Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 thì vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm thì bị xử lý hành chính. Theo đó xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính là khác nhau, sau đây là một số điểm khác biệt cơ bản:
Thứ nhất, về khái niệm xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính[1].
Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc[2].
Thứ hai, về đối tượng áp dụng
Đối với xử phạt vi phạm hành chính có đối tượng áp dụng là các cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Còn đối với xử lý hành chính chỉ áp dụng với cá nhân trong nước. Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
Thứ ba, khác nhau về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và hình thức xử lý hành chính
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.
Đối với xử lý hành chính, có các hình thức gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ tư, khác nhau về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hiệu xử lý hành chính
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu của xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm; Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với thời hiệu các biện pháp xử lý hành chính: Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tùy từng trường hợp cụ thể sẽ là: từ 03 tháng – 01 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm; Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tùy từng trường hợp sẽ là từ: 06 tháng- 01 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm; Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm; Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm.
Thứ năm về thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Trên đây là một số điểm giúp chúng ta phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính. Qua đó có thể thấy, xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính là “2 mảnh ghép” của xử lý vi phạm hành chính. Xử lý vi phạm hành chính là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác./.
[1] khoản 2 Điều 2, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
[2] khoản 3 Điều 2, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012