đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành phố ban hành quy hoạch quảng cáo và đi vào triển khai thực hiện [3].

Đối với ngành du lịch: Trong những năm gần, khách quốc tế đến thăm Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng không chỉ về quy mô du khách (đạt trên 1,8 triệu lượt khách năm 2019) mà còn cả về tốc độ tăng trưởng du khách (đạt mức bình quân 23%/năm trong giai đoạn 2016-2019). Năm 2019, tổng thu từ ngành du lịch của Việt Nam đạt 700.000 tỷ đồng tạo bước đột phá về năng lực cạnh tranh. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019. Theo đó, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140, tăng 4 bậc so với năm 2017. Xếp hạng của du lịch Việt Nam tăng đáng kể so với Thái Lan (tăng 3 bậc), Campuchia (tăng 3 bậc), Indonesia (tăng 2 bậc), Singapore (giảm 4 bậc), Malaysia (giảm 3 bậc) và Lào (giảm 3 bậc)2. Những số liệu này cho thấy, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam [3]…

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam với mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 như sau:

“- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau:

+ Ngành điện ảnh đạt 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD).

+ Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt 31 triệu USD.

+ Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD.

+ Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, Internet và quảng cáo ngoài trời) đạt 3.200 triệu USD.

+ Ngành du lịch văn hoá chiếm 15-20% trong tổng số 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

- Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hoá một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hoá có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hoá toàn cầu” [4]

Đồng thời Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đề ra giải pháp cụ thể thực hiện như [4]:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện Điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Rà soát, Điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

Củng cố mô hình tổ chức, nâng cao năng lực của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả và các tổ chức dịch vụ quyền tác giả.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa.

Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch (nếu cần thiết).

Ba là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền có hiệu quả; hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa và lĩnh vực bản quyền.

Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Việt Nam làm việc.

Bốn là, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ.

Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.

Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm. Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.

Năm là, thu hút và hỗ trợ đầu tư

Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến.

Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.

Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Sáu là, phát triển thị trường

Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng.

Huy động các nguồn lực trong xã hội để hình thành và phát triển 3 trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm gắn với các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế.

Bảy là, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.

Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của đất nước tại các hội chợ quốc tế, liên hoan quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2014, tr.56,

[2] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Văn hoá và Phát triển, Nxb.Lý luận chính trị, Hà Nội.

[3] Kỷ yếu Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tr. 212, 213.

[4] Thủ tướng Chính phủ: Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 08/9/2016.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số