Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2014 hiện là văn bản pháp luật cơ bản của nước ta trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, trong đó có phụ nữ, kể cả khi hôn nhân tồn tại hoặc khi ly hôn. Luật quy định rõ các quyền, nghĩa vụ, đồng thời điều chỉnh quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc tiến bộ và bình đẳng, kể cả khi ly hôn. Khi ly hôn xảy ra sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân, tài sản chung của vợ, chồng; việc cấp dưỡng, quyền nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Việc pháp luật ghi nhận quyền của phụ nữ sau ly hôn là nhằm bảo đảm thực hiện các quyền này đầy đủ trên thực tế, cụ thể:
Thứ nhất, quyền nuôi con: Khoản 2, khoản 3, Điều 81, Luật HN&GĐ năm 2014 của Việt Nam quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn sau khi ly hôn như sau:
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Quy định nêu trên thể hiện quyền ưu tiên nuôi con về phía người mẹ trong trường hợp ly hôn - bảo đảm thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, trong giai đoạn nhạy cảm của cuộc đời.
Thứ hai, quyền được thăm nom con sau khi ly hôn: Mặc dù được ưu tiên song không phải khi nào phụ nữ khi ly hôn cũng được toà án quyết định trao quyền nuôi con. Đó là bởi ngoài vấn đề thiên chức làm mẹ, việc nuôi dưỡng một đứa trẻ còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác như về kinh tế, tinh thần, xã hội…Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết ở tất cả quốc gia, đều có những trường hợp khi ly hôn toà án quyết định việc nuôi con thuộc về người chồng chứ không phải người vợ.
Trong bối cảnh nêu trên, người vợ phải được hưởng quyền được thăm nom con cái sau khi ly hôn. Cụ thể, ở Việt Nam, khoản 3, Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Quy định trên không những tạo cho người phụ nữ được thực hiện quyền của mình mà còn bảo đảm cho người con được hưởng sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ cho sự tăng trưởng và phát triển của con cái.
Thứ ba, quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: Gắn với quyền được nuôi và thăm nom con chung, pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, còn quy định quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014 của Việt Nam thì sau khi ly hôn: “Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này. Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con”. Quyền này áp dụng cho cả vợ và chồng nhưng có ý nghĩa quan trọng hơn với người vợ. Đó là bởi nó cho phép người phụ nữ không được trực tiếp nuôi con khi có thỏa thuận về việc thay đổi hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện chăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục con thì có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Điều này giúp người phụ nữ có cơ hội được chăm sóc con mình sau khi ly hôn trong trường hợp trước đó họ không có đủ điều kiện để được nuôi dưỡng, chăm sóc con của mình.
Thứ tư, quyền chia tài sản vợ chồng sau khi ly hôn: Tài sản chung là một vấn đề cốt lõi cần giải quyết trong các vụ việc ly hôn. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không còn chỉ bó hẹp ở các công việc nội trợ, chăm sóc con cái, mà họ cũng tham gia lao động, sản xuất đóng góp vào kinh tế gia đình. Hơn nữa, các công việc này cũng được xem là những công việc gián tiếp tạo ra tài sản chung của vợ chồng trong hôn nhân. Vì thế việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là một yêu cầu không thể thiếu. Cụ thể, Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 nêu rõ:
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng…
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Thứ năm, quyền lưu cư (ở lại nơi đã từng cư trú): Khi hôn nhân còn tồn tại, vợ chồng và con cái thường sống cùng nhau dưới một mái nhà. Tuy nhiên, khi ly hôn, cách thức tổ chức cuộc sống như vậy không còn phù hợp nữa, dẫn đến yêu cầu quyết định trong hai vợ chồng ai là người được quyền tiếp tục sinh sống trong mái nhà xưa của họ.
Trong thời phong kiến, người phụ nữ đi lấy chồng là “xuất giá tòng phu” - một trong nghĩa của nó tức là theo về nhà chồng, vì thế khi ly hôn họ buộc phải rời khỏi nhà chồng mà không có quyền đòi hỏi gì. Tuy nhiên, Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2014 nước ta quy định: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Quy định nêu trên giúp người phụ nữ thoát khỏi tư tưởng phong kiến, phong tục, tập quán lạc hậu, giúp họ có được sự độc lập trong gia đình. Khi chấm dứt quan hệ hôn nhân họ không bị rơi vào hoàn cảnh không có nơi lưu trú và có thời gian để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của mình.
Thứ sáu, quyền được cấp dưỡng: Nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau giữa vợ và chồng có thể xem là một hệ quả của quyền của các bên sau khi ly hôn. Quyền này thông thường có tính chất quan trọng hơn với phụ nữ, bởi phụ nữ nói chung có sự yếu thế hơn về mặt kinh tế so với người chồng của họ. Theo Điều 115 Luật HN&GĐ năm 2014: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.
Thứ bảy, quyền đại diện cho con: Theo Khoản 1, Điều 73 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về đại diện cho con: “Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật”.
Thứ tám, quyền được thay đổi họ, tên cho con: Theo điểm a, Khoản 1, Điều 27, Luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về quyền thay đổi họ: “thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại”. Quyền của người phụ nữ trong việc thay đổi họ của con, theo đó họ của con có thể được thay đổi theo họ mẹ.
Thứ chín, quyền giáo dục con: Khi quan hệ hôn nhân chấm dứt, không làm mất đi quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, phụ nữ sau khi ly hôn vẫn có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Theo Khoản 1, Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền giáo dục con: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con”.
Như vậy, bảo đảm quyền của phụ nữ sau ly hôn chính là thành quả của sự tiến bộ về giới, xoá bỏ những hạn chế về quyền của người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình. Hiện nay, việc bảo đảm quyền của phụ nữ nói chung, quyền của phụ nữ sau khi ly hôn nói riêng còn là động lực thúc đẩy cho sự tham gia, phát triển mạnh mẽ của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ngoài ra, bảo đảm quyền của phụ nữ sau ly hôn còn là cơ sở, tiền đề cho việc phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển đất nước, bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện trên thực tế, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển xã hội, hạn chế những vi phạm trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ sau ly hôn nhằm bảo đảm cho phụ nữ sau ly hôn có được cuộc sống ổn định, bình đẳng, tiến bộ trong một xã hội dân chủ, văn minh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
2. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014.
3. “Quốc triều hình luật”, Nxb Pháp lý, Hà Nội 1991.