Tin mới nhất

Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị

Đồng chí Lê Duẩn, tên thật là Lê Văn Nhuận sinh ngày 07/4/1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Sinh ra tại Triệu Phong, Quảng Trị trong gia đình dòng họ Lê Văn có truyền thống yêu nước, hiếu học, nhiều người đỗ đạt. Các vị tiền nhân của dòng họ Lê Văn khi ra làm quan đều yêu nước thương dân. Thân phụ của đồng chí Lê Duẩn là ông Lê Văn Hiệp là một khóa sinh, thân mẫu là bà Võ Thị Đạo cũng là một phụ nữ phúc hậu, hay giúp đỡ người nghèo. Truyền thống của quê hương, gia đình trên mảnh đất Quảng Trị cùng việc chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước, trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Trị đã ảnh hưởng trực tiếp đến đồng chí Lê Duẩn, bước đầu hình thành lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc, từ đó hình thành tư tưởng cứu nước và sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào yêu nước. Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1931, mới 24 tuổi, đồng chí đã được cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó, đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng và lần lượt bị giam cầm tại các nhà tù thực dân như Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Sự tàn bạo của kẻ thù đã không làm đồng chí khuất phục, trái lại càng tôi luyện thêm ý chí, hun đúc thêm trí tuệ và phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, tháng 10/1936, đồng chí Lê Duẩn được trả tự do cùng nhiều chiến sỹ cách mạng. Vừa ra khỏi tù, đồng chí lại hăng say hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng sôi nổi ở miền Trung trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Giữa năm 1939, đồng chí được Trung ương điều động vào trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao phó. Bằng tư duy chính trị sắc sảo, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân Nam bộ lập nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên “Nam bộ thành đồng”.

Khả năng thực hiện hòa bình thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam bị kẻ thù phá hoại, theo sự phân công của Đảng, từ năm 1954 - 1956, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục ở lại lãnh đạo quân dân Nam bộ vùng lên chống đế quốc Mỹ và tay sai. Từ thực tiễn của cuộc đấu tranh cách mạng và năng lực tư duy chiến lược của mình, đồng chí đã soạn thảo “Đề cương cách mạng miền Nam”. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo trong văn kiện nổi tiếng này đã tháo gỡ bế tắc, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, đồng thời góp phần quan trọng cho sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II).

Giữa năm 1957, theo yêu cầu của Trung ương, đồng chí ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Bộ Chính trị chỉ đạo cách mạng hai miền. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết Đại hội III do đồng chí trình bày đã tổng hợp và nâng cao trí tuệ, kinh nghiệm của toàn Đảng, toàn dân, đề ra đường lối đúng đắn nhằm đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ chung của cả nước, nhiệm vụ của miền Bắc hậu phương lớn, miền Nam tiền tuyến lớn, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ. Đường lối sáng suốt đó đã động viên và tổ chức đến trình độ cao sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết của các nước anh em, của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Những năm 60 của thế kỷ XX, đất nước ta phải đương đầu với cuộc đọ sức quyết liệt nhất trước cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng leo thang của đế quốc Mỹ. Trong những năm ấy, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết sách đúng đắn đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở miền Nam, đồng thời bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau khi Chủ tich Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo quân dân cả nước giữ vững quyết tâm, tiếp tục chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn. Trong giai đoạn này, đồng chí Lê Duẩn đã nhận định và chỉ rõ: “Chúng ta nhận rõ tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc chiến tranh để biết đánh và biết thắng. Đã biết mở đầu đúng, biết đánh lâu dài thì chúng ta phải biết kết thúc đúng”[1].

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Lê Duẩn đã tổng kết thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, vạch ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đặc biệt, tại Đại hội này, đồng chí nhấn mạnh: Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), đồng chí đã vạch ra hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vũng chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và chiến lược kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.

Đối với đường lối đổi mới của Đảng, đồng chí đã tìm tòi, thử nghiệm và ủng hộ mạnh mẽ cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, trước hết là đổi mới cách khoán sản phẩm cho người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1981. Sáng kiến này đã góp phần vào việc xây dựng đường lối đổi mới toàn diện của Đảng tại Đại hội lần thứ VI. Luận điểm mà đồng chí Lê Duẩn đưa ra đó là tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó có cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt cho thấy sự nhạy bén, sớm xác định vai trò của khoa học kỹ thuật.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng 60 năm của mình với 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tham gia hoạt động cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, từng trải qua mọi thử thách, luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động. Đồng chí đã cống hiện trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2022) đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khoá XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đây là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đồng thời góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hiện thực hoá khát vọng khát triển phồn thịnh của đất nước ta./.


[1]. Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, trang 255.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số