Tin mới nhất

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữ cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị.

Bình Thuận có 35 thành phần dân tộc; dân số 1.239.800 khẩu/332.430 hộ; trong đó, có 34 dân tộc thiểu số (DTTS), với 102.950 khẩu/24.951 hộ,chiếm trên 8% dân số của tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các DTTS cùng với nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS được chú trọng; kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống, thu nhập của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào các DTTS có nhiều chuyển biến tiến bộ; các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS căn bản được giữ vững. Đại đa số đồng bào yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi trước sự phát triển của địa phương; qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận có nguồn gốc, xuất thân từ nhiều thành phần, dân tộc, ngành nghề, trình độ học vấn khác nhau (Raglai 26 người, Chăm 26 người, Cơ ho 18 người, Chơro 06 người, Tày 07 người, Nùng 03 người, Hoa 04 người và Hrê 01 người) thuộc 8/10 huyện, thị và thành phố), gồm: Già làng, tộc trưởng, trưởng thôn, tổ tự quản, cán bộ đã nghỉ hưu, cán bộ, công chức đang công tác, đảng viên, chức sắc, thầy cúng, thầy mo, bà bóng, nhân sĩ, trí thức,… đội ngũ này có vai trò hết sức quan trọng trong việc phối hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới: Người có uy tín luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, cụ thể: Vận động đồng bào tự lực vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hạn chế tính ỷ lại, dựa dẫm vào các chính sách của Nhà nước và là người truyền tải các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các hộ đồng bào DTTS. Nhiều đồng bào và gia đình người có uy tín đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, thành lập trang trại sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh được nhân rộng để các hộ đồng bào học tập kinh nghiệm.

Người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tại địa phương, bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo đã phát huy trách nhiệm công dân, giới thiệu nhiều ứng cử viên là chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cử tri trong tỉnh tham gia bầu cử đạt 99,96%, tại nhiều xã có đông đồng bào theo tôn giáo, vùng DTTS, cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 100%, kết quả trúng cử đại biểu là người DTTS tăng so với khóa trước (Quốc hội 01; Hội đồng nhân dân tỉnh 02; Hội đồng nhân dân cấp huyện là 21 và cấp xã là 438 người), góp phần cùng Đảng, chính quyền tổ chức thành công nhiệm vụ chính trị trọng đại của quê hương, đất nước.

Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội: Hầu hết người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động đồng bào ở địa phương đóng góp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc, chống lại các thế lực thù địch, phần tử xấu, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Nhà nước ta. Bên cạnh đó, người có uy tín đã nắm bắt thông tin về tình hình an ninh trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS để báo cáo các cấp, các ngành kịp thời giải quyết. Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng ổn định, những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đều được ngăn chặn kịp thời, không có điểm nóng xảy ra.

Trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc. Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận đã cùng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, nhân sĩ trí thức phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Vận động bà con tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phát triển và bảo tồn các ngành nghề truyền thống như nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, đan lát; vận động lớp trẻ giữ gìn nếp sống văn hóa của dân tộc và mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt các lễ hội như: Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn; tết Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; tết Đầu lúa; Lễ hội văn hóa - thể thao ở các xã cùng cao, ngày Hội văn hóa các xã miền núi tỉnh Bình Thuận; Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa…

Thực tế đã khẳng định, người có uy tín trong đồng bào DTTS là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc; vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa; phòng, chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Vì vậy, cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS và công tác vận động người có uy tín phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS; tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ đối với các lĩnh vực của đời sống, xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của từng người có uy tín để họ được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cư trú. Đồng thời, thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín để họ yên tâm, tích cực hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội nói chung và cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói riêng./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số