Tin mới nhất

Hội Nông dân huyện Hàm Tân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện nhà

Huyện Hàm Tân là cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ; sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận; sự tạo điều kiện của chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tạo thêm động lực cho cán bộ, hội viên, nông dân huyện Hàm Tân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất trong nhân dân.

Với chức năng tập hợp, vận động nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến hội viên, nông dân như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; Quyết định số 295-QĐ/HNDT, ngày 19/01/2021 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu thi đua năm 2021; Quyết định số 249-QĐ/HU, ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về việc giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 cho Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện.... Qua đó, tư tưởng của cán bộ và phần lớn hội viên nông dân phấn khởi, tin tưởng và tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau luôn được phát huy. Tình hình sản xuất, đời sống đại đa số hội viên, nông dân tương đối ổn định và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững; an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân ngày càng nâng cao; kinh tế, xã hội ở nông thôn có phần khởi sắc.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm, hướng dẫn đầy trách nhiệm của các cán bộ Hội Nông dân huyện trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân, hiện nay tổng diện tích gieo trồng 31.765 ha, đạt 103,38% so với kế hoạch năm, bằng 100,99% so với năm trước; sản lượng lương thực có hạt đạt 12.999 tấn, đạt 88,80% kế hoạch năm, bằng 94,25% so với năm trước. Về cây lâu năm, diện tích hiện có 12.780 ha đạt 106,5% kế hoạch, bằng 101,26%, tăng 158,7 ha so với năm trước, chủ yếu tăng diện tích cây thanh long.

Để tiếp tục giúp nông dân ổn định, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Hội Nông dân huyện đã xây dựng chương trình hành động nhằm vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích nghi tốt điều kiện địa phương, có năng suất chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vận động nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả như: mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun tiết kiệm nước trên cây thanh long, mô hình nuôi heo, gia cầm trên đệm lót sinh học, mô hình nuôi bò sinh sản, thâm canh vườn điều, cải tạo vườn nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm vàng, mô hình trồng củ kiệu trên đất lúa, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình nuôi vịt siêu trứng...

Hội tham mưu UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SX – KD) giỏi của huyện nhằm hướng dẫn các cơ sở Hội phát động hội viên nông dân đăng ký danh hiệu Nông dân thi đua SX - KD giỏi, (có 4.084 hộ đăng ký, kết quả có 3.340 hộ đạt danh hiệu Nông dân thi đua SX - KD giỏi các cấp, đạt 100% chỉ tiêu Tỉnh Hội giao) và đã có nhiều gương điển hình Nông dân SX - KD giỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động nông thôn như: Ông Phạm Văn Động - Tân Đức (mô hình VAC), Ông Hà Thành Chánh - Thắng Hải (trồng xoài) Ông Võ Văn Sót – Thắng Hải (trồng bơ, tiêu, nuôi dê, vịt lấy trứng),…

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân, thông qua việc hội viên nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng nông thôn như: hiến 5.000m2 đất làm đường sỏi đỏ dài 10.844m, tu sửa 600m đường bằng đá 04, làm đường bêtông hoá 2.779m, trồng hoa 2 bên đường, trước đài tưởng niệm liệt sỹ dài 3.020m (hơn 3 tỷ đồng), lắp đặt các trụ và bóng đèn chiếu sáng trên một số trục đường chính bóng đèn trên trục đường chính của thôn Hồ Lân, (Tân Thắng), đường Nguyễn Thông KP4 và KP2, thị trấn Tân Minh, đồng thời xây dựng mô hình "bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu". Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân tăng, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện Hàm Tân đã đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh cụ thể:

Trong hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất Hội đã phối hợp tốt với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, ngân hàng CSXH củng cố, thành lập tổ liên kết, tổ tiết kiệm, Quản lý tốt các nguồn vốn vay và đáp ứng nguồn vốn vay cho bà con nông dân, tính đến nay, vốn vay ngân hàng CSXH: Dư nợ 97, 558 tỷ đồng/2.789 hộ vay/62 tổ; vốn vay ngân hàng Nông nghiệp & PTNT: Dư nợ 134,184 tỷ đồng/1.163 hộ /62 tổ. Tổng các nguồn vốn hiện nay do Hội quản lý là 240,092 tỷ đồng/ 4.169 hộ vay/ 125 tổ. Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân được quan tâm đúng mức thông qua việc Hội tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở vật tư nông nghiệp cung ứng, hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm, hỗ trợ một phần chi phí cho những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu. Vận động hội viên giúp nhau vượt khó, thoát nghèo với số vật tư (cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lương thực,...) tính giá trị thành tiền là 512 triệu đồng; phối hợp với Cty Cổ Phần bóng đèn phích nước Rạng Đông triển khai cho hội viên nông dân mua bóng đèn chong thanh long trả chậm.

Hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm luôn được chú trọng, thông qua việc phối hợp với Câu lạc bộ Keo lá tràm Sơn Mỹ tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân các xã, thị trấn (Tân Đức, Tân Minh và Tân phúc) thăm quan học tập mô hình và tiếp cận giống cây tràm mới AH1, AH7 (Hom và cấy mô) tại viện nghiên cứu lâm nghiệp Miền Nam (Bình Dương và Đồng Nai); Phối hợp với công ty mít Vạn Tấn Thành, tỉnh Vĩnh Long tổ chức 06 lớp tập huấn trồng cây mít nghệ có 121 hội viên, nông dân tham dự, qua đó xây dựng được 08 mô hình/ 08 hộ thực hiện. Thành lập "Tổ hợp tác Vườn lan" tại KP4, thị trấn Tân Minh với 11 thành viên. Phối hợp với Viện khoa học cây giống Miền nam, và hiệp hội cây điều Bình Dương hỗ trợ triển khai thực hiện làm mô hình trồng mới thực nghiệm giống điều AB-0508, PN, AB29, với tổng diện tích 10 ha, cây giống hỗ trợ 50%. Triển khai mô hình nuôi thỏ thực nghiệm tại thôn 2 xã Tân Phúc với 02 hộ/100 con (trung tâm dịch vụ nông nghiệp Hàm Tân đầu tư hỗ trợ 50% về con giống và thức ăn). Hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Thương hiệu “Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải” đến với người tiêu dùng, phần lớn sản phẩm được chấp nhận tại nhiều siêu thị. Với việc được chứng nhận nhãn hiệu, nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.

Hội chú trọng việc lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như Luật cán bộ công chức, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hợp tác xã, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật An ninh mạng thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội,... Đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, treo băng rôn, khẩu hiệu,… nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân. Phối hợp tốt với các ngành chức năng tham gia hòa giải thành các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của nông dân tại cơ sở; trợ giúp pháp lý và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân cho cán bộ, hội viên, nông dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thời tiết có lúc nắng hạn kéo dài, mưa trái vụ. Sản phẩm nông nghiệp tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của thị trường. Tập quán sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán, lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn, giá cả nông sản, vật nuôi không ổn định. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Trình độ văn hóa, tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực trong nông dân còn thấp. Hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao, tình hình tranh chấp biển đảo diển biến khó lường ảnh hưởng đến việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Một số mô hình hoạt động hiệu quả nhưng chưa duy trì được. Hoạt động của tổ chức Hội ở một số địa bàn đôi khi chưa đi vào chiều sâu, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, có đổi mới nhưng còn chậm.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng, Hội Nông dân và nông dân huyện Hàm Tân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, khát vọng vươn lên từ những khó khăn cùng với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của hội viên, nông dân, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà./.


Tài liệu tham khảo:

Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số