Tin mới nhất

Nâng cao năng lực nhận thức và năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong giai đoạn hiện nay

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc (1)". "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" (2). Thấm nhuần lời dạy của Người thì việc nâng cao năng lực nhận thức và năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng vì “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (3).

Năng lực nhận thức và năng lực thực thi pháp luật là khả năng của CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là sử dụng những kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi để thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống, là khả năng sử dụng hài hòa điều kiện nêu trên trong quá trình làm việc để đạt được hiệu quả công việc cao nhất.

Những người làm việc trong hệ thống chính trị (HTCT) cấp xã gồm: CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.  Hầu hết đội ngũ CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được rèn luyện, tu dưỡng, thử thách và trưởng thành qua công tác; số lượng, chất lượng, cơ cấu có sự chuyển biến theo hướng tích cực; có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn có ý thức rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, xây dựng khối đoàn kết trong nội bộ từng địa phương; thường xuyên trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức chính trị, có lối sống giản dị, lành mạnh, gần gũi với quần chúng Nhân dân; thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trên các mặt, nêu cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn bộc lộ một số hạn chế: Một bộ phận cán bộ cấp cơ sở tác phong làm việc còn quan liêu; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật còn chưa cao; không nghiêm túc trong công tác tự phê bình và phê bình; thiếu dân chủ trong sinh hoạt; một số ít thiếu chú trọng đến việc học tập, rèn luyện, bộc lộ những yếu kém so với yêu cầu nhiệm vụ được giao; giải quyết công việc còn lúng túng, thiếu chủ động; cơ cấu CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không đồng bộ, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc nên năng lực thực thi pháp luật có lúc còn hạn chế. Trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là về quản lý kinh tế thị trường, quản lý các lĩnh vực tại cấp xã….

Như vậy, để nâng cao năng lực nhận thức và năng lực thực thi pháp luật cho các đối tượng này thì phải nâng cao chất lượng, năng lực CBCC, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, để công tác này thực hiện có hiệu quả cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau.

Thứ nhất, thường xuyên tổ chức quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực cho đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Thông qua hoạt động quán triệt chỉ thị, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước làm cho đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nhận thức đầy đủ và toàn diện về những quy định của pháp luật trao cho họ những nhiệm vụ, quyền hạn gì trong công tác quản lý nhà nước ở cơ sở để từ đó họ sẽ tổ chức thực hiện tốt hơn nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cấp xã trong sạch vững mạnh, tạo động lực, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Cần quan tâm hơn nữa công tác cán bộ cả về phẩm chất đạo đức, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên", đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần quan tâm đến việc tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo dục cho họ những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đường lối đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa; hết lòng phụng sự Nhân dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để giải quyết nhu cầu chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; kịp thời đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ.

Thường xuyên xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để cử CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia các lớp bồi dưỡng do tỉnh hoặc huyện phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh mở tại huyện như: Lớp Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho Bí thư, Phó Bí thư; Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; Bồi dưỡng kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp với công dân cho cán bộ "Một cửa"; lớp trung cấp lý luận chính trị... từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong tổ chức thực hiện pháp luật góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để giúp đội ngũ CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, nhiều nơi đơn vị quản lý trực tiếp về công tác cán bộ đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để đội ngũ CBCC, những người hoạt động không chuyên trách được học tập, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong quá trình công tác và từ thực tiễn tại cơ sở, mỗi CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã chủ động tự học, tự rèn luyện để tiếp tục nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn của mình. Từ đó, giúp CBCC cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách nâng cao năng lực nhận thức qua đó góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật nói chung.

Ngoài ra, Phòng Nội vụ cấp huyện cần thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; phân loại số CBCC đạt chuẩn, chưa đạt chuẩn để xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và giải quyết chế độ chính sách.

Đối với CBCC đạt chuẩn: cần quy định đào tạo nâng cao, tạo nguồn cho các chức danh chủ chốt cấp xã; đối với CBCC chưa đạt chuẩn: đối với số đủ điều kiện đào tạo phải bắt buộc đi học để đạt chuẩn (cả chuyên môn và chính trị) theo Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, ngày 05/12/2011 “về công chức xã. phường, thị trấn” và Thông tư 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 "hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố". Mạnh dạn sử dụng những CBCC trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cần quan tâm nhiều hơn các chế độ chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách làm việc trong HTCT cấp xã để họ tâm huyết, toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân.

Thứ ba, Thực hiện tốt công tác cán bộ và quản lý CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Thực hiện tốt các cơ chế tuyển chọn công chức, những người hoạt động không chuyên trách, quản lý, giám sát cán bộ sau bầu cử. Thực hiện đổi mới nâng cao hiệu quả các khâu liên quan đến công tác cán bộ ở cấp xã. Việc đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, “lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng đảng viên” (4). Đánh giá cán bộ lãnh đạo phải khách quan, căn cứ vào hiệu quả công việc, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể tại cấp xã và tạo nguồn cho cán bộ cấp huyện. Thông qua công tác này sẽ cung cấp thông tin cần thiết về năng lực của từng CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là căn cứ quan trọng để cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo cử đi đào tạo cho phù hợp với từng chức danh cụ thể.

Như vậy, CBCC, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có vai trò quan trọng trong việc đưa chủ trường, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào thực hiện trên thực tiễn ở cơ sở. Chính vậy, việc nâng cao năng lực nhận thức và năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ CBCB, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là nhân tố góp phần quan trọng trong sự thành bại của một chủ trường, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong quá trình thực hiện yêu cầu nêu trên cần vận dụng linh hoạt quan điểm mà Đảng ta đã đề ra tại  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách” “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (5)./.


(1), (2), (3)  Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, tr.309, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.192.

(5) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số