Tin mới nhất

Để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận

Phát huy lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, trong những năm qua, Bình Thuận đã xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế vốn có. 

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn có giá trị cùng với điều kiện vị trí địa lý khá thuận lợi, Bình Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều nguồn lực phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, có định hướng, đề ra mục tiêu phát triển cụ thể, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, tạo thuận lợi cho du lịch pháp triển nhanh, bền vững và trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch ở tỉnh Bình Thuận đã có bước chuyển biến quan trọng. Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch tăng mạnh, tập trung vào các lĩnh vực lưu trú, bất động sản du lịch, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, đảm bảo an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã được chú trọng. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả. Đặc biệt, các chỉ tiêu kinh doanh du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao. Từ năm 2016 đến cuối năm 2021, lượng du khách đến Bình Thuận tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó du khách quốc tế tăng bình quân 12,79%/năm, khách nội địa tăng bình quân 10,75%/năm. Năm 2018, toàn tỉnh đón được 4.200.100 lượt, tăng 11,7% so với năm 2015, trong đó du khách quốc tế đạt 455.000 lượt khách, tăng 13,4%. Sáu tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đón khoảng 2.173.000 lượt du khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 271.000 lượt, tăng 25,3%. Du khách quốc tế đến Bình Thuận chiếm từ 11 - 12%, chủ yếu là du khách Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Thái Lan, Pháp, Hà Lan, Úc... Chi tiêu bình quân của du khách nội địa khoảng 0,802 triệu đồng/ngày/người, tăng bình quân 9,6%/năm; chi tiêu của du khách quốc tế khoảng 2,594 triệu đồng/ngày/người, tăng bình quân 10,1%/năm. Doanh thu du lịch của tỉnh tăng bình quân 24,78%/năm; năm 2015 đạt 7.642 tỷ đồng, tăng 18,46% so với năm 2014; sáu tháng đầu năm 2016 đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 19,11% so với cùng kỳ năm 2015. GRDP du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 6,04%/năm. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực du lịch. Thế nên năm 2020, 2021, lượng khách đến Bình Thuận giảm gần 45% (khách quốc tế giảm hơn 86%) và doanh thu từ hoạt động du lịch giảm gần 43% so với năm 2019.

Song song với những thành tựu trong lĩnh vực du lịch đã đạt được thì ngành cũng nghiêm túc thừa nhận rằng, những kết quả trên còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Sự hạn chế này thể hiện ở một số vấn đề chính như: du lịch mới chú trọng phát triển bề rộng mà còn thiếu chiều sâu, phát triển chưa đồng bộ, thiếu tính chiến lược và hiệu quả chưa cao, sản phẩm du lịch còn ít, môi trường du lịch chưa hấp dẫn…

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên là do: Nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ, toàn diện; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp đối với phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức; Công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa hiệu lực, hiệu quả; Vốn đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng phục vụ du lịch còn rất hạn chế; Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh chậm được ban hành; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch còn bất cập giữa lý thuyết và thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, đặc biệt là trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm đưa ngành du lịch  trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của toàn tỉnh, bản thân thiết nghĩ cần phải thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch bền vững; xây dựng hình ảnh con người và thiên nhiên Bình Thuận thân thiện, nghĩa tình đối với du khách. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất quyết định đến thương hiệu, hình ảnh của du lịch Bình Thuận.

Thứ hai, đổi mới công tác xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận. Huy động các nguồn kinh phí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn khác… nhằm đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch. Đẩy mạnh hợp tác liên kết các tỉnh, thành, các vùng, miền trong xúc tiến du lịch; Tranh thủ hỗ trợ của Bộ ngoại giao, Đại sứ quán, lãnh sự quán trong hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tập trung xây dựng và triển khai Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận và Đề án truyền thông nhằm tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả, sâu rộng, có sức truyền tải các thông điệp giá trị của du lịch tỉnh nhà.

Thứ ba, tăng cường kết nối, hoàn thiện, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tiến hành ra soát, thống kê, phân loại và xếp hạng tài nguyên du lịch; trên cơ sở đó huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo các di tích, xây dựng các loại hình phù hợp với từng loại tài nguyên; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới điển hình, đặc trưng của tỉnh nhà nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để từ đó tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan xây dựng sản phẩm du lịch cốt lõi, sự kiện du lịch thường niên gắn với thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận, tạo điểm nhấn để nhằm thu hút du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Thứ tư, chú trọng công tác cải thiện môi trường du lịch. Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật cho người dân và du khách nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong giữ gìn môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp – an toàn – thân thiện – hấp dẫn; áp dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt và triệt để trong việc thiết lập lại trật tự, giải quyết dứt điểm những vấn nạn ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo, ép khách…

Năm là, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, phục vụ du lịch./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số