Tin mới nhất

Thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý có nghĩa là nam giới, nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong công tác lãnh đạo, quản lý, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình ngang nhau ở tất cả các khâu của quy trình công tác cán bộ và được thụ hưởng kết quả bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý chính thức trong hệ thống chính trị công bằng.

Ngay khi ra đời, Đảng ta sớm xác định nam nữ bình quyền là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng luôn đề cao vai trò của phụ nữ và đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác phụ nữ, như: Nghị quyết số 152-NQ/TW ngày 10/01/1967 về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Đặc biệt Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước xác định: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”

Tại Bình Thuận, từ khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động số 08-NQ/TU, ngày 14/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI)…, việc thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý đã đạt được những kết quả quan trọng như:

Về số lượng đại biểu HĐND các cấp: Nhiệm kỳ 2011-2015: trúng cử trong nhiệm kỳ 2011-2015 là 3.963 đại biểu, trong đó: Cấp tỉnh có 9/52 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 17,31%; Cấp huyện có 86/373 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 23,06%; Cấp xã có 833/3.538 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 23,54%. Nhiệm kỳ 2016-2021: trúng cử trong nhiệm kỳ 2016-2021 là 1.125 đại biểu, trong đó: Cấp tỉnh có 15/54 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 27,78%; Cấp huyện có 93/372 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 25%; Cấp xã có 1.017/3.554 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 28,62%. Nhiệm kỳ 2021-2026: số ứng cử viên nữ tại tỉnh Bình Thuận được trúng cử là: Đại biểu Quốc hội khóa XV có 3/7 đại biểu (42,8%), HĐND tỉnh 15/53 đại biểu (28,3%), HĐND cấp huyện 96/339 đại biểu (28,3%), HĐND cấp xã 880/2987 đại biểu (29,5%) [2].

Về số lượng lãnh đạo chủ chốt là nữ: Năm 2015: Ủy ban nhân dân các cấp là 138, trong đó, cấp tỉnh: 01, cấp huyện: 10, cấp xã: 127. Theo thống kê, có 59 Ủy ban nhân dân (cấp huyện: 05, cấp xã: 54) có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 42,75%. Năm 2020: Ủy ban nhân dân các cấp là 135, trong đó, cấp tỉnh: 01, cấp huyện: 10, cấp xã: 124. Theo thống kê, có 90 Ủy ban nhân dân (cấp huyện: 04, cấp xã: 86) có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 72,58% [2].

Về số lượng cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ: Năm 2015: cơ quan Nhà nước là 161, trong đó, cấp tỉnh: 24 cơ quan, cấp huyện: 10 cơ quan, cấp xã: 127 cơ quan. Theo thống kê, số cơ quan Nhà nước có từ 30% cán bộ nữ trở lên là 83 cơ quan (cấp tỉnh: 18, cấp huyện: 08, cấp xã: 57); số cơ quan Nhà nước có từ 30% cán bộ nữ có cán bộ chủ chốt là nữ: 53 cơ quan (cấp tỉnh: 07, cấp huyện: 05, cấp xã: 41), chiếm tỷ lệ 63,86%. Năm 2020: cơ quan Nhà nước là 160, trong đó, cấp tỉnh: 26 cơ quan, cấp huyện: 10 cơ quan, cấp xã: 124 cơ quan. Theo thống kê, số cơ quan Nhà nước có từ 30% cán bộ nữ trở lên là 128 cơ quan (cấp tỉnh: 22, cấp huyện: 08, cấp xã: 98); số cơ quan Nhà nước có từ 30% cán bộ nữ có cán bộ chủ chốt là nữ: 99 cơ quan (cấp tỉnh: 11, cấp huyện: 05, cấp xã: 83), chiếm tỷ lệ 77,34% [2]

Những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chỉ đạo; chất lượng, số lượng đội ngũ từng bước được nâng cao. Nhiều chương trình hành động được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác phụ nữ đến năm 2020, hướng đến năm 2030.

Qua từng năm, vai trò, vị trí của phụ nữ đã được khẳng định và có những đóng góp to lớn trong hệ thống chính trị. Các nữ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tham gia tích cực và có hiệu quả hơn trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trình độ, bản lĩnh chính trị của nữ đại biểu Quốc hội, HĐND ngày được nâng lên. Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị đã góp phần tích cực vào thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần vào việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao và phát huy trình độ, năng lực, vai trò của phụ nữ, đảm bảo để phụ nữ thực hiện tốt chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về chính sách cho cán bộ nữ [2]: Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương; HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành một số chính sách tạo điều kiện để phụ nữ phát triển như:

- Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 về ban hành Quy định chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

- Nghị quyết 79/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

 Tại các chính sách trên, HĐND, UBND tỉnh luôn chú trọng ưu tiên cho cán bộ nữ, ngoài các chính sách được hưởng, cán bộ nữ khi được cấp thẩm quyền cử đi đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ hay đào tạo về trung cấp, cao cấp lý luận chính trị đều được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí như:

+ Đối với đào tạo sau đại học, ngoài việc hỗ trợ chung, cán bộ nữ được hỗ trợ thêm: 5.000.000đ/người/toàn khóa học;

+ Đối với đào tạo từ trung cấp đến đại học kể cả đào tạo về lý luận chính trị: Ngoài việc hỗ trợ chung, cán bộ nữ được hỗ trợ thêm 25.000 đồng/người/ngày thực học và ngày đi thực tế. Đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là nữ: 30.000 đồng/người/ngày thực tế.

- Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, tại chính sách này cán bộ nữ được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng đối với chính sách hỗ trợ ban đầu.

Đối với chính sách đào tạo ở nước ngoài

Theo quy định tại Quyết định số 49/2013/QĐ-UBND ngày 21/10/2013 về việc Quy định chính sách trợ cấp kinh phí đối với người được cử đi học theo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài giai đoạn 2007 - 2015 của tỉnh Bình Thuận thì cán bộ, công chức, viên chức nữ ngoài việc được nhận tiền trợ cấp toàn bộ học phí, tiền thuê ký túc xá, tiền mua tài liệu, nếu học ngoại ngữ từ trình độ B lên trình độ C thì được trợ cấp sinh hoạt phí 15.000 đồng/người/ngày (cán bộ nam 10.000 đồng/người/ngày); thi trình độ TOEFL được trợ cấp sinh hoạt phí 20.000 đồng/người/ngày (cán bộ nam 15.000 đồng/người/ngày); học chuyên môn, nghiệp vụ trong nước (giai đoạn đầu) được trợ cấp sinh hoạt phí 20.000 đồng/người/ngày (cán bộ nam 15.000 đồng/người/ngày).

Công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ của địa phương: Công tác cán bộ nữ được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm; ngày càng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nữ được đưa vào quy hoạch; được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị; được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ nữ ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo quy định. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh về cơ bản đều có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; một số cơ quan, đơn vị còn khuyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ đạo sắp xếp, bố trí đảm bảo yêu cầu trong thời gian tới. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và tham gia hội đồng nhân dân các cấp cơ bản đạt chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra (bình quân cấp ủy 03 cấp đạt 21,4%), cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều có tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước: Cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) có 6 nữ/50 đồng chí, chiếm 12% (chưa đạt chỉ tiêu 15%); cấp ủy cấp huyện, có 154 nữ/523 đồng chí, chiếm 29,4%, tăng 28,3% so với nhiệm kỳ 2005 -2010; cấp ủy cấp cơ sở, có 363 nữ/1.592 đồng chí, chiếm 22.8%, tăng 7,1% so với nhiệm kỳ 2005 - 2010. Cán bộ nữ đại biểu Quốc hội - khóa XIV (đơn vị tỉnh Bình Thuận): có 03 đồng chí chiếm tỉ lệ 28,57% (đạt chỉ tiêu 01 – 02 đại biểu nữ theo Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI). Cán bộ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh (khóa X) có 15/54 đại biểu, chiếm 27,78%, tăng 8,55% so với nhiệm kỳ trước (đạt chỉ tiêu đề ra là 25% trở lên); cấp huyện, có 93 nữ/372 đại biểu, chiếm 25% (tăng 4,9% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã, có 1.014 nữ/3.546 đại biểu, chiếm 28,6% (tăng 4,83% so với nhiệm kỳ trước) [1].

Đội ngũ nữ trí thức trong khoa học và công nghệ tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng khoa học đánh giá cao và ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đến nay có: 15 đề tài cấp tỉnh, 725 đề tài cấp cơ sở và 952 sáng kiến trên lĩnh vực y tế, 401 sáng kiến trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo... [1]

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được quan tâm hơn; tỷ lệ cán bộ nữ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ qua từng năm đều tăng; chất lượng đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng được nâng lên, phát huy tốt hơn phẩm chất, năng lực trên các lĩnh vực công tác. Từ năm 2007 đến nay, có 141 cán bộ nữ được đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 16,97% trên tổng số cán bộ được đào tạo); 998 cán bộ nữ được đào tạo trung cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 36,34% trên tổng số cán bộ được đào tạo); có 649 cán bộ, công chức nữ theo học các lớp đào tạo đại học tại chức do tỉnh phối hợp với các trường đại học mở; 83/259 cán bộ nữ được cử đi đào tạo trình độ sau đại học (chiếm tỷ lệ 32 % so với số học viên được cử đào tạo) [1]. Công tác tạo nguồn, xây dựng chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nữ luôn được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng. Qua đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức nữ đã từng bước được nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn hóa, củng cố vị trí, vai trò của mình trong xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng.

Công tác phát triển đảng viên mới: quan tâm nhiều hơn đến nguồn quần chúng ưu tú là nữ, theo đó tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng hàng năm đều tăng, đến nay đạt tỷ lệ 45,34% so với tổng số đảng viên được kết nạp (vượt chỉ tiêu đề ra là từ 35-40%), nâng tỷ lệ đảng viên là nữ trong toàn Đảng bộ lên 36,23% (tăng 6,85% so với năm 2007 và chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 là 35%). Các cấp hội phụ nữ đã có nhiều cố gắng, chủ động phát hiện, giới thiệu, đề xuất với cấp ủy quy hoạch, đào tạo, sử dụng, phát huy tốt năng lực đội ngũ cán bộ nữ; qua đó, có 65 cán bộ hội phụ nữ (cấp tỉnh 06 đồng chí, huyện 14 đồng chí, cơ sở 45 đồng chí) được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp [1].

Thực tế và hiệu quả việc áp dụng tiêu chí về bình đẳng giới để đánh giá danh hiệu xã đạt nông thôn mới trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Tiểu tiêu chí 18.6) ở địa phương [2]: căn cứ theo các yêu cầu trong Tiểu tiêu chí 18.6, đến thời điểm hiện nay đã có 50/93 xã nông thôn mới đạt Tiểu tiêu chí 18.6 có tỷ lệ ủy viên cấp xã đạt từ 15% trở lên; hoặc cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã có quy hoạch nữ lãnh đạo chủ chốt ở xã, khi khuyết một trong các vị trí chủ chốt, thực hiện bố trí cán bộ nữ vào các vị trí này theo quy định. Mỗi tháng trên hệ thống truyền thanh của các xã đều phát thanh ít nhất 02 chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới. Bố trí và thành lập mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình tại cộng đồng đạt tiêu chuẩn, tập trung chủ yếu tại Trạm y tế xã, có vị trí đi lại thuận tiện, dễ tìm kiếm và trang thiết bị đáp ứng đầy đủ. Những trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn không xảy ra trên địa bàn. Đạt 100% số phụ nữ hộ nghèo, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và nguồn tín dụng chính thức để phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng nước sạch vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua thì công tác bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn những hạn chế nhất định:

Một là, công tác phát triển, tạo nguồn cán bộ nữ của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có chính sách riêng đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Việc phát hiện và giới thiệu nguồn cán bộ nữ chưa được triển khai hiệu quả và mang tính chiến lược.

Hai là, khoảng cách giới nhìn chung vẫn còn tồn tại khá lớn. Trong lĩnh vực chính trị, sự tham gia của phụ nữ còn hạn chế, đặc biệt ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với nam và chưa tương xứng với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Định kiến giới truyền thống về vai trò của người phụ nữ, gắn phụ nữ với công việc gia đình vẫn còn tồn tại, do đó, phụ nữ tham gia chính trị thường gặp phải những rào cản không chính thức như truyền thống, khuôn mẫu, quy tắc văn hóa, định kiến xã hội... Yêu cầu đặt ra là cần phải từng bước thay đổi những rào cản này, tạo ra những cơ hội và triển vọng phát triển cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Ba là, hiện nguồn cán bộ nữ ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị còn thiếu về trình độ chuyên môn nghiêp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý rất khó cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ nữ theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Một bộ phận công chức, viên chức nữ chưa thể hiện được vai trò, ý thức phấn đấu vươn lên; chưa nổi trội trong công tác chuyên môn và tham gia vào các hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ còn hạn chế, chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế.

Bốn là, khối lượng công việc của ngành khá lớn, phải thực hiện thường xuyên, liên tục và đi cơ sở nhiều nên lãnh đạo nữ có nhiều hạn chế hơn. Một số cán bộ nữ quản lý chưa chủ động học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu mới. Hầu hết bằng lòng với hiện tại, dẫn đến hạn chế về tầm nhìn, thiếu năng động, sáng tạo trong quản lý.

Để khắc phục những hạn chế trên đòi hỏi trong thời gian tới cần phải có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh như:

Một là, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định, chủ trương của Tỉnh về công tác cán bộ nữ; quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ; có chính sách khen thưởng, phê bình rõ ràng, từ đó các cấp, các ngành có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ.

Hai là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham mưu về công tác nhân sự và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị và địa phương để từ đó nắm bắt chủ trương về công tác cán bộ nữ, nhằm phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ để bố trí, bổ nhiệm cho phù hợp với tình hình thực tế tại từng cơ quan, đơn vị.

Ba là, các cơ quan chuyên môn tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cần rà soát lại nguồn nhân lực cán bộ nữ, tham mưu xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ.

Bốn là, cần chú ý thực hiện chủ trương tạo nguồn cán bộ nữ kế cận. Theo đó, đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao xét thấy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực thì thực hiện việc bổ nhiệm hoặc

Năm là, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ. Cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, đề án, dự án về bình đẳng giới. Củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ tham mưu về công tác bình đẳng giới, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số.

Sáu là, trong giới thiệu ứng cử và tự ứng cử, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan. Việc giới thiệu số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của cơ quan, đơn vị. Trong quá trình tham gia vào cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho thấy, quá trình giới thiệu người ứng cử là nữ, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, công đoàn, nữ công rất quan trọng. Một khi các chủ thể này nhận thức đầy đủ quan điểm về bình đẳng giới thì sẽ giới thiệu cho Mặt trận tổ quốc (MTTQ) những người không những bảo đảm đủ tiêu chuẩn nói chung theo quy định pháp luật về bầu cử, mà còn là người nổi trội, xuất sắc trong tập thể, trong danh sách những người được giới thiệu. Chỉ như vậy MTTQ mới có đủ điều kiện để hiệp thương, lựa chọn người ứng cử là nữ nổi trội đưa vào danh sách ứng cử.

Bảy là, quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới. Các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ. Việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau, khắc phục tình trạng giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa “làm đệm” cho nam hoặc cho cán bộ lãnh đạo.

Tám là, tăng cường phối hợp tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, góp phần xóa bỏ định kiến giới. Chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành. Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong tham gia giám sát, phản biện xã hội về chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ.

Chín là, hàng năm rà soát, bổ sung quy hoạch gắn đào tạo nhân sự nữ đảm bảo số lượng, chất lượng; phát hiện nhân tố tích cực, có triển vọng để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Phấn đấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt tỷ lệ 30% trở lên. Cùng với đó kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Bản thân chị em phụ nữ cũng phải nỗ lực và tận dụng mọi cơ hội để nâng cao trình độ, kỹ năng, tham gia nhiều hơn vào hoạt động cấp ủy, cơ quan, đơn vị để khẳng định vị trí của mình và xóa bỏ định kiến về giới.

Mười là, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, công chức thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ của tỉnh giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019-2025.

Và để phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả trong thời gian tới; cần thực hiện đầy đủ các quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ và công tác phụ nữ; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ một cách hợp lý, đảm bảo các quy định của Trung ương. Các cấp ủy cần quan tâm sâu sát hơn đối với công tác phụ nữ; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng đối với công tác phụ nữ sao cho các chính sách cho phụ nữ là tốt nhất và phù hợp với đặc điểm giới và bình đẳng giới…


[1] Tỉnh uỷ Bình Thuận, Báo cáo số 200-BC/TU ngày 09/8/2017 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

[2] Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số: 120/BC-UBND ngày 02/6/2020 về tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

 

 

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số