Tin mới nhất

Tỉnh Bình Thuận quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Trong 02 năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, tăng trưởng kinh tế có chậm lại (1); nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô; các lĩnh vực du lịch vận tải hàng hóa, hành khách bị gián đoạn, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ vui chơi, giải trí… suy giảm. Đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng. Những kết quả trên ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2021-2025) của tỉnh nói chung, Kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm nói riêng. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch nhằm phục hồi phát triển KT-XH của tỉnh nhà là một yêu cầu bức thiết đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Qua nhận định tình hình diễn biến dịch Covid-19 và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ (2), các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, ngày 21/3/2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 819/KH-UBND về phục hồi  và phát triển KT-XH tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ với nội dung đáng chú ý, thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong việc nỗ lực phục hồi phát triển KT-XH, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế chung của cả nước.

Với quan điểm chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển KT-XH và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Tập trung thưc hiện 3 trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, cần phục hồi nhanh, đón đầu và thích ứng những thay đổi về cách thực, mô hình và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế; cơ cấu lại thị trường gắn với các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH dựa trên thực hiện tốt các chính sách của Trung ương; đồng thời lồng ghép với các chính sách đã được ban hành, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; bảo đảm hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng, gắn với cơ chế hậu kiểm. Mặt khác, phải bảo đảm gắn kết, hài hòa các chính sách, giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19 để phát triển bền vững.

Theo đó, địa phương đã xác định 3 mục tiêu chủ yếu:

1. Khôi phục phát triển nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 7,0-7,5%, năm 2023 là 7,6%, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 7,0-7,5%.

2. Phục hồi phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

3. Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong 2 năm 2022 và 2023.

Một là, Thực hiện tốt các giải pháp từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Trên lĩnh vực du lịch, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chuẩn bị tốt các điều kiện đăng cai năm du lịch quốc gia 2023. Xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch Covid-19.

Trên lĩnh vực công nghiệp, cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn. Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông – lâm- thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức), các cụm công nghiệp (Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2, Nam Hà 3, Tân Bình 1, Nghị Đức). Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong khu, cụm công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Quan tâm đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục, triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án năng lượng tái tạo.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, cần triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng. Chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Trên lĩnh vực vận tải, cần tổ chức quản lý, điều hành tốt hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, đảm bảo thông suốt, an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch phù hợp với quy định. Phát huy hiệu quả hoạt động của Cảng Quốc tế Vĩnh Tân gắn với phát triển các dịch vụ logistics.

Hai là, Thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Tăng cường công tác quản lý, điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, tham mưu điều tiết kịp thời, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Vận động thu hút các tập đoàn, công ty phân phối nước ngoài vào đầu tư kinh doanh các loại hình bán buôn, bán lẻ quy mô lớn và hiện đại. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kịp thời cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh.

Ba là, Phục hồi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác lập các quy hoạch của tỉnh về xây dựng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Hàm Tân, LaGi; Kế hoạch sử dụng quỹ đất … Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trọng điểm như Hồ Ka Pét, Cảng hàng không Phan Thiết…Nâng cao quản lý chất lượng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công.

Bốn là, Tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với các thủ tục rõ ràng, đơn giản, giải quyết nhanh gọn, kịp thời. Tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa hệ thống thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách.

Năm là, Hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ việc làm. Theo đó, cần tập trung điều tra, khảo sát, cập nhật, khai thác có hiệu quả nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, người có công.

Sáu là, Về hỗ trợ thông tin, chuyển đổi số. Hỗ trợ, tạo cơ sở pháp lý thu hút các doanh nghiệp nền tảng số, các cơ quan, tổ chức có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ, đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp; nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng mạng thông tin di động 4G, 5G.

Bảy là, Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đón đầu các thời cơ, cơ hội mới. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số Hiệu quả Quản trị hành chính công. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Tám là, Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch tái phát, lan rộng, đảm bảo 03 yêu cầu: An toàn-Linh hoạt-Hiệu quả. Xây dựng kế hoạch phòng, chống, kiểm soát thích ứng với dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm hiệu quả khoa học. Tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở.    

Chín là, Về an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, không vì lợi nhuận.

Mười là, Về các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao. Tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp an toàn, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả theo diễn biến của dịch Covid-19. Tăng cường công tác vận động học sinh tham gia học tập, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền, cổ động, triển lãm…phục vụ các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, địa phương và nhiệm vụ chính trị của tỉnh đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh./.


(1) GRDP năm 2021 tăng 2,77%

(2) về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số